Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, mức tăng trưởng kinh tế những năm gần đây không hợp lý, mà lên xuống đột ngột, không theo logic thông thường. Cụ thể, cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống.
Đại biểu nêu dẫn chứng từ số liệu thống kê đã công bố, quý 4 năm 2015, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 7,01%. Nhưng tới quý 1 năm 2016 “rơi” xuống còn 5,48%, rồi lại tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% vào quý 4 năm 2016, sau đó lại giảm ở quý tiếp theo (của năm 2017).
Đại biểu Hàm nhận xét, nếu nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái với logic thông thường.
Dẫn một số liệu thống kê khác, đại biểu Hàm cho biết trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay thì phân bổ cho đầu tư phát triển lại dàn trải. Cụ thể, ngân sách giành 80.000 tỷ dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm chưa bố trí và giải ngân được vốn.
Trong khi đó, nợ công đã đến 62,2% GDP, thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Dự báo, đến năm 2020 nợ công sẽ vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách và lên tới hơn 100.000 tỷ mỗi năm. Hiện, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, mà nguồn trả nợ sử dụng là từ vay mới. Như vậy là nợ chồng lên nợ, đến mức dự báo đến năm 2020 không khắc phục được, nguồn vay sẽ lên tới 252.000 tỷ đồng.
Đại biểu Hàm nêu quan ngại về thực tế chi ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn ngân sách và nợ công.
Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn bày tỏ quan ngại với tình trạng nợ công vẫn tiếp tục tăng so với năm trước, nhưng thu ngân sách lại có khả năng không đạt kế hoạch. Như vậy là "thu không đủ chi và đã làm hạn chế đầu tư phát triển, nhiều doanh nghiệp phải chịu 12-15 loại thuế, phí giảm sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam đứng thứ 3, sau Nhật Bản và các nước trong khu vực" – đại biểu Lê Minh Chuẩn nói.
Trong khi đó tỷ lệ huy động thuế, phí ở Việt Nam là đang khá cao so với các nước trong khu vực, lên tới 20%, cao hơn Thái Lan (11%), Malaysia (14,3%)... Do đó, mỗi người dân Việt đang phải chịu khoản thuế, phí trên GDP gấp 1,4 - 3 lần so với nước khác. Doanh nghiệp, người dân đang cứ làm ra 10 đồng thì nộp thuế mất gần 4 đồng.
Như vậy, dù tăng thuế, phí nhưng khả năng thu ngân sách vẫn không đạt mục tiêu – đại biểu Lê Minh Chuẩn kết luận – và đề nghị cần thay đổi chính sách thu thuế, thay vì tận thu.