|
PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại hội thảo |
Tăng trưởng không thể bám mãi vào “mặt đất”
Trong bức tranh phát triển Vùng Thủ đô, các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến sôi động nhờ hạ tầng kết nối và quỹ đất lớn. Nhiều nhà đầu tư đã và đang đổ về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi nội đô.
Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô” do Tạp chí Reatimes tổ chức sáng nay (15/5), PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, cho rằng Vùng Thủ đô thực tế không phải là khái niệm mới, tuy nhiên cách nhìn nhận, cách tiếp cận và kỳ vọng đặt vào không gian địa lý đặc biệt này đang đổi thay theo chiều sâu và chiều rộng, phản ánh một bối cảnh mới, tư duy mới và cả những thách thức mang tính bước ngoặt.
Theo ông, Vùng Thủ đô nay đang được tái định hình như một không gian tăng trưởng chiến lược của quốc gia, là một vùng động lực thực sự, có khả năng tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới. Khi quốc gia xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu thì Vùng Thủ đô cũng chuyển dịch vai trò, từ vệ tinh của Hà Nội thành cực phát triển cấp vùng trong cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại.
Đây là biểu hiện cho một bước ngoặt, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao. Từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Từ “có tăng trưởng” sang “tăng trưởng chất lượng cao”. Và để làm được điều đó, không gian tăng trưởng cần được mở rộng về cả chiều vật lý lẫn chiều số.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng tăng trưởng không thể bám mãi vào “mặt đất” với những giới hạn về quỹ đất, hạ tầng, dân số. Tư duy mở rộng không gian vật lý sang không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển, thậm chí là không gian vũ trụ, đang được đặt ra như một mệnh đề phát triển mới. Và Vùng Thủ đô, với lợi thế kết nối dựa núi hướng biển, có thể trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian.
Chuyển đổi từ mô hình đô thị lõi sang hệ thống đô thị nối dài với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình đại đô thị tích hợp công nghiệp dịch vụ, đô thị xanh thông minh nghỉ dưỡng bắt đầu hình thành.
“Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững”, ông Thiên nói.
Hiện nay, Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh, trong khi Vùng TP.HCM chỉ mới có 4 đường. Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh vị trí, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực của Vùng Thủ đô cũng vượt trội hơn hẳn so với nhiều khu vực khác nhờ hội tụ nhiều nhân lực chất lượng.
“Vì vậy, dù được nhận diện thế nào thì Vùng Thủ đô cũng sẽ là nơi hội tụ sức mạnh rất lớn - “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Cách tiếp cận là thông ra biển, hướng lên trời”, vị PGS.TS cho hay.
Quan trọng hơn nữa theo ông Thiên là khu vực này đang tạo ra sức cộng hưởng tiềm năng về lợi thế, sau khi có sự thay đổi về địa giới hành chính do chính sách sáp nhập tỉnh thành. Do đó, sức cạnh tranh của khu vực này là vượt trội, cấu trúc phát triển của vùng này là đa dạng.
Nhận định về thị trường bất động sản Vùng Thủ đô, ông Thiên đánh giá chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thách thức nếu không biết nắm bắt và quản lý. Vì vậy, để có thể tận dụng tối đa những lợi thế, giúp Vùng Thủ đô phát triển xứng với tiềm năng, cần có những chính sách phù hợp.
Sau sáp nhập, Vùng Thủ đô dự kiến còn 7 tỉnh thành
Trước khi sáp nhập, TS. Cấn Văn Lực - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết Vùng Thủ đô có khoảng 10 tỉnh thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tích cực. Trong quý I/2025, Vùng Thủ đô có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 9,4%.
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, sau sáp nhập Vùng Thủ đô dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội; Hưng Yên (Hưng Yên + Thái Bình); Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định); Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình); Bắc Ninh (Bắc Ninh + Bắc Giang); Thái Nguyên (Thái Nguyên + Bắc Kạn); Quảng Ninh.
Về diện tích, sau sáp nhập, Phú Thọ (Vĩnh Phúc + Phú Thọ + Hòa Bình) có diện tích rộng lớn nhất. Về dân số, Hà Nội vẫn đông nhất với 8,7 triệu dân. Đứng thứ hai là Ninh Bình (Hà Nam + Ninh Bình + Nam Định).
“Nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng”, ông Lực nói.
Về các dự án hạ tầng trọng điểm, TS Cấn Văn Lực cho hay tại Vùng Thủ đô có rất nhiều dự án đang và sẽ chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Đơn cử, dự án Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng. Dự án này đã và đang triển khai, chạy qua 4 tỉnh thành phố.
Dự án Vành đai 5 cũng đã bắt đầu bàn để tiến hành thực hiện với độ dài khoảng 272 km, gấp đôi Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng và cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hay dự án sân bay Gia Bình được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng khi được nâng cấp thành sân bay quốc tế, có diện tích 363,5 ha.
Một dự án nữa là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô khoảng hơn 1.500 km, chạy qua 20 tỉnh, thành phố; tổng vốn đầu tư dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án hạ tầng khác đang tạo động lực phát triển tích cực cho Vùng Thủ đô.