
Doanh nghiệp lớn ở phía Nam
Sao Mai tiền thân là Công ty liên doanh kiến trúc tỉnh An Giang, được thành lập vào năm 1988. Đến năm 1997, theo xu hướng mở cửa hội nhập của nền kinh tế lúc bấy giờ, các cán bộ chủ chốt đã tách ra thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang.
Khởi điểm từ một doanh nghiệp nhỏ có nhân sự chưa đến 50 người, vốn điều lệ 905 triệu đồng, đến nay, Sao Mai được biết đến là tập đoàn đa ngành, phủ sóng ở các lĩnh vực như bất động sản, thủy sản, sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra, năng lượng tái tạo…
Trong lĩnh vực bất động sản, Sao Mai Group là một trong những doanh nghiệp địa ốc chủ lực tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, tập đoàn đã tập trung nguồn lực và âm thầm gom quỹ đất ở nhiều vị trí đắc địa như: Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông… Với quỹ đất đồ sộ này có thể đảm bảo cho việc triển khai các dự án bất động sản của tập đoàn trong tương lai.
Về lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (I.D.I) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai nằm trong top 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Công ty này hiện đang sở hữu 2 nhà máy chế biến cá tra đông lạnh với công suất 900 tấn nguyên liệu/ngày, 4 kho lạnh với tổng sức chứa 40.000 tấn, 1 nhà máy chế biến bột cá mỡ cá công suất 450 tấn phụ phẩm/ngày, 1 nhà máy tinh luyện dầu cá công suất 200 tấn thành phẩm/ngày.
Để từng bước khép kín chuỗi sản xuất, cuối năm 2017 Tập đoàn Sao Mai đã đưa vào khai thác nhà máy chế biến thức ăn thủy sản có công suất gần 400.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng, đây là nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam.
I.D.I tuy là một doanh nghiệp có tuổi đời còn trẻ so với các đơn vị khác cùng ngành đã hoạt động trong nhiều thập kỷ nhưng tên tuổi mà công ty gầy dựng trong ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu khiến đối thủ không thể bỏ qua.
Sau khi ưu tiên nguồn lực đầu tư cho bất động sản và thủy sản, Sao Mai Group quyết định táo bạo trong lĩnh vực du lịch khi nhanh chóng trở thành công ty mẹ của Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp năm 2014 và Công ty Cổ phần Du lịch An Giang năm 2016. Đây là 2 doanh nghiệp Nhà nước có thương hiệu làm du lịch lâu đời, sở hữu nhiều tài sản có giá trị.
Ngoài 2 hãng lữ hành này, Sao Mai Group cũng đang đầu tư nhiều dự án du lịch khác như Lamori Resort & Spa tại Thanh Hóa, khách sạn 5 sao tại TP Cà Mau, khách sạn 5 sao tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp...
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng lấn sân vào mảng năng lượng tái tạo khi cuối năm 2017 đã đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời áp mái công suất 1,07 MWp. Tiếp theo đó, vào các năm 2019 và 2020, Sao Mai vận hành phát điện thương mại các nhà máy điện mặt trời tại Long An với công suất 50 MWp và tại An Giang với công suất 210 MWp.

Sau thành công đạt được nhờ đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại các tỉnh phía Nam, những năm gần đây, Tập đoàn Sao Mai tiếp tục hành trình Bắc tiến. Thanh Hóa, quê hương của ông Lê Thanh Thuấn - Người sáng lập tập đoàn được “chọn mặt, gửi vàng” khi doanh nhân này liên tục “rót tiền” vào nhiều dự án.
Đó là dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, diện tích khoảng 100 ha; khu đô thị Minh Sơn, thị trấn Triệu Sơn với tổng mức đầu tư ban đầu là 500 tỷ đồng, tổng quy mô 45 ha; khu dân cư Xuân Thịnh & Thọ Dân, huyện Triệu Sơn (đưa vào khai thác từ năm 2017) đã đem về doanh thu thuần 71,6 tỷ đồng; Bệnh viện quốc tế Sao Mai với tổng diện tích 4 ha, giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân có quỹ đất 70,7 ha, vốn đầu tư khoảng 561 tỷ đồng.
Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh liên tục âm
Sau hơn 3 thập kỷ và phát triển, Tập đoàn Sao Mai hiện có vốn điều lệ 3.702 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông gồm: ông Lê Thanh Thuấn là cổ đông lớn nhất của ASM (nắm 19,31% vốn điều lệ); ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc - con ruột của ông Lê Thanh Thuấn (nắm 11,26% vốn điều lệ); quỹ Pyd Elite là cổ đông lớn thứ 3 nắm 11,01% vốn điều lệ.
Các thành viên khác trong gia đình ông Thuấn gồm: Võ Thị Thanh Tâm (vợ ông Thuấn nắm 5,2%), Lê Thị Nguyệt Thu (con gái - sở hữu 5,33%), Lê Thị Thiên Trang (con gái - sở hữu 5,14%). Tính ra, gia đình ông Thuấn đã nắm 46,24% vốn điều lệ Tập đoàn Sao Mai.
Về tình hình kinh doanh, trong những năm gần đây, Tập đoàn Sao Mai đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, đặc biệt là áp lực từ nợ vay và chi phí lãi vay cao.
Kể từ năm 2020 đến nay, tình hình kinh doanh của Sao Mai không có nhiều ấn tượng khi lãi ròng chỉ vài trăm tỷ đồng mỗi năm thậm chí sụt giảm, trong khi doanh thu thuần hàng năm tạo ra đều trên 10.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu của VietTimes, giai đoạn từ năm 2020 - 2024, Sao Mai Group ghi nhận doanh thu thuần trồi sụt, đạt lần lượt 12.524 tỷ đồng, 11.397 tỷ đồng, 13.749 tỷ đồng, 11.973 tỷ đồng và 12.013 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, lợi nhuận sau thuế của Sao Mai khá mỏng, lần lượt là: 572 tỷ đồng, 703 tỷ đồng, 962 tỷ đồng, 251 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh khó khăn, Tập đoàn Sao Mai cũng thực hiện động thái thu hẹp bộ máy bằng việc giải thể văn phòng đại diện tại Hòa Bình vào cuối tháng 4/2025, với lý do “không còn nhu cầu duy trì hoạt động, nhằm cắt giảm chi phí”. Sau điều chỉnh, Tập đoàn chỉ còn 3 văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.
Dù tích cực tái cơ cấu và mở rộng danh mục đầu tư, bức tranh tài chính của Tập đoàn Sao Mai trong quý đầu năm 2025 cũng khá ảm đạm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 38 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu thuần vẫn tăng 7%, đạt hơn 2.715 tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận khá chật vật, Sao Mai Group còn gây quan ngại khi dòng tiền kinh doanh âm nặng liên tiếp nhiều năm. Theo thống kê, năm 2022, dòng tiền kinh doanh của tập đoàn âm gần 340 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn dương hơn 1.000 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư của tập đoàn âm 451 tỷ đồng.
2023 cũng là năm thứ 2 liên tiếp tập đoàn này ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 353 tỷ đồng, cùng với đó dòng tiền đầu tư âm 78 tỷ đồng.
Còn mới nhất, năm 2024, doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh âm rất nặng 968 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư âm 1.171 tỷ đồng.
Phụ thuộc vốn vay
Nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh âm nặng là sự gia tăng của các khoản phải thu, sự suy giảm của các khoản phải trả và gánh nặng chi trả lãi vay.
Phân tích kỹ hơn trong năm 2024, các khoản phải thu tăng lên 5.114 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng tài sản. Số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn xuống 230 tỷ đồng, sụt giảm 39,7%.
Trong khi đó, nợ vay tăng tới 27% lên 13.676 tỷ đồng. Như vậy, nợ vay đã lớn hơn vốn chủ sở hữu tới 69% (vốn chủ sở hữu 8.077 tỷ đồng), đồng nghĩa với việc 62% tổng tài sản của Sao Mai được hình thành từ các khoản vay mượn.
Khoản thu từ đi vay năm 2024 đạt 15.702 tỷ đồng, còn trả nợ gốc vay là 12.757 tỷ đồng. Đây đều là ngưỡng cao cho thấy mức độ phụ thuộc vào vốn vay của Sao Mai khá lớn, dù so với năm trước đã giảm bớt.

Ngoài nợ vay, giá trị hàng tồn kho của Sao Mai trong năm 2024 cũng cao, đạt 4.336 tỷ đồng, tương đương 19% tổng tài sản, trong đó tồn kho hàng hoá bất động sản lên tới 1.572 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trên phần nào có liên đới đến vấn đề nhân sự cấp cao tại Sao Mai Group. Những năm gần đây, Tập đoàn Sao Mai thực hiện sắp xếp lại nhân sự thượng tầng, sau khi nhận được các đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Lê Thanh Thuấn (người sáng lập), bà Lê Thị Nguyệt Thu và ông Nguyễn Văn Phụng.
Lý do nhà sáng lập Lê Thanh Thuấn và Chủ tịch HĐQT Lê Thị Nguyệt Thu từ nhiệm là nhằm đáp ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ.
Nhằm đáp ứng theo yêu cầu điều hành và phát triển, Hội đồng quản trị bầu bổ sung thêm 1 thành viên là ông Lê Văn Thành (sinh năm 1964) cho vị trí Chủ tịch HĐQT Sao Mai. Ông Thành cũng chính là em trai ông Thuấn. Ngoài ra, ông Lê Tuấn Anh (con trai ông Thuấn) giữ chức tổng giám đốc.
Trong bối cảnh mảng bất động sản chưa có nhiều cải thiện, mảng thủy sản đứng trước cơn sóng lớn của thương mại toàn cầu, sự chuyển mình của Tập đoàn Sao Mai sang lĩnh vực năng lượng tái tạo qua việc đầu tư vào điện gió mới đây là một bước đi chiến lược trong bối cảnh thị trường hiện tại. Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc cải thiện hiệu quả tài chính để có thể thực hiện các mục tiêu dài hạn đã đặt ra.