Vì vậy, năm nay, cơ quan thuế cũng phải đẩy mạnh thanh, kiểm tra, cùng với tăng cường thu hồi nợ đọng để bù đắp một phần ngân sách bị giảm do giá dầu thô”, bà Nguyễn Thị Bé Ba, Phó cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.
Năm 2015, giá dầu thô thanh toán chỉ đạt 54 USD/thùng, thay vì 100 USD/thùng như dự toán, chắc chắn thu ngân sách tại Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng khó khăn?
Số thu từ dầu thô cả nước năm 2015 được Quốc hội giao là 93.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Bà Rịa - Vũng Tàu được giao 53.179 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ thu được 37.864 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm 2014. Dầu thô giảm giá khiến các khoản thu liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dầu thô cũng giảm theo, nên tổng thu năm 2015 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 65.151 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán và giảm tới 23,4% so với năm 2014.
Năm 2016, tổng số thu từ dầu thô trên cả nước được Quốc hội giao là 54.500 tỷ đồng, với giá bán bình quân đạt 60 USD/thùng, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu được giao 31.850 tỷ đồng. Giá dầu thô giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay rời khá xa so với mức 60 USD (bình quân chỉ đạt khoảng 38 USD/thùng), nên chắc chắn thu ngân sách trên địa bàn gặp vô vàn khó khăn, thu ngân sách nhà nước của cả nước cũng gặp khó khăn theo.
Nhưng ngoài dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có thế mạnh là dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn và là một trong số địa phương có số thu từ thuế thu nhập cá nhân lớn nhất cả nước, thưa bà?
Đúng là địa phương có thế mạnh về hoạt động dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhưng số thu không đủ bù đắp một phần do giá dầu giảm. Đơn cử, năm 2015, do giá dầu giảm, ngân sách không phát sinh khoản thu 3.230 tỷ đồng từ tăng giá khí bán cho các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), không phát sinh khoản thu 1.850 tỷ đồng theo lộ trình tăng giá khí bán cho sản xuất điện; thu từ bán dầu nội địa của mỏ Đại Hùng giảm 954,4 tỷ đồng...
Giá dầu giảm cũng khiến thuế giá trị gia tăng của Tổng công ty Khí và Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm 718 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Cũng vì giá dầu giảm, nên ngay cả thu từ thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt gần 2.609 tỷ đồng, giảm trên 691 tỷ đồng so với dự toán và giảm khoảng 8,6% so với năm 2014 do các nhà thầu dầu khí đang hoạt động tinh giản lao động, một số nhà thầu đóng mã số thuế, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực dầu khí cũng giảm.
Để giảm phần nào số hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, như bà nói, cơ quan thuế địa phương đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để chống thất thu. Công tác này được triển khai thế nào?
Thu hồi nợ đọng và thanh tra, kiểm tra là hai trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thuế được thực hiện thường xuyên, chứ không phải do giá dầu giảm hay do thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán nên ngành thuế mới quan tâm đến hai công tác này.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình trạng nợ đọng thuế có chiều hướng gia tăng, nên công tác thu hồi nợ đọng được quan tâm hơn. Năm 2016, cũng như cơ quan thuế cả nước, Tổng cục Thuế yêu cầu chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác này như năm 2015.
Năm 2015, chúng tôi đã triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế qua nhiều hình thức như đăng công khai thông tin người nợ thuế của 830 trường hợp với tổng số tiền 996 tỷ đồng; ra quyết định cưỡng chế thuế với 677 trường hợp với tổng số tiền gần 524 tỷ đồng.
Cũng năm 2015, sau thanh tra, chúng tôi đã kiến nghị truy thu gần 81 tỷ đồng, phạt vi phạm pháp luật về thuế hơn 35,6 tỷ đồng, giảm lỗ gần 160,76 tỷ đồng. Qua kiểm tra tạidoanh nghiệp, đã truy thu gần 36 tỷ đồng, giảm lỗ gần 73.6 tỷ đồng, xử phạt trên 18 tỷ đồng...
Doanh nghiệp lo ngại, do khó khăn trong thu ngân sách, nên năm 2016, ngành thuế đẩy mạnh thanh, kiểm tra sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thuế và được thực hiện thường xuyên, liên tục với mục tiêu đặt ra là một năm cố gắng thanh tra, kiểm tra 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, không phải thích là ngành thuế đến doanh nghiệp thanh, kiểm tra, mà phải thực hiện theo quy trình.
Cụ thể, tháng 11 năm trước, cơ quan thuế địa phương đã xây dựng kế hoạch và lập danh sách thanh, kiểm tra của năm sau. Sau khi được Tổng cục Thuế chấp thuận, cơ quan thuế địa phương thông báo cho doanh nghiệp biết sẽ thanh, kiểm tra vào thời điểm nào trong năm để doanh nghiệp chuẩn bị. Thường thì doanh nghiệp chấp hành chính sách thuế không tốt hoặc hoạt động trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thuế hoặc thuộc diện nghi ngờ có hành vi gian lận thuế mới được đưa vào danh sách thanh, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp...
Theo Đầu tư