Thứ trưởng Tài chính: “Tự ta làm khó chúng ta”

“Mình cứ treo treo, làm người ta khó kinh doanh tiếp, mà kinh doanh tiếp thì bảo người ta cố tình trốn thuế. Vậy cả đời người ta, chỉ cho người ta kinh doanh một lần thôi à?… Tự ta làm khó chúng ta”.
Bao nhiêu doanh nghiệp không thể khởi nghiệp vì bị lý lịch thuế? Ảnh TL
Bao nhiêu doanh nghiệp không thể khởi nghiệp vì bị lý lịch thuế? Ảnh TL

Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thốt lên như vậy khi nói về việc xóa nợ, xóa nợ chậm nộp thuế cho doanh nghiệp tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2015 tổ chức ngày 26-2 tại Hà Nội.

Ông cho biết, các luật hiện hành chưa đáp ứng được đòi hỏi về xóa nợ với doanh nghiệp, vì thế Quốc hội đang xây dựng nghị quyết xóa nợ, xóa nợ chậm nộp, phạt chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bất khả kháng, giải thể dừng kinh doanh.

Nghị quyết này đang được giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét.

Ông Tuấn ví dụ, có thể có doanh nghiệp bỏ vốn ra 100 triệu đồng và vay ngân hàng 100 triệu nữa. Nhưng sau 1-2 năm, doanh nghiệp thua lỗ 100 triệu, và nợ thuế 30 triệu. Số tiền nợ thuế này là vấn đề.

Ông đặt câu hỏi: “Số thuế 30 triệu này có xóa không? Thế giới ứng xử ra sao?” rồi bày tỏ quan điểm: “Mình cứ treo treo, làm người ta khó kinh doanh tiếp, mà kinh doanh tiếp thì bảo người ta cố tình trốn. Vậy cả đời người ta chỉ cho người ta kinh doanh một lần thôi à?… Tự ta làm khó chúng ta”.

Thứ trưởng cho biết, có nước cho rằng, thất bại những ngày đầu kinh doanh chưa phải nguy cơ mà là cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Có tới 62% doanh nghiệp thế giới thất bại hoặc phá sản trong 1-2 năm đầu.

Ông nói: “Chính sách của ta triệt tiêu ngay, chả xóa, cứ treo đó. Họ muốn vay tiếp (vốn ngân hàng) thì phải nộp hết nợ cũ, bao năm sau mới được kinh doanh”.

Thứ trưởng cho biết, số thuế nợ dạng này ở Việt Nam không xóa được vì chủ doanh nghiệp còn tài sản, nhưng tài sản này cũng không thể thu hồi được vì còn thuộc quyền của vợ, con.

“Vấn đề này đã đặt ra ba năm nay rồi”, ông nói.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, nhằm tăng cường việc quản lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ thuế mới phát sinh, chống thất thu ngân sách, trong suốt năm 2015, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đặc biệt, đã thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong năm 2015, toàn ngành đã thu được 39.102 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ, bằng gần 103% chỉ tiêu thu nợ. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 31-12-2015 là 69.963 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với thời điểm 31-12-2014.

Có 22 địa phương có số nợ thuế giảm so với năm 2014, trong đó có Sóc Trăng (giảm 83%), Lào Cai (giảm gần 50%), Hoà Bình (giảm gần 44%), Cần Thơ (giảm 39%), Kiên Giang (giảm 33%).

Có 10 địa phương có số nợ thuế tăng cao so với năm 2014 (trên 30%). Có 7 địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% đến 30%. Còn lại có 10 địa phương có số nợ thuế tăng trên 10% đến 20% và 14 địa phương có số nợ thuế tăng đến 10%.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 16.471 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 9.251 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Theo TBKTSG