Đó là một trong những ý kiến đáng chú ý tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị đính số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức chiều 18/5.
Ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động và hướng phát triển của hội
Theo TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Nghị định số 45 chưa bám sát nội dung của Sắc lệnh số 102/SL/L004 được ban hành từ năm 1957 và hiện vẫn còn hiệu lực về quyền lập hội của công dân, chỉ tập trung quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội mà chưa quan tâm thể hiện đầy đủ các quy định về quyền lập hội có liên quan mật thiết với nhiều quyền khác, như quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền của công dân trong việc tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội,…
“Mặt khác, Nghị định cũng chưa xác lập các nguyên tắc và điều kiện theo hướng đảm bảo để hội được ban hành giải quyết các vấn đề của đất nước với tư cách là những thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta”, TS. Phạm Văn Tân khẳng định.
Cũng theo TS. Pham Văn Tân, về khái niệm hội và vấn đề hội có tư cách pháp nhân (điều 2), khái niệm hội chưa đầy đủ và chưa rõ ràng khi chỉ nêu: “Hội… được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam,...” là chưa thấu đáo. Bởi lẽ có rất nhiều tổ chức hội không hoàn toàn là tổ chức tự nguyên của công dân, tổ chức. Thực tế, có nhiều tổ chức được lập ra dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để tập hợp lực lượng thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ chính trị cụ thể, họ là hội nhưng không hoàn toàn là tổ chức tự nguyện của công dân.
“Nghị định quy định hội là tổ chức có tư cách pháp nhân. Điều này tuy bảo đảm tính chặt chẽ và thuận tiện cho việc quản lý Nhà nước về hội, nhưng lại chưa phản ánh được quyền lập hội, nguyện vọng chính đáng của người dân khi có nhu cầu cần lập hội. Hơn nữa, số lượng các hội không có tư cách pháp nhân là rất lớn, quy định như vậy đã tạo nên một khoảng trống pháp lý đáng kể”, TS. Phạm Văn Tân lưu ý.
TS. Tạ Ngọc Hải, Viện khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ, cho rằng, hiện nay trách nhiệm quản lý đối với hội vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay (tháng 5/2018), nhưng số liệu thể hiện trong các báo cáo của cơ quan Nhà nước về hội và các nghiên cứu về hội ở nước ta vẫn dùng số liệu từ năm 2014. Cụ thể, đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội phạm vi hoạt động cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Trong đó, có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.746 hội hoạt động phạm vi địa phương).
Cũng theo TS. Hải, hệ thống pháp luật về hội, và trong tổ chức, hoạt động của hội còn nhiều bất cập. Cụ thể, chưa phân biệt rõ các hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động với các hội khác tự lo kinh phí hoạt động. Ngoài ra, Nhiều hoạt động còn hình thức, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lơi ích hợp pháp của các hội viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có xu hướng “hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động hội theo cấp hành chính.
Tồn tại nhiều bất cập vì chưa tiếp thu các ý kiến góp ý
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng bày tỏ gay gắt về nội dung dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐCP.
Theo ông, toàn bộ Dự thảo Nghị định lần này không tiếp thu được những ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo Luật về Hội, như đối tượng, trình tự thủ tục đăng kí khi thành lập Hội. Cơ chế tạo điều kiện các tổ chức hội thực hiện nhiệm vụ của mình theo điều liệ, giảm bớt các thủ tục mang tính “Quản lý”, can thiệp vào các công việc của hội về tổ chức, về người lãnh đạo. Đặc biệt là một số tiến bộ đã thống nhất sửa đổi trong dự thảo Luật về Hội đã không được đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 45.
Về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội, TS. Trần Việt Hùng – Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, việc bổ sung thêm quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội là cần thiết. Tuy nhiên, Quy định về chế độ trả thù lao đối vơi người đã nghỉ hưu làm việc tại hội là chưa hợp lý và lỏng lẻo về mặt quản lý.
Nếu giao cho “hội tự quyết định”, thì phải quy định luôn cơ chế cho quyết định này, thí dụ, đưa vào Điều lệ hội hoặc Nghị quyết của Ban chấp hành hội trong từng nhiệm kỳ.
Ngoài ra, việc quy định “mức thù lao tối đa” cũng không hợp lý. Vì, với quy định như vậy, thù lao của nguyên bộ trưởng sẽ cao hơn thù lao của nguyên vụ trưởng, dù đảm nhiệm cùng một chức vụ trong hội.
Mặt khác, “hiện vẫn đang tồn tại 2 loại hội: Hội có nguồn tiền thù lao cho cán bộ chuyên trách do ngân sách nhà nước chi trả và loại hội mà tiền thù lao do nguồn kinh phí tự có của của hội chi trả. Như vậy, đối với các hội dùng nguồn tiền nhà nước trả thù lao thì phải do nhà nước quy định và quản lý; còn đối với các hội sử dụng kinh phí tự có thì có quyền tự quyết.
Ngay cả trong nhóm các hội dùng kinh phí tự có để trả thù lao, cũng có những cách biệt khá xa: Các hiệp hội doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế lớn, nên họ sẵn sàng trả mức thù lao cao hơn mức thù lao tối đa quy định trong dự thảo”, ông Trần Việt Hùng thẳng thắn.
Các đại biểu có mặt tại Tọa đàm đều thống nhất rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Chính phủ đang có những cải cách quyết liệt nhằm tạo mội trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển và đóng góp của các doanh nghiệp thì cũng rất cần môi trường pháp lý thuận lợi để huy động và thúc đẩy sự tham gia đóng góp của người dân thông quan việc phát huy vai trò của hội. Do đó, rất cần sửa đổi, bổ sung nghị định về hội một cách toàn diện, khắc phục những bất cập về tạo điều kiện cho hội phát triển. Đồng thời, việc sửa đổi nghị định lần này cũng tạo tiền đề để cho việc xây dựng Luật về Hội trong thời gian tới.