Tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Đến nay mức lương tối thiểu mới đáp ứng 63% nhu cầu vì vậy hằng năm vẫn phải điều chỉnh. Theo đề xuất của Hội đồng lương quốc gia, cuối năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình và tiếp tục thực hiện lương tối thiếu vào đầu năm 2016”.
Để làm rõ hơn nội dung này, VOV.VN có cuộc phỏng vấn nhanh Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều người lao động quan tâm mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ được điều chỉnh bao nhiêu phần trăm so với hiện tại ạ?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đến tháng 10/2015, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm có đại diện 3 bên gồm Chính phủ, công đoàn, đại diện các chủ doanh nghiệp và Hiệp hội các DN mới nhóm họp để xây dựng một mức lương dự kiến mức chuẩn của các vùng khác nhau (vùng 1, 2, 3, 4). Theo đó, mức lương mới sẽ nhích lên, vượt năm 2015 với hướng tỷ lệ với mức, tỷ lệ trượt giá. Nhưng cụ thể thì chưa có câu trả lời ngay bây giờ vì phải đợi Hội đồng lương họp, bàn bạc, kết luận và báo cáo Chính phủ và phải được Chính phủ đồng ý. Hiện tại mới hết tháng 6, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chưa lấy ý kiến hội đồng tiền lương nên chưa tính toán được.
Các doanh nghiệp phải thực hiện mức lương tối thiểu cho người lao động. Thực chất, các DN trả cho người lao động lương cơ bản là chính. Cho nên, mức lương tối thiếu của DN cao hơn so với đơn vị hành chính. Nhưng đơn vị hành chính mình cứ 3 năm một lần nâng lương nhưng với DN thì quyền quyết định tăng lương thuộc về DN. Vì thế, lương tối thiểu phải cao, đảm bảo theo chỉ đạo cải cách tiền lương là phấn đấu mức lương tối thiểu phải đảm báo mức sống tối thiểu.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, thì mức lương này hiện nay đáp ứng được 63% mức sống tối thiểu. Như vậy, hàng năm mình sẽ cập nhật đến khi nào lương tối thiểu bằng cơ bản với mức sống tối thiểu thì lúc đó mới dừng việc đề xuất.
PV: Việc tăng lương tối thiếu nhận được sự đồng tình của rất nhiều người lao động, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng như vậy, nhưng DN thì họ kêu. Họ cho rằng, trong lúc khó khăn mà tiền lương cứ tăng. Nhưng thực chất tăng so với thu nhập của DN thì thu nhập của người lao động vẫn rất thấp, nhất là công nhân, lao động làm cho các DN FDI.
PV: Lương tối thiểu cứ điều chỉnh rồi lại trượt giá thì sẽ điều chỉnh đến khi nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo tinh thần là làm giảm dần khoảng cách giữa mức sống tối thiểu với tiền lương tối thiểu. Lẽ ra mình phải trả ngay bằng mức sống tối thiểu nhưng bản thân các DN đang rất khó khăn. Nếu đưa như vậy thì DN không thực hiện được, nên phải đi theo lộ trình để cùng tháo gỡ khó khăn. Công nhân cũng rất khó khăn nhưng chúng ta phải giải quyết bài toán hài hòa, đỡ dần khó khăn cho cả DN.
PV: Có ý kiến cho rằng, không nên qui định một mức lương chung cho tất cả các DN mà nên căn cứ vào năng suất lao động của mỗi DN. Bộ trưởng có ý kiến thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Vấn đề này, Hội đồng tiền lương sẽ lưu ý. Nhưng phần đông các DN vẫn lấy mức chuẩn tối thiểu đó để trả cho công nhân. Còn những DN có năng suất lao động cao thì lại có qui định riêng trả vượt cho người lao động. có khi vượt 10 lần mức tối thiểu vẫn không ảnh hưởng gì, mà cần khuyến khích. Nhà nước chỉ qui định mức tối thiểu, bắt buộc DN dù khó khăn đến đâu nhưng đã có hợp đồng lao động với người ta thì phải trả mức lương tối thiểu ấy. Còn anh có điều kiện thì không hạn chế gì.
Tháng 10 hằng năm phải có phương án tăng lương vì liên quan đến kế hoạch tiền lương của DN năm sau. Chậm nhất là tháng 11, Chính phủ phải công bố được mức lương tối thiểu của năm sau để các DN có cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính của họ. theo Nghị quyết, đến 2015 mức lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Tư tưởng thì muốn đạt được mục tiêu này sớm nhưng, do khó khăn chung nên phải có lộ trình.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!