Chủ tịch nước Trần Đại Quang hứa sẽ “nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.
Phát biểu trước Quốc hội sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Tôi rất xúc động, một lần nữa trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Cảm ơn Quốc hội đã dành cho tôi những tình cảm và những lời chúc mừng tốt đẹp”.
“Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kế thừa kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm”.
“Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bầu Chủ tịch nước, quyết nghị “ông Trần Đại Quang giữ chức danh Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”. Nghị quyết được thông qua với 460/465 đại biểu có mặt đồng ý, có hiệu lực ngay lập tức.
Danh sách dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước có ứng cử viên duy nhất là Đại tướng Trần Đại Quang, 60 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Trần Đại Quang tốt nghiệp Học viên trường Cảnh sát Nhân dân; Học viên Trường Văn hóa Ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Ông từng kinh qua các cương vị công tác và các chức vụ: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Nội vụ; Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; học Đại học An ninh (từ 1981-1986); Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh; học Đại học Luật Hà Nội (1991-1994). Từ 9/1996 đến 10/2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1994-1997). Từ tháng10/2000 đến tháng 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Thiếu tướng (2003); được phong hàm phó Giáo sư năm 2003.
Từ 4/2006 đến tháng 1/2011: Trung tướng (4/2007), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội Đảng X ông Quang được bầu vào BCH TƯ Đảng.
Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2011: Trung tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội Đảng XI ông Quang tiếp tục được bầu vào BCH TƯ Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Từ 5/12/2011: Ông Quang được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngày 29/12/2012: Ông Trần Đại Quang được thăng cấp bậc hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng. Ông Quang có học hàm Giáo sư và học vị Tiến sĩ.
Sau khi QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, nếu trúng cử Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang sẽ tuyên thệ trước QH và quốc dân đồng bào.
Cũng trong ngày làm việc 2/4, QH sẽ xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua 03 Nghị quyết: Nghị quyết miễn nhiệm Phó Chủ tịch QH; Nghị quyết miễn nhiệm một số Ủy viên Ủy ban thường vụ QH và Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng kiểm toán Nhà nước.