|
Cuộc gặp đầu tiên: “2 CCB bắt tay nhau trên… internet”
Lần đầu tiên tôi “gặp” ông Dennis Murphy là vào cuối năm 2014.
Ông Dennis Murphy, nguyên là lính thủy đánh bộ Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông ở trong đơn vị quân đội Mỹ bảo vệ sân bay Chu Lai (năm 1969). Hiện nay GS Dennis Murphy là Giám đốc Tuyển dụng và Đào tạo Trường Rosemont College, Philadelphia, Pennsylvania (nơi con gái tôi đang theo học lấy bằng Thạc sĩ). Vợ chống ông có 3 người con, đều đã kết hôn và ở riêng. Vợ ông vừa về hưu cách đây 3 năm.
Qua câu chuyện của con gái tôi, GS Murphy biết tôi là CCB Việt Nam, ông ngỏ lời mong chúng tôi “gặp nhau” trên mạng Internet, qua ứng dụng Skype. Thế là chúng tôi hẹn gặp nhau vào lúc 22h (giờ Việt Nam), ngày 24/12/2014. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn một tiếng đồng hồ giữa một CCB Việt Nam và một CCB Hoa Kỳ.
Sau lời mừng năm mới sắp tới và cái “bắt tay” qua mạng, ông đặt câu hỏi trực diện, không màu mè:
Đang là sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội, động cơ nào thôi thúc ông trở thành người lính?
Tôi muốn nghe kể về cuộc hành quân trên đường Trường Sơn “huyền thoại” mà ông đã từng đi qua, từ thập niên 70?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về đời lính (1970- 1975)?
Tôi trả lời ông:
- Tôi trở thành người lính vì lòng tự trọng, bổn phận, nghĩa vụ của một công dân khi đất nước có chiến tranh. Nếu được chọn tôi sẽ chọn cầm bút thay vì "buộc phải cầm súng”. Tôi đã thực hiện được điều này ngay sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975).
- Đường Trường Sơn “huyền thoại” còn có hai tên khác: Đường Hồ Chí Minh và Đường dây 559. Có hai đường chính: Đường dành cho xe cơ giới, chở vũ khí và khí tài quân sự vào Nam; Đường giao liên, dành cho người đi bộ. Trên con đường này những đoàn quân nối nhau ra trận, chiến đấu, giành Độc lâp, Tự do, thống nhất Đất nước.
- Tôi thống kê về trang bị cá nhân cho người lính gồm: Một khẩu AK 47 kèm 3 băng đạn, Ba lô con cóc đựng quân tư trang (võng tăng, màn, quần, áo, áo che mưa...,Túi phòng chất hóa học, 10 kg gạo tổng cộng khoảng 30 kg). Tôi kể về cuộc hành quân gian khổ, trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mưa, dãi nắng, uống nước suối, ăn rau rừng (rau tàu bay), ăn củ mài, củ sắn…rất, rất nhiều người lính bị sốt rét. Có người bị sốt rét ác tính chết trên võng cáng, khiêng về đến bãi khách mới biết. Có ngưới sốt rét không đi được, rẽ ngang vào rừng mắc võng nằm nghỉ và “ngủ” mãi mãi, mối đùn lên thành nấm mồ…
Để khỏi phải viết dài dòng, tôi trích một đoạn hồi ký “Ra Bắc” của mình: “…Trên đường ra Bắc, những đêm dừng chân tại Binh Trạm, nằm võng ở bãi khách, Trạm giao liên giữa rừng Trường Sơn. Tôi miên man nhớ lại mùa khô năm 1971 đơn vị bắt đầu hành quân bộ từ Quảng Bình theo đường dây 559 vào B2 Quân khu V. Những ngày hành quân, qua rất nhiều bãi khách, Trạm giao liên, Binh trạm. Khoảng 5 tháng trèo đèo lội suối, băng rừng, trãi qua những cơn sốt rét, mưa rừng. Chúng tôi đã đi qua những địa danh có cái tên nghe rất lạ: Xê bang hiêng, Ngầm X7, Se Ca Mán, Sê Công (Nậm Bạc) Huội vi, Pắc xòong, Pắc Xế, A Ta Pư, cao nguyên Bo Lô Ven… vào một buổi chiều cuối mùa mùa khô năm 1971. Mùa khô rừng Trường Sơn, gió Lào thông thốc thổi, những thân hình gầy gò ốm yếu, mắt trủng sâu, môi thâm, do sốt rét; mưa rừng…, dường như không đủ sức mắc võng, căng tăng, nằm co quắp trên võng, dưới những gốc cây khộp, cây săng lẻ già”.
Cuộc gặp lần thứ 2: “Việt Nam - Hoa Kỳ là bạn bè”
Lần thứ hai tôi gặp lại GS Murphy là vào ngày 27 tháng 7 năm 2015. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp gặp nhau. GS Dennis Murphy tiếp gia đình tôi tại Trường Rosemont College. Cuộc hội ngộ vô tiền khoáng hậu có thể nói là diệu kỳ của hai CCB cách xa nhau nửa vòng trái đất, một thời đã từng là “kẻ thù” của nhau. Chúng tôi bắt tay, ôm chầm lấy nhau như người thân lâu ngày gặp nhau nơi đất khách quê người.
Ông kế cho chúng tôi nghe về trận đánh ở sân bay Chu Lai đầu năm 1970. Trong số 81 người chết và bị thương, trong đó có ông. Ông đã 5 lần bị thương, phải đưa sang Nhật Bản điều trị. Ông đặt hai tay lên ngực, rồi lại giang ra, kể say sưa, giọng lên bổng, xuống trầm. Trên khuôn mặt hồng hào, đôn hậu của ông nở một nụ cười rất tươi và thốt lên như là việc ông vẫn còn có mặt trên cõi đời này là do sự kỳ diệu: “Chúa ơi, Người đã cứu con!”
Khi tham gia chiến tranh Việt Nam ông được tuyên truyền về “sứ mệnh” bảo vệ hòa bình, tự do trên thế giới. Ông bảo, trong cuộc chiến ở Việt Nam người Mỹ đã thất bại, không gì có thể bào chữa. Ông khâm phục lòng dũng cảm, trí thông minh của người Việt Nam.
Rồi tôi kể cho ông nghe về trận chiến đấu của đơn vị tôi ở chốt Du Tự, Bình Định.
Cao điểm Du Tự (chốt Du Tự thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định) cũng với cao điểm 174 núi Chéo, Đèo Nhông, sân bay dã chiến Phù Cát tạo thành vành đai thép bảo vệ Bình Định của đối phương. Du Tự là chốt chặn quan trọng nhất. Cho nên đêm nay còn là của ta thì đêm mai có thể sẽ là của đối phương.Tuần này là của ta thì tuần sau của đối phương và ngược lại.
Chính vì vậy nên hai bên thay nhau nã pháo vào đây (ta chiếm thì đối phương liên tục dập pháo và ngược lại). Đến mùa mưa trở thành lớp bùn như một nấm mồ vùi toàn bộ xác chết của hai phía. Mùi hôi thối của xác chết mới và cũ lâu ngày, mùi tanh của máu tươi tạo thành một thứ mùi cực kỳ khó chịu, hít vào là bị nôn, mửa. Người lính giữ chốt phải dùng nước hoa đổ vào khăn tay bịt vào mũi, lúc thức, lúc ăn cơm và cả khi ngủ. Họ luôn luôn phải trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi đối phương tiến công hoặc pháo kích. Chúng tôi gọi Du Tự là cái “cối xay” thịt là thế.
Câu chuyện bị ngắt quảng bởi những tiếng thở dài. Nhiều lúc GS Murphy, rồi tôi, vợ tôi lén rút khăn lau mắt.
Hôm ấy vợ tôi đã kể cho GS Murphy về người anh ruột của mình đã hy sinh năm 1972. Mặc dù đã hơn 47 năm qua, vợ chồng tôi nhiều lần đi tìm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần của anh vợ tôi.
Ông nói với tôi rằng, chính cuộc gặp mặt kỳ diệu (từ ông dùng) giữa hai chúng tôi đã làm cho ông giảm đi phần nào sự mặc cảm về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông nâng ly và đề nghị chúng tôi kết bạn với nhau. Ông goi tên tôi bằng tiếng Việt “Mr Bạn Nguyên Xuan Thu”.
Tôi tặng ông một cái mũ mềm gắn ngôi sao vàng 5 cánh, bộ quân phục của người lính năm xưa, cuốn sách “Nỗi Buồn Chiến Tranh” (song ngữ) của Bảo Ninh, cuốn “Điểm Bưu điện-Văn Hóa xã” do tôi viết.
Tôi viết lời đề tặng bằng tiếng Anh và tiếng Viêt: “Vietnam And USA - The Friends. Việt Nam và Hoa Kỳ là Bạn” và dòng chữ: “Nguyễn Xuân Thu - CCB Việt Nam Tặng Mr Dennis Murphy - CCB Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam” .
Cuộc gặp lần 3: “Chai vang Argentina”
Lần thứ 3 chúng tôi gặp lại nhau là vào ngày 9/8/2015, trước một ngày gia đình chúng tôi bay đi Chicago. Ông đưa xe đến tận nhà đón gia đình tôi về tư dinh của mình cách nơi con gái tôi trọ học chừng 30 km. Trên đường về ông bảo: “Đây là vùng giàu nhất Philadelphia. Từ nơi này Tướng Washington đã tiến quân đánh chiếm Philadenphia (Thủ đô cũ của Hoa Kỳ), thống nhất đất nước, ông là vị tướng lên làm Tổng thống Hoa Kỳ”.
Về tới nhà ông, xe dừng, vợ tôi vừa bước ra khỏi xe, bà Murphy đã lao ra ôm chặt vợ tôi vào lòng. Nhìn cảnh tượng hai bà mẹ cách nhau nửa vòng trái đất, tươi cười nắm tay nhau đi vào nhà, tôi có cảm giác như họ đã thân nhau từ rất lâu rồi. Bà dẫn chúng tôi đi giới thiệu căn nhà ông bà: phòng làm việc, phòng khách, phòng bếp… Tất cả đều đươc sắp xếp rất khoa học, gọn gàng và đẹp mắt.
Ông mỉm cười chỉ vào người vợ của mình: “Được như vậy là nhờ đôi bàn tay khéo léo của bà ấy”. Rồi ông tặng tôi tấm huy hiệu của CCB Hoa Kỳ, một mũ mềm, bộ quân phục lính thủy đánh bộ Mỹ. Vợ ông tặng vợ tôi cái nghiên bút bằng pha lê Tiệp (như lời bà giới thiệu) của một người bạn châu Âu tặng bà. Gia đình tôi tặng gia đình ông bức tranh thêu “Làng Cổ Việt Nam” (Cổng làng, cây đa, giếng nước). Chúng tôi chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Trong bữa tiệc ông, bà nâng ly chúc sức khỏe mọi người, hẹn sẽ sang thăm Việt Nam và đến thăm gia đình chúng tôi.
Sau bữa tiệc, vợ ông ra xe đưa tận tay vợ tôi chai rượu vang Argentina. Ông mỉm cười nói thay bà: “Rượu này là của một sinh viên người Argentina tặng tôi cách đây 15 năm. Đây là loại vang ngon nhất của Argentina”. Tôi xiết chặt tay ông, nghẹn ngào nói lời cảm ơn ông, bà.
Gia đình tôi cùng 4 thành viên gia đình ông đến Đài tưởng niệm Dalaware dự lễ thượng cờ, tưởng niệm CCB Hoa Kỳ (có năm CCB Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam) của nhiều nước đã hy sinh trong các cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham gia trên thế giới. Cũng là nơi đặt di hài mẹ vợ của GS Dennis Murphy, vừa qua đời cách đây không lâu. Tên của họ được khắc trên tường, mộ của mỗi người được khắc tên trên một phiến đá lát đường đi trong khuôn viên Đài tưởng niệm.
Đài tưởng niệm Dalaware tọa lạc trên khuôn viên rộng chừng 10.000 m2, rất đẹp và khang trang. Do một triệu phú bỏ tiền ra xây để tri ân những CCB Hoa Kỳ đã hy sinh vì “Đất nước Hoa Kỳ thịnh vượng và yên bình”.
Nguyễn Xuân Thu