Tạm giam giám đốc buôn rác, giới làm hàng phế liệu chột dạ

VietTimes -- Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu trái phép phế liệu rác thải vào Việt Nam.
Khó ngăn rác thải về Việt Nam khi container đã được hạ xuống cửa khẩu cảng nhập.
Khó ngăn rác thải về Việt Nam khi container đã được hạ xuống cửa khẩu cảng nhập.

Hai vụ "làm mẫu"

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát, phát hiện, điều tra đối với những đơn vị, cá nhân có sai phạm trong việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Kết quả điều tra đã xác định Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Sản xuất Bao bì Trường Thịnh, địa chỉ tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt tại TP.Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 28/8/2018, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Công ty TNHH Hồng Việt

Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cũng đồng thời Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại DNTN Trường Thịnh.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định khởi tố bị can và và Lệnh tạm giam đối với các đối tượng Nguyễn Đức Trường – Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt, Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc DNTN Trường Thịnh, Dương Văn Phương – nhân viên DNTN Trường Thịnh Dương Tuấn Anh – quản lý điều hành Công ty Hồng Việt.

Các đối tượng bị khởi tố và tạm giam về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” theo Điều 189 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra đã thực hiện bắt giữ, khám xét nơi ở, nơi làm việc các đối tượng nêu trên. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Thông cáo của Bộ Công an cho biết, hiện C03 đang tập trung lực lượng phối hợp với Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) điều tra mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cá nhân liên quan đến việc để hơn 10.000 container đang tồn tại tại các cảng biển để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, phần lớn trong số hơn 10.000 container đang tồn đọng tại các cảng biển này là các container chứa phế liệu không có người nhận, hoặc người nhận trên vận đơn từ chối nhận hàng, do hàng hóa không đúng với hợp đồng ngoại ký với đối tác nước ngoài.

Tình hình căng thẳng đến mức, Thủ tướng phải có chỉ đạo Bộ Công an và Tổng cục Hải quan tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Yêu cầu của Thủ tướng chi tiết đến mức yêu cầu nếu cần thiết, phải tiến hành khởi tố những vụ việc vi phạm điển hình để xử lý, làm gương, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách để nhập phế liệu, rác công nghiệp về Việt Nam.

Khó phân biệt đâu là rác, đâu là phế liệu nhập khẩu thực sự
 Khó phân biệt đâu là rác, đâu là phế liệu nhập khẩu thực sự

Thị trường có sợ ?

Thực tế, từ nhiều năm qua, lợi dụng chính sách nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoặc chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất phế liệu… nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu rác thải, rác công nghiệp về Việt Nam để kinh doanh.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại. Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD.

Trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD. Con số này của năm 2016 là 4,9 triệu tấn phế liệu với trị giá gần 1 tỷ USD. Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là các quốc gia Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhiều nhất.

Đáng lưu ý, số liệu này không rõ có bao gồm lượng phế liệu nhập khẩu về Việt Nam theo khai báo là tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu hay không.

Thực tế, thị trường hàng phế liệu tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu qua Việt Nam trong hàng chục năm qua chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong đó, chủ yếu là Trung Quốc.

Tương tự như Việt Nam, pháp luật của Trung Quốc khá chặt chẽ về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu. Do đó, trong thực tế thực hiện, hàng phế liệu tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu sang nước này từ Việt Nam sang Trung Quốc phần lớn thực hiện theo phương thức buôn lậu.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam nhận hàng phế liệu tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu tại cửa khẩu cảng biển trong nước, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt tới biên giới và chuyển lậu sang đất Trung Quốc.

Để hoàn thành hồ sơ tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mua hồ sơ xác nhận nhập hàng của doanh nghiệp Trung Quốc, để sau đó hoàn thiện thủ tục tái xuất, chuyển khẩu tại Hải quan phía Việt Nam.

Thị trường – có thể gọi là như vậy – hàng phế liệu tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, do đó, hoàn toàn phụ thuộc vào phía Trung Quốc đóng, mở biên giới.

Gần đây, khi phí Trung Quốc siết chặt quản lý đường biên và phế liệu nhập khẩu không chính thức qua đường biên, lập tức phế liệu tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu bị bỏ lại tại các cảng biển nhập khẩu, do doanh nghiệp không có nơi tiêu thụ.

Cũng có nhiều đối tượng hay lợi dụng kẽ hở chính sách để nhập khẩu rác trực tiếp về Việt Nam. Theo đó, các đối tượng này sử dụng pháp nhân hiện có, hoặc thành lập pháp nhân mới, ký hợp đồng ngoại với doanh nghiệp nước ngoài với nội dung nhập hàng hóa, hoặc nguyên liệu, phế liệu. Thực tế hàng hóa lại chủ yếu là rác, hoặc phế liệu không đạt chuẩn nhập khẩu.

Đáng chú ý, không ít loại phế liệu, hoặc rác này thường được Hải quan nước xuất khẩu cấp chứng nhận nguồn gốc, tiêu chuẩn đủ xuất khẩu. 

Khi hàng về tới cảng Việt Nam, nếu móc nối với cán bộ Hải quan để trót lọt trong các khâu giám định, kiểm hóa để đưa ra được khỏi cửa khẩu cảng nhập, các đối tượng này sẽ thực hiện đưa hàng vào nội địa. Nếu khó khăn sẽ tuyên bố bỏ hàng, vì hàng hóa không đúng với hợp đồng ngoại. Do chứng nhận nguồn gốc đã được cấp, đồng thời khó có điều kiện tìm được doanh nghiệp ngoại đứng tên người gửi hàng, khi phát hiện vi phạm, cơ quan Hải quan thường chỉ còn cách lưu hàng tại cảng, chờ chính quyền địa phương có phương án xử lý.

Do đó, việc khởi tố, tạm giam các đối tượng tham gia buôn bán, nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam là biện pháp quyết liệt từ các cơ quan quản lý. Và chắc chắn sẽ khiến thị trường này được quản lý minh bạch, phần nào trong sạch hơn.