Taliban giờ sở hữu lượng vũ khí trị giá hàng tỉ USD mà Mỹ bỏ lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lượng vũ khí và thiết bị quân sự mà Taliban giành được từ quân đội Afghanistan có thể gây bất ổn khu vực – trong đó bao gồm cả vùng Tân Cương, Trung Quốc – nếu rơi vào tay những kẻ cực đoan.
Chiến binh Taliban ngồi sau súng máy đi tuần tra thủ đô Kabul, Afghanistan hôm đầu tuần này (Ảnh: AFP)
Chiến binh Taliban ngồi sau súng máy đi tuần tra thủ đô Kabul, Afghanistan hôm đầu tuần này (Ảnh: AFP)

Các chiến binh Taliban đã thu được hàng loạt khẩu súng, đạn dược, trực thăng và thậm chí cả chiến đấu cơ…khi nhóm này đánh chiếm được thủ phủ các tỉnh của Afghanistan, các căn cứ quân sự sau khi quân đội Mỹ rút khỏi; theo hãng thông tấn AP. Trong quá trình tấn công, Taliban vấp phải rất ít sự kháng cự từ phía các lực lượng an ninh Afghanistan mà Mỹ huấn luyện.

Nhóm phiến quân này giờ đang chuyển từ mẫu súng Kalashnikov AK-47 của Nga sang dùng các loại súng trường tấn công hiện đại hơn của Mỹ; và theo chuyên gia nghiên cứu quân sự Zhou Chenming của Trung Quốc, chính những loại vũ khí như vậy sẽ giúp cho các tổ chức cực đoan và khủng bố mở rộng hoạt động trong khu vực.

“Nếu như những thứ vũ khí từng được Mỹ trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan – như súng ống, đạn dược và xe thiết giáp – rơi vào tay những kẻ cực đoan, điều đó chắc chắn sẽ gây thêm nhiều thách thức với hoạt động chống khủng bố của nhiều quốc gia trong khu vực” – ông Zhou, đến từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định.

“Trong quá khứ, các tổ chức cực đoan từng thực hiện nhiều đòn tấn công bất ngờ bằng dao và bom tự chế, nhưng con số thương vong sẽ cao hơn rất nhiều nếu như chúng sở hữu vũ khí mạnh mẽ” – Zhou nói thêm.

Trung Quốc – có vùng Tân Cương chia sẻ chung đường biên giới ngắn với Afghanistan – đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh ở Afghanistan. Các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm cực đoan như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, vốn bị cáo buộc gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương.

Zhou cho hay với tình hình bất ổn chính trị hiện nay ở Afghanistan, Trung Quốc cần phải tăng cường an ninh biên giới để ngăn chặn những kẻ cực đoan đi vào Tân Cương thông qua Hành lang Wakhan – một dải lãnh thỏ nhỏ hẹp của Afghanistan nối với Tân Cương.

Vị chuyên gia thêm rằng, các nước Trung Á hiện chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với những tổ chức cực đoan được huấn luyện kỹ lưỡng và sở hữu hỏa lực mạnh. “Đó là lý do mà Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận chung chống khủng bố hồi tuần trước, ở Ninh Hạ, gần sa mạc Gobi – để chuẩn bị trước cho hợp tác trong tương lai, trong trường hợp Moscow cần sự hỗ trợ từ quân đội Trung Quốc”, ông nói.

Andrei Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review trụ sở tại Canada, nhấn mạnh rằng Mỹ đã chi khoảng 83 tỉ USD trang thiết bị và chi phí huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan trong suốt 2 thập kỷ qua. Nhưng ông nói rằng một số vũ khí mà Mỹ cung cấp đã bị bán cho các tay thủ lĩnh phiến quân hay các nhóm cực đoan thông qua “chợ đen”.

Hỏa lực mà Mỹ cung cấp giờ nằm trong tay Taliban, và chúng không chỉ giúp các nhóm khủng bố mở rộng hoạt động mà còn có thể vực lại hoạt động buôn bán thuốc phiện khét tiếng ở quốc gia Trung Á này; theo Eagle Yin, chuyên gia nghiên cứu thuojc Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Bắc Kinh.

“Thuốc phiện là nguồn lực quan trọng giúp rót chi phí hoạt động cho các tổ chức khủng bố và cực đoan ở Afghanistan – đất nước chiếm tới hơn 25% hoạt động buôn bán thuốc phiện của toàn thế giới” – Yin nói.

Li Wei, chuyên gia chống khủng bố tại Bắc Kinh, cho rằng các nước láng giềng của Afghanistan sẽ cần sự đảm bảo từ Taliban về việc “sẽ ngăn chặn chặn các tổ chức cực đoan ngừng” mở rộng trong khu vực và xa hơn nữa. “Nhưng điều này còn phụ thuộc và sự ủng hộ và quan sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, nó sẽ cần có những cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc phối hợp”, Li nói.