Tai tiếng để đời của trung đoàn tình nguyện SS “Varyag”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoài nhiệm vụ trấn áp du kích, trung đoàn SS “Varyag” thành lập nhóm biệt kích để tung vào hậu phương của Liên Xô, thực hiện các hoạt động trinh sát, phá hoại
Tội phạm Grigory Burbelo, cựu quân nhân trung đoàn SS "Varyag" (Ảnh: AIF)
Tội phạm Grigory Burbelo, cựu quân nhân trung đoàn SS "Varyag" (Ảnh: AIF)

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại là một thử thách khó khăn nhất đối với phẩm chất của mỗi một người dân Liên Xô. Cuộc chiến đầy cam go với phát xít Đức, đòi hỏi không chỉ có sức mạnh về thể chất, mà cần phải có ý chí và bản lĩnh kiên cường. Trong chiến tranh, thời gian để do dự không có nhiều. Có ai đó luôn trung thành với tổ quốc, đưa bàn tay yếu ớt, mệt mỏi của mình viết lên bức tường của nhà giam rằng: “Thà chết, quyết không đầu hàng!”. Cũng sẽ có những kẻ khoác lên mình bộ trang phục của kẻ thù, tự nguyện đi theo chúng để trả thù chế độ vì một chút bất mãn cá nhân.

Trung tâm quan hệ công chúng của Cục An ninh Liên Bang Nga (FSB) mới đây đã công bố tài liệu mật về những tội ác của đơn vị SS “Varyag” do Hitler thành lập. Lực lượng chủ yếu của SS “Varyag” là những phần tử lưu vong bạch vệ Nga và những quân nhân của Hồng quân Liên Xô bị bắt làm tù binh.

Năm 1942, Cục 6 của Tổng cục an ninh (RSHA) của phát xít Đức thành lập tổ chức Zeppelin, lực lượng nòng cốt của tổ chức này là thành phần lưu vong người Nga, có tư tưởng chống phá chế độ Xô Viết. Nhiệm vụ của tổ chức Zeppelin là thực hiện trinh sát chính trị, tổ chức hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động tư tưởng ly khai trong lòng xã hội Liên Xô.

Mùa Xuân năm 1942, Đức quốc xã quyết định thành lập tiểu đoàn bạch vệ Nga lưu vong, tiểu đoàn trưởng là cựu sĩ quan quân đội Nga Mikhail Semenov. Tiểu đoàn này sẽ được sử dụng trong chiến dịch đổ bộ vào Novorossiysk.

Mikhail Semenov xuất thân từ một gia đình quý tộc Nga, là chỉ huy chiến trường trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, Semenov tham gia phong trào Bạch vệ. Sau khi thất bại trong cuộc nội chiến Nga, Semenov lưu vong sang Nam Tư. Tại đây, ngoài hoạt động kinh doanh, Semenov còn tham gia các hoạt động chính trị của cộng đồng di cư người Nga.

Mùa xuân 1941, sau khi quân đội Đức đánh chiếm Nam Tư, Mikhail Semenov tự nguyện phục vụ cho quân đội của Đức quốc xã. Trình bày về nguồn gốc Đức của bản thân, cựu sĩ quan quân đội Nga Mikhail Semenov được cấp quốc tịch Đức.

Tiểu đoàn của Semenov tập hợp được 600 quân, được huấn luyện tại Beograd – thủ đô của Serbia. Sau đó, chức năng của tiểu đoàn Semenov được thay đổi thành tiểu đoàn trừng phạt du kích Nam Tư. Mikhail Semenov chỉ huy tiểu đoàn với tất cả sự tinh vi, tàn độc và giành được tín nhiệm cao của quân đội Đức.

Mùa thu năm 1943, lãnh đạo Zeppelin giao nhiệm vụ cho Semenov thành nhóm biệt kích “K”, sau này nhóm “K” chính là trung đoàn tình nguyện SS “Varyag”. Lực lượng của Varyag không chỉ là những phần tử lưu vong người Nga, mà gồm cả những tù binh của Hồng quân Liên Xô. Ngoài nhiệm vụ tiếp tục trấn áp du kích, trung đoàn SS “Varyag” thành lập nhóm biệt kích để tung vào hậu phương của Liên Xô, thực hiện các hoạt động trinh sát, phá hoại.

Căn cứ vào yếu tố dân tộc và lãnh thổ xuất xứ, trung đoàn tình nguyện SS “Varyag” được chia thành các đại đội. Đại đội người Nga, đại đội người Ukraine, đại đội người Kazak từ sông Đông, đại đội bắc Kavkaz, đại đội Trung Á.

Tài liệu mà Cục An ninh Liên Bang Nga công bố đề cập tới vụ việc của một thành viên người Ukraine trong đại đội “Varyag”, đó là Grigory Burbelo. Grigory Burbelo sinh năm 1925 ở tỉnh Kherson. Giai đoạn 1941-1944, Grigory Burbelo sống trong vùng bị quân Đức chiếm đóng, năm 1944, Burbelo tham gia lực lượng SS. Sau khi chiến tranh kết thúc, Burbelo được quân đồng minh trao trả cho Liên Xô, tiếp đó, Burbelo được điều về làm thợ bê tông của công ty xây dựng tỉnh Tula.

Các cơ quan chức năng của Liên Xô lật lại hồ sơ, theo dõi quá trình hợp tác với quân đội phát xít Đức của từng thành viên thuộc các đơn vị tình nguyện, trong đó có Burbelo.

Sau khi có những bằng chứng về việc Burbelo phạm rất nhiều tội ác trong quá trình hoạt động trấn áp du kích trong trung đoàn tình nguyện SS “Varyag”, như: theo dõi, bắt bớ, thủ tiêu du kích, cướp bóc các khu dân cư. Tháng 10/1948 Grigory Burbelo bị bắt giữ.

Lời thú tội của Grigory Burbelo

“Thời gian trong trại tập trung Nikolayev dành cho công dân Liên Xô, đội tuyên truyền của phát xít Đức thường xuyên tới kích động, tuyển dụng, khẳng định rằng: Hồng quân Liên Xô đã bị đánh bại, chiến thắng sẽ thuộc về quân đội phát xít Đức, vv…Từ đó, tôi nghi ngờ về khả năng thắng lợi của Liên Xô, và tự nguyện ra nhập tiểu đoàn trừng phạt của Đức. Ngoài ra, Đức quốc xã còn giao nhiệm vụ cho tôi như một điệp viên, chiêu mộ thêm nhiều người nữa” – Burbelo khai nhận.

Burbelo thêm rằng: “Khi thực hiện nhiêm vụ trấn áp du kích, tiểu đoàn của Semenov đã cướp bóc những ngôi làng có quan hệ với du kích, dùng vũ lực lùa gia súc của dân, cướp bóc đồ ăn, quần áo, đồ trang sức của dân, rất nhiều làng bản bị cướp sạch, nhà cửa bị đốt phá, người dân bị đuổi ra khỏi làng, các chiến sĩ du kích bị bắt, được chuyển cho quân đội Đức, bị tra tấn và xử bắn, tôi không trực tiếp tham gia vào việc hành quyết xử bắn, nhưng qua các chiến dịch truy lùng, bắt bớ, mà tôi đã từng tham gia đó, có bao nhiêu du kích đã bị xử bắn, thì tôi không nhớ hết”.

Số phận của Mikhail Semenov

Khi kết thúc chiến tranh, trung đoàn SS “Varyag” có 2.500 người, tiểu đoàn trưởng Semenov nhận được rất nhiều huân, huy chương của Đức quốc xã.

Tháng 4/1945, trên danh nghĩa, trung đoàn tình nguyện SS “Varyag” được bàn giao cho Liên Xô. Thực tế lực lượng này vẫn đóng quân ở Slovenia. Tháng 5/1945, Semenov ra lệnh cho tiểu đoàn vượt qua biên giới Italy, đầu hàng quân đội Anh, hy vọng rằng mình không bị bàn giao về cho chính quyền Xô Viết.

Quân đội Anh đã bàn giao những ai là tù binh của quân đội Xô Viết cho Đại diện Hồng quân, giữ lại những ai là thành phần lưu vong Bạch Nga. Mãi tới năm 1947, chính quyền Anh mới trả tự do cho Mikhail Semenov, sau đó, Semenov chuyển đến Brazil sinh sống, rũ bỏ mọi trách nhiệm trước những tội ác mà mình đã gây ra.

Tháng 1/1949, Tòa án binh của tỉnh Tula tuyên án đối với Grigory Burbelo: 25 năm lao động cải tạo và 5 năm tù giam, tịch thu mọi tài sản. Rất nhiều thành viên khác trong trung đoàn tình nguyện SS “Varyag” cũng chịu chung số phận tương tự.