Tại sao Xiaomi có thể thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Xiaomi đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ Mỹ để được rút khỏi danh sách đen "liên quan đến quân đội Trung Quốc".
Mỹ đồng ý rút Xiaomi khỏi danh sách đen. Ảnh: REUTERS
Mỹ đồng ý rút Xiaomi khỏi danh sách đen. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Mỹ và Xiaomi đã đạt được một thỏa thuận để đưa công ty ra khỏi "danh sách đen". Dưới hiệu ứng tích cực này, trong phiên giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm thứ Tư, giá cổ phiếu của Xiaomi đã tăng 6,1% lên 26,1 đô la Hồng Kông, mức cao mới trong gần 5 ngày giao dịch.

Ngày 14/1 năm nay, chính phủ Mỹ bất ngờ ban hành lệnh đưa 9 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Xiaomi, vào "danh sách đen" với lý do họ có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân của Mỹ cần phải tuân thủ lệnh cấm và thực thi nghiêm ngặt việc thoái vốn và bán cổ phiếu khỏi các công ty Trung Quốc. Nếu bị phát hiện tiếp tục mua cổ phiếu của nhóm công ty trong "danh sách đen", chi phí phạt là cực kỳ cao.

Một ngày sau khi bị đưa vào "danh sách đen", giá cổ phiếu của Xiaomi đã giảm mạnh hơn 10%, và đà đi lên trong gần một năm bị cắt đứt.

Xiaomi sau đó đã đưa ra một thông báo cho biết rằng các dịch vụ và sản phẩm của họ được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc thương mại và công ty không thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Vào cuối tháng 1, Xiaomi đã kiện Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về các hạn chế đầu tư của chính phủ Mỹ, yêu cầu tòa án tuyên bố việc Mỹ đưa Xiaomi đưa vào "danh sách đen" là bất hợp pháp.

Sau bốn tháng đối đầu, Xiaomi đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến đầy khó khăn này. Trong khoảng thời giam này, giá cổ phiếu của Xiaomi đã dao động từ khoảng 25 đô la Hồng Kông đến khoảng 35 đô la Hồng Kông và giá trị thị trường bị "thổi bay" gần 1/3 trong vòng chưa đầy 4 tháng.

Nhưng so với các công ty Trung Quốc khác như Huawei và ZTE, Xiaomi vẫn là người may mắn. Mặc dù đã thất thế trên thị trường vốn, nhưng doanh nghiệp này không phải chịu một cú đánh thực sự. Tình hình mà các công ty như Huawei phải đối mặt nguy hiểm hơn nhiều, và Xiaomi vẫn cần sự cẩn thận và khôn ngoan hơn ở thị trường Mỹ.

1. Xiaomi thiên về sản phẩm tiêu dùng và giải trí hơn là mục đích quân sự

CEO Xiaomi Lei Jun. Ảnh: Reuters.
CEO Xiaomi Lei Jun. Ảnh: Reuters.

Khả năng thay đổi cục diện của Xiaomi có liên quan trực tiếp đến "cái cớ" của phe tấn công.

"Liên quan đến quân đội Trung Quốc" là một cái cớ phổ biến được chính phủ Mỹ sử dụng để trấn áp các công ty nước ngoài, từ ZTE, Huawei cho đến Xiaomi. Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ ngày càng nguội lạnh, các công ty như Huawei, ZTE khó có thể tự vệ.

Nhưng so với các công ty thiết bị truyền thông, hoạt động kinh doanh chính của Xiaomi là các sản phẩm cấp độ tiêu dùng như điện thoại di động và máy tính, cũng như các dịch vụ giải trí như phim và truyền hình. Cho dù đó là bản thân sản phẩm và công nghệ, hay nhóm khách hàng mục tiêu, Mỹ đều không bắt bẻ được và chỉ có thể tập trung vào những người sáng lập. Điều này cuối cùng đã trở thành một bước đột phá quan trọng để Xiaomi thắng trong vụ kiện.

Theo WSJ, CEO Xiaomi - ông Lei Jun (Lôi Quân) đã nhận giải thưởng "Người xây dựng chủ nghĩa xã hội xuất sắc của Trung Quốc" vào năm 2019 do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc trao tặng.

Tuy nhiên, giải thưởng này cùng với các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng của Xiaomi vào các công nghệ tiên tiến như 5G và AI, đã bị chính quyền Mỹ "để ý". Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hai công nghệ này là ưu tiên của quân đội Trung Quốc, là "mối quan tâm chính và trọng tâm của chiến lược Kết hợp Quân sự-Dân sự của Trung Quốc". Xiaomi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch này. Do đó, "có những lý do chính đáng để đưa Tập đoàn Xiaomi vào lệnh trừng phạt."

Tuy nhiên, ngay cả trong cơ quan tư pháp Mỹ, cách lập luận này cũng không thuyết phục.

Vào ngày 12/3, Thẩm phán quận Washington đã tạm thời đình chỉ lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ. Thẩm phán Contreras tin rằng khi vụ kiện mở ra, Xiaomi có khả năng sẽ hoàn toàn đảo ngược lệnh cấm, vì vậy ông đã ban hành lệnh sơ bộ để ngăn Xiaomi chịu "tổn thất không thể thu hồi".

Về những lo ngại của chính phủ Mỹ về việc an ninh quốc gia bị đe dọa, ông Contreras nói: "Tòa án có một số nghi ngờ liệu vụ việc này có thực sự liên quan đến các lợi ích an ninh quốc gia lớn hay không".

Quan trọng hơn, lệnh cấm đối với các công ty như Xiaomi đã được chính quyền ông Trump vội vã ban hành một tuần trước khi rời nhiệm sở nhằm mục đích đào thêm một vài "lỗ hổng" cho chính quyền mới của ông Biden trong lĩnh vực ngoại giao.

Sau khi ông Biden lên nắm quyền, mục tiêu hàng đầu của ông là kiểm soát dịch bệnh, mặc dù không từ bỏ việc trấn áp các công ty Trung Quốc, nhưng ông không muốn tạo thêm rắc rối vào thời điểm quan trọng ở nước này.

Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Xiaomi và Huawei phải đối mặt: Xiaomi chỉ là một "củ khoai tây nóng" bị cựu Tổng thống Trump ném cho Tổng thống đương nhiệm Biden, trong khi Huawei được ông Trump coi là chìa khóa để trấn áp Trung Quốc, duy trì công nghệ của Mỹ và thậm chí là bá chủ toàn cầu về chính trị trong tay". Tuy cách thức tấn công tương tự nhau nhưng giá trị sử dụng của cả hai trong mắt các chính trị gia Mỹ lại rất khác nhau.

Sau những thay đổi về chính trị và nhân sự của Mỹ, những vấn đề được gọi là "liên quan đến quân sự" của Xiaomi được nới lỏng hơn. Tuần này, chính phủ Mỹ cuối cùng đã thừa nhận rằng "danh sách đen" có vấn đề về thủ tục, và đồng ý loại bỏ Xiaomi ra khỏi "danh sách đen" gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

2. Xiaomi không đe dọa đến thế mạnh của Mỹ

Ảnh: The Hack Posts

Ảnh: The Hack Posts

Vào đầu tháng 3, sau khi Tòa án quận của Mỹ tạm thời đình chỉ lệnh cấm, một người nào đó đã đưa ra câu hỏi trên trang mạng xã hội: "Mỹ trừng phạt quá nhiều công ty ở Trung Quốc, làm thế nào Xiaomi có thể dỡ bỏ lệnh cấm?"

Không tính đến các yếu tố bên ngoài, một lý do quan trọng khiến Xiaomi được miễn lệnh trừng phạt là hãng không làm chủ được các công nghệ cốt lõi liên quan đến an ninh quốc gia, thay vào đó hãng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nước ngoài.

Lấy dòng sản phẩm điện thoại di động cốt lõi làm ví dụ, Xiaomi vẫn không thể tự hoàn thiện nếu không có bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon và màn hình OLED của Samsung, thậm chí đây là một trong những điểm cốt lõi của dòng máy chính.

Để đảm bảo nguồn cung chip, Xiaomi đã chấp nhận đầu tư của Qualcomm ngay từ những ngày đầu thành lập. Năm 2018, Xiaomi thực hiện IPO ở Hồng Kông và Qualcomm, với tư cách là một trong bảy nhà đầu tư chính đã đăng ký mua 46 triệu cổ phiếu.

Trong những năm gần đây, khi Huawei khi gặp khó khăn và buộc phải bán mảng kinh doanh điện thoại di động, khoản đầu tư vào R&D và số lượng bằng sáng chế của Xiaomi đã tiếp tục tăng lên. Nhưng cũng giống như tất cả các nhà sản xuất điện thoại tại Trung Quốc, Xiaomi vẫn còn rất xa mới có thể tự cung cấp các thành phần quan trọng như vi xử lý.

Trên đường đua này, Apple là người chơi số một. Ngoài khả năng phát triển phần mềm và thiết kế mạnh mẽ, hãng còn có khả năng nghiên cứu và phát triển chip hạng nhất. Cho dù đó là chip A-series cho điện thoại di động hay chip M-series cho máy tính, Apple đã lần lượt vượt qua Qualcomm và Intel.

Ít nhất ở giai đoạn này, Xiaomi sẽ không đặt ra một thách thức đáng kể nào đối với lợi ích của Mỹ cho dù đó là lĩnh vực hay thế mạnh của họ, và Xiaomi chắc chắn không trở thành một cái gai trong vòng chính trị Mỹ.

Tòa án Mỹ dường như cũng có quan điểm tương tự. Ngoài việc đặt câu hỏi liệu Xiaomi có thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ hay không, thẩm phán Contreras cũng bày tỏ quan điểm của mình về khoản đầu tư của Xiaomi vào 5G và trí tuệ nhân tạo, cũng như danh dự cá nhân của ông Lei Jun.

Ông chỉ ra rằng 5G và trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng; ngoài ra, kể từ năm 2004, hơn 500 doanh nhân đã giành được giải thưởng tương tự như Lei Jun, bao gồm cả ông chủ của một công ty sữa bột trẻ em.

Đối với chiến thắng sít sao của Xiaomi, một số người đã thể hiện quan điểm chế nhạo: dù thắng lợi nhưng cũng không vẻ vang gì.

3. Liệu có cơ hội cho các công ty trong "danh sách đen" trở mình?

Với các công ty như Huawei, tình hình sẽ không khả quan như Xiaomi. Ảnh: Digital Trends
Với các công ty như Huawei, tình hình sẽ không khả quan như Xiaomi. Ảnh: Digital Trends

Mặc dù vậy, chiến thắng của Xiaomi trước chính phủ Mỹ vẫn mang lại cho các công ty Trung Quốc đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt một tia hy vọng.

Luật sư tại Washington D.C., Brain Egan, nói với Reuters, "Các lý lẽ được sử dụng để buộc tội Xiaomi là vô lý, tôi nghĩ điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều công ty đứng lên phản đối lệnh cấm."

Thực tế, vào giữa tháng 3 năm nay, khi Tòa án Mỹ ban hành lệnh sơ bộ loại bỏ Xiaomi khỏi "danh sách đen", nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu liên hệ với các công ty luật, xem xét việc kiện chính phủ Mỹ.

Ngoài Xiaomi, danh sách còn có COMAC, Air China, Grand China Airlines trong lĩnh vực hàng không, Micro-Semiconductor và Gowin Semiconductor trong lĩnh vực chip, Luokung Technology và GTCOM trong lĩnh vực dữ liệu lớn và AI.

Tuy nhiên, so với Xiaomi, các công ty này một phần nào đó liên quan đến cạnh tranh tiềm ẩn về công nghệ với các công ty Mỹ. Không dễ để noi gương Xiaomi và thoát khỏi khó khăn nhanh chóng.

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào "danh sách đen" từ tháng 5/2019, cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và sản phẩm cho Huawei. Cho đến ngày nay, lệnh cấm này vẫn không có dấu hiệu được nới lỏng.

Lý do cho việc Mỹ đàn áp Huawei rất phức tạp, nhưng một trong những cân nhắc chính là Huawei có lợi thế hàng đầu trong công nghệ 5G, điều này đặt ra thách thức đối với lợi ích của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Trong hai năm qua, để thoát khỏi tình trạng khó khăn, Huawei tung ra các mảng kinh doanh mới như điện toán đám mây, thậm chí tham gia vào thị trường chế tạo ô tô và bán các loại xe điện khá tốt tại các cửa hàng của mình. Mặc dù cuộc đàn áp của Mỹ không "giết" được Huawei, nhưng nó cũng khiến gã khổng lồ này chịu nhiều tác động.

Điều này cũng cho thấy rằng chiến thắng của Xiaomi trước chính phủ Mỹ lần này chỉ là một chiến thắng dưới lợi ích hỗn hợp của các bên khác nhau và điều đó không có nghĩa là chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với các công ty Trung Quốc đã thay đổi. Đối với nhiều công ty Trung Quốc, nguy cơ bị Mỹ trừng phạt sẽ còn tồn tại trong thời gian dài.

Theo NetEase