Vừa qua, Google đã tổ chức sự kiện lớn cho ra mắt bộ đôi Pixel 2 và Pixel 2 XL. Thông qua đó, công ty cũng chứng tỏ được khả năng thiết kế điện thoại thông minh có tính năng cạnh tranh với những hãng sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Android tốt nhất, và có lẽ quan trọng hơn cả chính là iPhone của Apple.
Tuy nhiên, nhân tố chủ yếu ngăn cản sự phổ biến của hai mẫu Pixel 2 và hầu hết các sản phẩm phần cứng của công ty là do Google chỉ bán sản phẩm trong một số ít các thị trường. Pixel 2 và Pixel 2 XL hiện chỉ có bán ở sáu quốc gia và trên trang web Google Store của họ: Úc, Canada, Đức, Puerto Rico, Anh, và Mỹ. Điện thoại Pixel 2 cũng sẽ được bán ở Ấn Độ, thông qua Flipkart, với đơn đặt hàng trước bắt đầu từ ngày 26/10 (Google cũng chọn Verizon làm nhà cung cấp độc quyền cho Pixel 2 ở Mỹ).
Cho đến thời điểm hiện tại, Pixel 2 sẽ chỉ chính thức có mặt tại bảy thị trường. Trong khi đó, khi tung ra iPhone 8 và iPhone 8 Plus vào cuối tháng 9, Apple đã phát hành chúng tại hơn 50 quốc gia. Samsung cũng không kém cạnh khi phát hành Galaxy Note 8 tại Mỹ và hơn 40 quốc gia khác.
Pixel 2 và Pixel 2 XL không thể hy vọng bán được số lượng nhiều như đối thủ cạnh tranh chính nếu hãng không phổ biến sản phẩm của mình tại nhiều nơi trên thế giới. Google chưa bao giờ thông báo về số lượng bán ra của dòng Pixel cũng như Nexus mới phát hành. Theo báo cáo từ một nguồn tin, hãng chỉ vận chuyển khoảng một triệu chiếc điện thoại Pixel trong 7 tháng đầu tiên chính thức phát hành.
Vấn đề này không chỉ riêng trên điện thoại Pixel. Các thiết bị phần cứng khác của Google cũng không được bán ở nhiều thị trường. Google Pixelbook Chromebook được công bố gần đây chỉ được bán chỉ tại ba quốc gia: Canada; Anh và Mỹ. Loa Google Home chỉ giới hạn trong bảy thị trường: Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Chromecast, sản phẩm phần cứng thành công nhất của Google với doanh số 55 triệu chiếc trên toàn thế giới kể từ khi mẫu đầu tiên ra đời vào năm 2013 - vẫn chưa có sẵn ở tất cả các quốc gia, nó chỉ chiếm 23% thị trường. Thậm chí một số dịch vụ phần mềm nổi tiếng của công ty như Google Play Music and Google Play Movies & TV cũng không thể truy cập được ở nhiều thị trường lớn.
Không ai có thể phủ nhận được những tính năng mạnh mẽ của các phần cứng do Google sản xuất, nhưng tại sao nó lại từ bỏ nhiều thị phần béo bở trên thị trường? Dưới đây là những lý do được đưa ra bởi một số nhà phân tích đánh giá từ các trang báo uy tín.
1. Vấn đề độc quyền
Nguyên nhân chủ yếu ngăn cản Google bán thiết bị phần cứng trên toàn thế giới có thể là do họ không muốn vào các quốc gia có áp dụng mức phạt độc quyền. Có thể nhận thấy rằng ở châu Âu, bạn chỉ có thể mua Pixel 2 ở Anh và Đức. Điều đó có thể là do Google bị hạn chế bởi phần lớn các nước trong Liên minh châu Âu. Ủy ban Châu Âu đã phạt Google khoản tiền trị giá 2,42 tỷ euro (2,7 tỉ đô la) vào đầu năm nay, sau khi cơ quan này cáo buộc hãng đã lạm quyền trong việc đưa dịch vụ so sánh mua sắm của mình lên trên cùng trong các kết quả tìm kiếm.
Dịch vụ chống độc quyền của Liên bang Nga cũng đã phạt Google 6,75 triệu đô la vào năm 2016 vì vi phạm những điều luật chống độc quyền khi bắt buộc người dùng phải cài đặt các ứng dụng gốc đi kèm với ứng dụng Android.
Google đã có động thái chống độc quyền khác để giải quyết vấn đề ở châu Âu khi có một điều khoản từ Ủy ban Châu Âu tuyên bố rằng công ty đã ngăn cản các công ty khác phát triển các ứng dụng đối thủ khác cùng với các thanh công cụ của Android cho điện thoại thông minh. Google đã bác bỏ tuyên bố của EC, cho biết các nhà sản xuất smartphone cho phép tải trước các ứng dụng và dịch vụ cùng với các thiết bị của Google.
Có thể thấy, việc tẩy chay Google từ các nhà quản lý châu Âu có thể là một lý do lý giải tại sao Google lại không cung cấp Pixel và các thiết bị phần cứng khác ở nhiều thị trường hơn. Hãng gặp vấn đề với việc cung cấp hệ điều hành Android, ứng dụng và dịch vụ trên các sản phẩm của bên thứ ba.
2. Lệnh cấm vào thị trường Trung Quốc
Google cũng gặp vấn đề khi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ở Trung Quốc, một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, ZTE và Xiaomi có thể sử dụng hệ điều hành Android nhưng không thể tải trước các ứng dụng của Google, bên cạnh đó, Google Play Store cũng bị cấm ở nước này. Đó là lý do tại sao Google không muốn bán sản phẩm ở nước này, ngay cả khi đối thủ lớn nhất của họ, Apple, hiện đang chiếm phần lớn thị phần ở nước này.
Tình hình này có lẽ không thể cải thiện một sớm một chiều. Mặc dù xuất hiện tin đồn cho rằng Google Play Store sẽ được cung cấp ở thị trường Trung Quốc vào một thời điểm nào đó, chưa ai có thể kiểm chứng được điều này. Nếu Google muốn tăng doanh số bán Pixel, Trung Quốc là một thị trường lớn không thể bỏ qua. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu rằng Google có thể kéo lại thị phần béo bở này trong tương lai không nhé!
3. Hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng hơn là cạnh tranh
Hệ điều hành Android là hệ điều hành duy nhất có thể hoạt động được với tất cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh ngoài trừ Apple. Trong khi chúng ta đã chứng kiến các hệ điều hành di động mới cạnh tranh “sứt đầu mẻ trán” với nhau như Tizen, Firefox OS, BlackBerry cả Windows Phone và Windows Mobile – tất cả đều “banh xác” trước Android và iOS. Nếu bạn là một công ty phần cứng mới và muốn khởi chạy một điện thoại thông minh, Android là hệ điều hành lý tưởng nhất.
Đó có thể là lý do lớn nhất khiến Google không bán điện thoại Pixel ở nhiều thị trường hơn. Họ cho rằng hành động như vậy có thể dẫn đến xung đột lợi ích với các đối tác bên thứ ba của mình như Samsung, LG, Lenovo và nhiều hãng sản xuất khác đang sử dụng hệ điều hành Android.
Thay vào đó, việc giới thiệu và phát triển điện thoại Pixel và hầu hết các sản phẩm phần cứng khác như Google Home và Google Pixelbook sẽ tạo cảm hứng cho các hãng sản xuất phần cứng khác khi thiết kế và thêm các tính năng mới cho các thiết bị của riêng mình. Ví dụ như điện thoại Pixel 2 có SoC riêng để xử lý hình ảnh tốt hơn và điều này có thể dẫn đến một xu hướng mới. Quyết định của Google khi bỏ giắc tai nghe truyền thống và thẻ nhớ microSD trên smartphone cũng có thể xem như một động thái khuyến khích các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác làm theo.
Sự chuyến hướng kinh doanh theo mô hình này này không phải mới. Microsoft đã bước vào lĩnh vực kinh doanh phần cứng Windows PC với Surface – máy tính hoàn hảo cho gia đình, bắt đầu từ Surface RT vào năm 2012. Nhiều chuyên gia cho rằng Microsoft có làm cho nhiều đối tác phần cứng như Dell, HP và nhiều hãng máy tính khác quay lưng lại với phần mềm Windows. Tuy nhiên, ngược lại, việc tung bản Surface dần dần phổ biến ở nhiều quốc gia, Microsoft thực sự đã mang hiệu ứng tích cực đến các đối tác của mình khi nhờ nó mà họ có thể phát triển loại máy tính lai 2 trong 1.
Đó có thể là những gì Google mong muốn mang tới khi phát triển smartphone Pixel.
Kết luận
Tất nhiên, trên đây chỉ là suy đoán. Google vẫn chưa chính thức đưa ra bất kỳ lý do nào cho vấn đề trên. Có lẽ, đây thuộc về bí mật hoặc chiến lược kinh doanh của Google. Bất kể lý do gì, chúng tôi hy vọng tình hình sẽ không có nhiều sự thay đổi nhiều bởi thị trường như hiện tại có thể là phương án tốt nhất cho tất cả mọi người cả người sản xuất và người tiêu dùng.