Tại sao Đảng Cộng hoà ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông Trump?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong đời sống chính trị Hoa Kỳ có những "luật bất thành văn" đã kéo dài hơn hai thế kỷ. Một trong số chúng thường được gọi là "chuyển giao quyền lực một cách hoà bình".

Tổng thống Donald Trump vẫn quyết chiến đấu đến cùng, bất chấp kết quả bầu cử gọi tên ông Joe Biden (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump vẫn quyết chiến đấu đến cùng, bất chấp kết quả bầu cử gọi tên ông Joe Biden (Ảnh: AFP)

Cho dù cuộc bầu cử tổng thống có ganh đua gắt gao đến đâu thì người thất cử luôn nhận thua và cam kết sẽ tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước.

Khi người thất cử là tổng thống đương nhiệm, chẳng hạn như Jimmy Carter vào năm 1980 hay George H.W. Bush năm 1992, chính quyền cũ luôn sẵn lòng hợp tác để quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới được diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử 2020 hoàn toàn không giống như vậy. Nhiều ngày sau Ngày bầu cử, Tổng thống Trump tiếp tục khăng khăng khẳng định rằng ông sẽ thắng khi "mọi phiếu bầu hợp pháp được kiểm".

Khi những lá phiếu này đem lại chiến thắng cho Joe Biden, ông lại một mực cho rằng tiến trình bầu cử đã bị vô hiệu hoá bởi sự gian lận và lừa đảo.

Chiến dịch của ông đã đệ đơn lên toà án để thách thức tính hợp pháp của tiến trình bầu cử ở một số bang chiến địa, nơi kết quả khá sít sao.

Tại sao Trump lại hành xử như vậy? Tại sao nhiều thành viên đảng Cộng hoà ủng hộ ông và điều này sẽ tác động gì đến tương lai?

Kiện tụng - chiến dịch PR hơn là chiến dịch pháp lý

Hầu hết các chuyên gia pháp lý về bầu cử ở Hoa Kỳ cho rằng các vụ kiện của Trump có rất ít giá trị pháp lý. Theo họ, nhiều khả năng Trump sẽ thua tất cả các vụ kiện này. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ kiện tụng của Trump mang tính chất của một chiến dịch PR hơn là một chiến dịch pháp lý.

Trump ghét bị thua và trong suốt cả cuộc đời mình, ông luôn đổ lỗi các thất bại của mình cho các yếu tố bên ngoài.

Trump ghét bị thua và trong suốt cả cuộc đời mình, ông luôn đổ lỗi các thất bại của mình cho các yếu tố bên ngoài.

Các thách thức pháp lý của Trump đối với kết quả bầu cử mang tính chất cá nhân đậm nét. Trump ghét bị thua và trong suốt cả cuộc đời mình, ông luôn đổ lỗi các thất bại của mình cho các yếu tố bên ngoài chứ không phải do bản thân mình.

Donald Trump dường như bị phong bế trong niềm tin cá nhân rằng cuộc sống là sự phân định giữa người thắng và kẻ thua, và ông không thể chịu nổi ý nghĩ rằng giờ đây mình là một trong những kẻ thua cuộc đó.

Việc Trump một mực cho rằng mình thất cử vì gian lận phiếu bầu giúp ông cảm thấy khuây khoả - ít nhất là trong tâm trí - khỏi nỗi ám ảnh mang nhãn kẻ thua cuộc. Đó là một hành vi nhằm giữ thể diện.

Nhưng cuộc chiến pháp lý này không đơn thuần chỉ là một phản ứng mang tính cá nhân. Những nỗ lực pháp lý hiện tại nhằm đảo ngược kết quả bầu cử cũng chính là hành động đầu tiên trong giai đoạn tiếp theo của đảng Cộng hoà, một dạng bài kiểm tra lòng trung thành đối với những ai đang tìm kiếm quyền lãnh đạo đảng và thậm chí đề cử ứng viên tổng tống của đảng Cộng hoà vào năm 2024.

Đám đông người ủng hộ Trump biểu tình phản đối kết quả bầu cử (Ảnh: VOX)

Đám đông người ủng hộ Trump biểu tình phản đối kết quả bầu cử (Ảnh: VOX)

Cho đến giờ, một số thành viên lãnh đạo Cộng hoà vẫn chưa công nhận chiến thắng của Biden. Mặc dù họ có thể nghi ngờ các tuyên bố pháp lý của Trump, nhưng phe Cộng hoà ý thức rất rõ rằng Trump vẫn là một nhân vật quan trọng trong chính trị của đảng này - có lẽ là một dạng "người buôn vua" ("kingmaker") - và họ chưa sẵn sàng để thách thức tuyên bố của ông rằng cuộc bầu cử là gian lận.

Hầu hết đều nghĩ rằng lợi ích lâu dài của họ là ở lại với "con tàu Trump" đang chìm vào lúc này thay vì khiến Trump và hàng triệu người ủng hộ ông ta nổi giận vì sự bất trung của họ.

Trump sẽ trở thành lãnh tụ của phe kháng chiến

Việc Trump khước từ nhận thua hay giúp đỡ chính quyền sắp tới sẽ gây ra những hệ luỵ cả ngắn hạn và dài hạn đối với chính trị Hoa Kỳ.

Joe Biden sẽ trở thành tổng thống vào ngày 20/1/2021 và Trump sẽ phải rời Nhà Trắng. Nhưng việc Trump gây khó cho quá trình chuyển giao quyền lực sẽ làm chậm lại những nỗ lực của chính quyền mới trong quá trình đương đầu với hai cuộc khủng hoảng đối nội nghiêm trọng nhất: đại dịch Covid-19 và hàng chục triệu việc làm bị mất đi bởi đại dịch.

Biden muốn triển khai các chính sách giải quyết cả hai cuộc khủng hoảng này ngay khi ông nhậm chức. Nhưng Trump đang ngăn cản ông tiếp cận với các nguồn lực và thông tin mà các cơ quan chính phủ đang nắm giữ hiện nay. Nhiều người Mỹ nữa sẽ chết hoặc chịu đựng thiệt hại kinh tế chỉ bởi vì sự không khoan nhượng của ông Trump.

Về lâu dài, việc Trump từ chối thừa nhận tính hợp pháp của kết quả bầu cử sẽ tiếp tục phủ bóng lên chính trị Hoa Kỳ như những gì mà nhiệm kì tổng thống Trump đã gây ra. Chắc chắn Trump sẽ không biến mất khỏi sân khấu đại chúng vì ông đã nghiện sự tôn sùng của đám đông người ủng hộ.

Ông sẽ tiếp tục tập hợp quần chúng hâm mộ và không nghi ngờ gì nữa, sẽ tìm kiếm những cơ quan truyền thông mới để bày tỏ quan điểm của mình một cách mạnh mẽ. Theo nhiều cách, Trump sẽ trở thành lãnh tụ của phe kháng chiến.

Thậm chí nếu ông Trump có biến mất thì vết sẹo sâu hoắm của chủ nghĩa Trump sẽ còn hiện hữu trên chính trường Mỹ. Lòng hận thù của người da trắng, chủ nghĩa bài ngoại, nỗi sợ hãi đối với người nhập cư và sự ngờ vực đối với các đồng minh - những khái niệm trung tâm trong triết lý chính trị của Trump - vẫn sẽ còn sống dai dẳn.

Và những người ủng hộ Trump, những người đã mang lại cho ông hơn 72 triệu phiếu bầu vào năm 2020, sẽ không chào đón chính quyền Biden với một đầu óc cởi mở.

Sức hút chính trị mạnh mẽ của Donald Trump. Theo nhiều cách, ông sẽ trở thành lãnh tụ của phe kháng chiến (Ảnh: AFP)

Sức hút chính trị mạnh mẽ của Donald Trump. Theo nhiều cách, ông sẽ trở thành lãnh tụ của phe kháng chiến (Ảnh: AFP)

Trump và các tổ chức truyền thông bảo thủ đã nhồi nhét vào đầu họ rằng Biden không đủ mạnh mẽ về tinh thần để trở thành tổng thống, rằng ông sẽ mở toang biên giới nước Mỹ, rằng tình trạng vô pháp luật sẽ ngự trị ở các thành phố Hoa Kỳ, và rằng thuế má sẽ tăng đến mức cắt cổ.

Những thông điệp này, từ Trump và những cơ quan truyền thông ủng hộ ông, sẽ không dừng lại khi Trump rời nhiệm sở. Và chúng sẽ tiếp tục gây nhiễu một cách đáng kể bất kỳ nỗ lực nào của tổng thống mới nhằm đoàn kết đất nước.

Đó sẽ là một thách thức lớn ghê gớm đối với chính trị Mỹ để đẩy lùi những luận điệu và hành động trong vài năm vừa qua vốn đã làm xói mòn tính văn minh trong các thảo luận công chúng. Donald Trump không phải là người tạo ra sự chia rẽ về văn hoá đang đè nặng lên nước Mỹ đương đại nhưng sự "to mồm" của ông đã lợi dụng và khoét sâu thêm sự chia rẽ đó.

Giờ đây, nhiều người Mỹ đã tự đóng khung mình trong những nhãn quan chính trị xa lạ. Sự chia rẽ liên miên trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã khiến họ bị mắc kẹt trong đó.

Các chính quyền dân chủ không chỉ là những thiết chế và luật pháp, mà chúng còn là hành động chứng minh niềm tin. Hiệu quả của chúng phụ thuộc vào tính chính danh trong mắt người dân. Các công dân tin vào chính quyền có thể trở thành một động lực tiến bộ trong nền dân chủ.

Sự thiếu vắng niềm tin đó sẽ huỷ hoại các cơ hội tiến bộ. Nếu những người ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục tin, ngay cả sau khi Trump đã rời đi, rằng chính quyền Biden là bất hợp pháp, thì tương lai sẽ đầy rào cản đối với các nỗ lực chính sách của tổng thống mới.

Vào thời khắc này, nước Mỹ đang khát cầu đến tuyệt vọng những nhà lãnh đạo có thể tái lập dân chủ và những người không đặt lợi ích cá nhân - hay cơn giận - lên trên ý chí của cử tri. Cho đến giờ, Tổng thống Trump vẫn chưa chọn trở thành một trong số những lãnh đạo như thế./.

Giáo sư Calvin Mackenzie.

Giáo sư Calvin Mackenzie.

Calvin Mackenzie là Giáo sư Chính trị học tại Đại học Colby, Hoa Kỳ. Ông là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam và là một học giả Fulbright tại Hà Nội năm 2012. Giáo sư Mackenzie đã trở lại Việt Nam nhiều lần.