|
Nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi, thẳng thắn về việc xử lý tài sản không có nguồn gốc hợp pháp - Ảnh: QH |
Chưa có cơ chế xử lý
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn đặt vấn đề: Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
Theo đại biểu Thủy, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.
Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án. Một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này đó là phải giải quyết được vấn đề nêu trên.
“Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo chúng tôi nhận thấy tại Điều 122 và 123 vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ không có cơ chế xử lý giống như hiện nay” – đại biểu Thủy nói.
Lấy ví dụ về kinh nghiệm xử lý của Trung Quốc, đại biểu Thủy cho biết nước này không có Luật riêng về phòng chống tham nhũng, các quy định về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc được đặt trong các luật chuyên ngành và để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì Trung Quốc đã bổ sung vào Điều 395 của Bộ luật Hình sự.
Cụ thể: "Bất kỳ công chức công nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm."
Hay đối với kinh nghiệm của Singapore, thì Singapore không chỉ ban hành luật riêng về chống tham nhũng mà Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.
Đại biểu Thủy nhấn mạnh việc các nước cũng gặp khó khăn như Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng họ cũng đã tìm ra cho mình những cơ chế để thu hồi sớm tài sản tham nhũng, như Trung Quốc thực hiện từ 2011, Liên bang Nga thực hiện từ 2012 và đang phát huy tác dụng trên thực tế. Tuy nhiên, đề xuất về tiến độ thảo luận và thông qua dự luật này, vị đại biểu đoàn Bắc Kạn nhận định đây là một dự án luật có rất nhiều quy định bổ sung nhưng cũng có nhiều quy định chưa được đánh giá kỹ tác động, nhiều vấn đề đã được tổng kết qua thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung một cách triệt để. Do vậy, bà đề nghị Quốc hội cho phép được thảo luận và thông qua dự án này tại 3 kỳ họp của Quốc hội.
Nhiều ý kiến tranh luận
Nêu quan điểm về việc này, Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cho rằng vấn đề tham nhũng là vấn đề lớn. “Nếu nói là căn bệnh chúng ta đang muốn có một thang thuốc đặc hiệu nhưng xu thế hiện nay tôi cảm thấy chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự , tham nhũng chúng ta phải xác định rõ nội hàm của nó, còn xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau” – ông Quốc nói.
Ông lấy ví dụ về việc có nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu nó không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao gọi là tài sản tham nhũng được. “Cho nên phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ. Nếu không phải là công thì không phải tham nhũng, là bệnh khác, nếu không có quyền thì không thể tham nhũng được” – nhà sử học này nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông băn khoăn việc suy đoán có tội để xử lý cả tài sản mà không xác định được do tham nhũng hay không tham nhũng, chỉ cần người ta không minh bạch, không giải trình được là tịch thu là không phù hợp, trái với quy định của Hiến pháp và Quyền tài sản của người dân.
Ông nhận định “nếu chỉ thấy không minh bạch mà chúng ta đã có cơ chế để tịch thu và xử lý ở hành vi tham nhũng thế này là mâu thuẫn tất cả.”
Trái ngược với quan điểm trên, Đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. HCM cho rằng, chúng ta đang xây dựng xã hội nhà nước pháp quyền và chúng ta đang chống tham nhũng, hiến pháp chỉ bảo vệ tài sản “hợp pháp” chứ không bảo vệ tài sản bất minh. Ông nhấn mạnh: “Mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và tài sản mọi công dân đều phải minh bạch, chứ không phải chỉ có quan chức mới phải minh bạch”
Trước đó, ĐB Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng đã nêu quan điểm về vấn đề này, ông đặt câu hỏi: “Hành vi sở hữu tài sản không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp hay nói như luật pháp quốc tế gọi là tài sản bất minh thì ở trong này chúng ta có coi nó là tài sản tham nhũng không?”.
Ông đồng tình với đại biểu Thủy (đoàn Bắc Kạn) việc phải bổ sung quy định này vào luật, có như vậy chúng ta mới đi đến giải quyết hai vấn đề cốt tử, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát, có quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.
“Việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong nhiều năm qua mà có lần Tướng Sùng Thìn Cò đã nêu vấn đề trong phiên thảo luận cách đây ít ngày tại hội trường này”, ông Sơn nói.
Vấn đề thứ hai, về việc giải trình tài sản, ông Sơn nhấn mạnh trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước “có quyền thu hồi” tài sản đó.
“Việc chứng mình tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Còn trong phạm vi điều chỉnh của dự luật này thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản hợp pháp phải là của chủ sở hữu tài sản. Nếu không chứng mình được thì nhà nước thu hồi tài sản đó”, ông Sơn phân tích.
Ông kiến nghị Uỷ ban TVQH, Quốc hội chỉ đạo ban soạn thảo đưa vấn đề này thành quan điểm trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan phòng chống tham nhũng để làm nền tảng cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sau này.