Kỳ 2:

Tái cơ cấu kiểu... Tập đoàn Cao su Việt Nam: "Kệ" Chính phủ, cứ bơm thêm vốn

VietTimes -- VRG đã “gạt” sang một bên đề án tái cơ cấu của Chính phủ, tiếp tục đầu tư thêm tại những công ty đã có yêu cầu rút vốn
VRG đã “gạt” sang một bên đề án tái cơ cấu của Chính phủ

Kết luận tại Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra 5 định hướng giải pháp cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách nhà nước, trong đó, nhấn mạnh việc Cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung về tái cấu trúc đầu tư mới trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại; đặc biệt, là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Hơn 5 năm qua, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự, nó không còn là định hướng mà thành nhiệm vụ tiên quyết trong thực tế và càng ngày càng trở nên bức thiết trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đưa đất nước vượt qua những khó khăn thách thức. Nhưng vẫn có những Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tỏ ra rất thờ ơ trong tái cơ cấu, thậm chí là … dẫm chân tại chỗ. Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt những sai phạm nghiêm trọng ở VRG giai đoạn 2006-2011. Theo đó, Hội đồng thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011 cho các đơn vị thành viên không đúng quy định; VRG quyết định tăng vốn điều lệ để góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính không đúng thẩm quyền 3.540 tỷ đồng; VRG đã đầu tư vốn ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ 2.591 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thiếu tính toán, đầu tư dàn trải là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không có lợi nhuận. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng và cơ quan chức năng xỷ lý sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 8.366 tỷ đồng. Phần lớn các sai phạm này là do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ (VietTimes đã đề cập trong bài viết trước đây).

Đồng thời với đó, VRG cần xử lý một loạt vấn đề "nóng", hoạch định lại chiến lược, thay đổi đội ngũ lãnh đạo làm việc yếu kém, không hiệu quả, thay đổi cơ cấu tài chính, công tác quản trị nguồn nhân lực… Đặc biệt, VRG cần phải dứt khoát trong việc thoái vốn ngoài ngành tại các dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát hàng nghìn tỷ nêu trên.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Đề án này ấn định rõ các mục tiêu cụ thể về việc thoái vốn ngoài ngành. Cụ thể, theo điều 4, II. Nội dung, Tái cơ cấu tài chính và đầu tư, VRG cần thoái 100% vốn góp của Công ty mẹ tại 24 doanh nghiệp, như: CTCP Xi măng Fico Tây Ninh, CTCP Thủy điện Geruco Sông Côn; CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, CTCP Thép tấm Miền Nam, CTCP Điện Việt Lào, CTCP EVN Quốc tế, CTCP BOT 13 An Lộc – Hoa Lư, Quỹ Đầu tư Việt Nam, CTCP ĐTXD và Phát triển năng lượng Vinaconex…

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng của Tập đoàn Cao su Việt Nam, tính đến thời điểm 31/12/2015, VRG vẫn ghi nhận các khoản đầu tư như: 136 tỷ tại Fico Tây Ninh, 93,4 tỷ tại Đầu tư Sài Gòn VRG, 206 tỷ đồng của VRG tại CTCP TM Dịch vụ và Du lịch Cao su (Trong đó VRG phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 169 tỷ đồng), 9,9 tỷ đồng tại CTCP Thép tấm Miền Nam (VRG trích lập dự phòng rủi ro 100%)…

Đặc biệt, VRG đã “gạt” sang một bên đề án tái cơ cấu của Chính phủ, tiếp tục đầu tư thêm tại những công ty được yêu cầu rút vốn. Trường hợp CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Năng lượng Vinaconex, thay vì rút vốn, VRG tiếp tục “bơm” thêm tiền vào DN này, ngày 1/1/2015 ghi nhận giá gốc khoản đầu tư này là 43,32 tỷ, đến ngày 31/12/2015 lại ghi nhận con số 51.984 tỷ đồng.

Chưa kể, nếu căn cứ vào Báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 2015 thì tính đến 31/12/2015, số doanh nghiệp chưa hoàn thành việc thoái vốn lên đến 57 đơn vị (tính tổng chung, bởi nhiều đơn vị có cả VRG và công ty con tham gia góp vốn vào một công ty).

Kết quả trên rõ ràng là còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu kế hoạch đã được thủ tướng phê duyệt trong đề án tái cơ cấu VRG. Điều này, đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả công tác chỉ đạo tái cơ cấu tại VRG. Vốn của nhà nước tại VRG, do thế, cũng chưa có gì được đảm bảo sẽ tránh được lãng phí thêm một lần nữa.

Có những công ty được thành lập và nhận vốn góp hàng trăm tỷ của VRG, cũng như một loạt các công ty thành viên của Tập đoàn. Tuy nhiên, quá trình đầu tư đã xảy ra nhiều vi phạm khiến công ty đó liên tục bị thua lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng và không còn khả năng trả nợ. Các công ty này hình thành tổ hợp “mạng nhện” và tiến hành một loạt các hoạt động tài chính, đã gây hoặc tiềm ẩn các hậu quả nghiêm trọng về tài chính