Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đăng ký bán 1,085 triệu cổ phiếu RCD, tương đương 20,48% vốn điều lệ CTCP Xây dựng - Địa ốc Cao su (RCD-UPCoM). Nếu giao dịch thành công, VRG sẽ giảm sở hữu tại RCD xuống còn hơn 5% (266.000 cổ phiếu).
Như vậy, sau khi thoái vốn 20,28% thì VRG sẽ không còn là cổ đông lớn nhất nắm quyền kiểm soát tại RCD. Vậy ai sẽ trở thành "ông chủ mới" thay VRG tiếp quả RCD trong khi công ty này đang sở hữu loạt đất vàng của VRG.
Được biết, RCD hiện có vốn điều lệ hơn 53 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản. RCD lên UPCoM từ 6/2/2015 với giá chào sàn 10.000 đồng/CP. Năm 2015, RCD đạt doanh thu 87,16 tỷ đồng, giảm 3,12%; lợi nhuận sau thuế đạt 7,13 tỷ đồng, tăng 166% so với năm 2014. Trong những năm qua, nếu chỉ tính riêng phần xây dựng, công ty luôn duy trì việc chi trả cổ tức hằng năm từ 10-15%.
RCD tiền thân là công ty Xây dựng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su-chuyên xây dựng các công trình trong nội bộ Tập đoàn, sau cổ phần hóa. Do có chức năng kinh doanh xây dựng sau bố sung thêm chức năng kinh doanh Bất động sản nên công ty đã đẩy mạnh thương hiệu và phát huy hiệu quả kinh doanh 2 lĩnh vực là xây dựng và bất động sản với quỹ đất sẵn có mà Tập đoàn đang có để phát triển mảng bất động sản.
Có thể kể đến như khi Tập đoàn Cao Su Việt Nam thoái vốn tại dự án khu chung cư cao cấp tại 381 Bến Chương dương Quận 1 đã được công ty đã mua lại hết, tiếp tục hoàn thiện và đã chuyển nhượng khi có đối tác mới. Việc chuyển nhượng này công ty thu lãi 170 tỉ (Lãi gấp 3,2 lần vốn điều lệ của công ty tại thời điểm này là 53 tỉ). Hiện phía đối tác đã chuyển được 30% tiền mặt và đang đợi công ty làm thủ tục chuyển tên, sau khi xong họ sẽ chuyển hết số còn lại.
Ngoài ra, RCD cũng đang lên kế hoạch để tiếp tục triển khai dự án khu biệt thự sinh thái tại phường Long Bình quận 9 (rộng 22ha), dự án này bị đình trệ do thị trường đóng băng từ mấy năm trước (giá trị đầu tư đất sạch của dự án là 1,5tr/m2).
Công ty cũng còn quỹ đất dự án bất động sản tại Trảng Bom, Đồng nai hoặc đất được Tập Đoàn ưu tiên phân cho để kinh doanh liên quan đến sân bay Long thành (là đất của tập đoàn Cao su). Đối với quỹ đất này, công ty cũng đang lên kế hoạch triển khai khi thị trường BĐS đang phục hồi.
Đặc biệt CTCP Xây dựng - Địa ốc Cao su cũng đang nhắm đến các quỹ đất vàng trong thành phố do Tập đoàn cao su Việt Nam sở hữu để phát triển bất động sản.
Để đẩy mạnh tham gia đấu thầu các công trình xây dựng lớn, cùng tập đoàn triển khai các dự án bất động sản khác tại các khu đất vàng, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách thưởng cổ phiếu từ lợi nhuận 170 tỉ do dự án 381 Bến Chương dương mang lại cho cổ đông hiện hữu.
Theo Trí thức trẻ