|
Xã hội không ổn định, bất an, pháp luật không được thực thi hiệu quả thì dối trá trỗi dậy và phát triển, làm băng hoại đạo đức xã hội. |
Dối trá vốn được hiểu là những cử chỉ, hành vi, lời nói trái ngược với sự trung thực của mỗi con người. Trong xã hội, dối trá tồn tại song hành với trung thực. Nếu trung thực được đề cao, lan tỏa thì dối trá khó có đất để tồn tại, phát triển. Ở xã hội chúng ta hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà thói dối trá đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, lấn át cả sự trung thực.
TS. Bàn Tuấn Năng, giảng viên Viện Văn hóa và Phát triển thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, dối trá trong mỗi con người phát triển song hành với trung thực. Có lúc, có thời điểm nó lấn át cả sự trung thực. TS. Bàn Tuấn Năng dẫn chứng về kết quả của nhóm nghiên cứu do GS Trần Ngọc Thêm thực hiện cách đây chưa lâu. Theo đó, trong 5.600 được khảo sát thì bệnh dối trá đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%. Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh ở cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64% và sinh viên đại học là 80%. Điều này cho thấy, dối trá tỷ lệ thuận với độ tuổi. Đây là nguy hại rất lớn cho xã hội chúng ta.
Nhiều năm gần đây, thói dối trá trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển rất mạnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đến mức “báo động đỏ”.
Nổi bật nhất dối trá trong quy hoạch, bổ nhiệm. Nhiều cán bộ chạy bằng cấp, mua bằng, mua học vị thay vì trau rồi đạo đức, năng lực công tác. Ví dụ như những trường hợp Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu, đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để tiến thân trong suốt thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Dối trá thể hiện tinh vi trong tạo ra cơ chế có lợi từ tìm hiểu, khai thác triệt để thông tin trong văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quyết định, ý kiến chỉ đạo... Nếu không có lợi thì lờ, coi như văn bản đó không tồn tại.
|
Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cảnh báo về sự dối trá trong xã hội. |
Dối trá không chỉ có ở “làm ít xuýt ra nhiều”, “nói hay, cày giở”, “vụng chèo, khéo chống” mà còn hiện diện trong đấu thầu, dự toán, chi tiêu ngân sách. Phổ biến là việc dàn xếp quân xanh quân đỏ, lập hồ sơ, đóng thầu, mở thầu, chấm thầu thiếu minh bạch, khách quan, gây ra hiện tượng chậm tiến độ, chất lượng công trình, sản phẩm không bảo đảm, thậm chí có những dự án không hoàn thành, đổ bể, vị phạm pháp luật nghiêm trọng.
Dối trá thể hiện trong xin cấp ngân sách lớn hơn nhu cầu thực tế để sau đó mua hợp đồng khống, hợp thức bằng hóa đơn, chứng từ để giải ngân. Hoặc có hiện tượng thanh toán vượt giá thị trường, chi sai mục đích...
Xin dẫn ra sự việc ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội bị khởi tố bắt tạm giam 4 tháng để chứng minh. Trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đã có kế hoạch mời thầu rộng rãi gói thầu thực hiện công tác số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội nhưng ông Tứ đã có những việc làm nhằm giúp cho Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Công việc thí điểm chính là nội dung gói thầu đã bị tạm dừng trước đó dù Sở KHĐT đã thông báo mời thầu, có nhà thầu nộp hồ sơ. Cách làm của ông Tứ là một biện pháp để hạn chế mời thầu rộng rãi và "dọn đường" cho Nhật Cường Software nghiễm nhiên trúng thầu.
Tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV vào sáng 30-10-2019, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) Lưu Bình Nhưỡng phát biểu: “Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng. Có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và nhà nước”.
Trong thời kỳ số hóa, dối trá cũng được lập trình và trở thành kẻ thù khó phát hiện trong xã hội. Nó không chỉ được ẩn chứa dưới quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng, trên sóng truyền hình, phương tiện truyền thông mà còn len lỏi vào trong lĩnh vực quản lý văn bản ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, thậm chí cả trong nghiên cứu khoa học và quản lý y tế, giáo dục.
Hằng ngày, khi mở báo mạng, độc giả sẽ gặp vô vàn các sự việc thể hiện sự dối trá trong quan hệ ứng xử, trong mua bán, trao đổi hàng hóa và nhiều lĩnh vực khác. Chỉ đơn giản như hiện tượng đưa thông tin không đúng sự thật, sai lệch thôi đã khiến xã hội đau đầu và thậm chí phải trả giá đắt bằng tính mạng con người và nhiều tài sản.
Số hóa để con người thực hiện các nhu cầu cuộc sống đơn giản, tiện lợi và hiệu quả, tiết kiệm thời gian, sức lực hơn; để các nhà quản lý tổ chức điều hành tập thể và xã hội ngày càng chặt chẽ, thống nhất, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế, hiện tượng dối trá trong số hóa đang diễn ra hằng ngày hằng giờ và ngày càng tinh vi hơn. Điều này đã gây không ít phiền phức và lo ngại lớn cho xã hội chúng ta.
Hiện tượng dối trá trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cơ quan đơn vị khi đã được số hóa đã gây ra nhiều hệ lụy và là trở ngại lớn cho xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước; làm nhân dân hiểu sai lệch bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị truyền thống; tạo nhiều rào cản, gây nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của nhân dân và là bằng chứng để các thế lực thù địch xuyên tạc sự thật, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng.
Dối trá là một trong những nguyên nhân đầu bảng dẫn đến hiện tượng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, là “bà đỡ” cho nịnh hót, bợ đỡ trong cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển, có nguy cơ nhấn chìm động cơ phấn đấu của những người trung thực; phá vỡ tổ chức đảng từ bên trong.
Dối trá có căn nguyên từ lợi ích và cạnh tranh không lành mạnh, nó là “bà đỡ” của “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra.
Đẩy lùi, diệt trừ dối trá trong thời kỳ số hóa là việc làm hết sức cần thiết. Nếu như còn sống nhanh, sống gấp, quyết đạt lợi ích bằng mọi giá theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” và cạnh tranh không lành mạnh thì dối trá càng có đất phát triển. Sống chậm, sống đơn giản, nghĩa tình và trách nhiệm, luôn hướng tới cái “chân, thiện, mỹ” chính là động lực để diệt trừ dối trá trong mỗi con người.
Đó là điều tiên quyết để hướng tới xây dựng xã hội tốt đẹp, văn hóa, văn minh!