Đó là đánh giá của bà Julie Welch – Phó Chủ tịch, Phụ trách Quan hệ Chính phủ của Qualcomm Khu vực Đông Nam Á, Đài Loan, Thái Bình Dương, khi đánh giá về vai trò của công nghệ 5G trong việc làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế - xã hội.
Theo bà, công nghiệp 4.0 hoặc những công nghệ trong tương lai sẽ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội như y tế, sản xuất ô tô… Chính vì vậy, đòi hỏi về mặt kết nối sẽ tăng cao và chỉ có công nghệ 5G mới có thể đáp ứng được điều này với hàng tỉ các thiết bị được kết nối vào mạng và 5G sẽ là kết nối quan trọng cho tương lai.
Tuy nhiên, sự thay đổi mang tính đột phá như 5G không thể tiến hành một cách nhanh chóng mà đòi hỏi sự đầu tư và phát triển nguồn lực. Và các quốc gia nhỏ và đang phát triển hưởng lợi rất lớn từ công nghệ di dộng, đặc biệt là 5G. Theo dự báo từ các nhà kinh tế học, công nghệ 5G sẽ tạo ra lợi ích kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ đô trên toàn cầu vào năm 2035.
Ngoài ra, theo như một nghiên cứu được Qualcomm tài trợ, bên cạnh quy mô thị trường trong lĩnh vực kinh tế đạt 3,5 tỷ đô la, công nghệ 5G còn mang lại 22 triệu việc làm mới. Điều này mang ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn.
Trên thực tế, tốc độ phát triển 5G nhanh hơn dự kiến rất nhiều nhờ vào tiến bộ về mặt tiêu chuẩn hóa của 3GPP, khi ra đời bộ tiêu chuẩn mới về kết nối vô tuyến. Bộ tiêu chuẩn này dự kiến sẽ hoàn thiện cuối năm 2018, và được sản xuất thương mại và cung cấp ra thị trường từ năm 2019.
Những cột mốc này có ý nghĩa rất quan trọng, và bộ tiêu chuẩn trung gian đều dựa trên chuẩn 4G/LTE, ví dụ như chế độ độc lập sẽ được thương mại hóa đầu năm 2019. Đồng thời, Qualcomm cũng đưa ra khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực nên chuẩn bị phổ tần cần thiết để phục vụ cho tiêu chuẩn kết nối vô tuyến mới này trong vòng vài năm tới.