Theo Arab Source, trong 3 tuần gần đây, lực lượng Hezbollah vắng bóng tại mặt trận nam Aleppo khiến quân đội Syria và đồng minh thất thế, buộc phải phòng ngự trước đợt phản công lớn của các nhóm phiến quân Hồi giáo Harakat Ahrar Al-Sham, Harakat Nouriddeen Al-Zinki, và chi nhánh Al-Qaeda tại Syria “Jabhat Al-Nusra”.
Thật may mắn là quân tăng viện với xe tăng T-90 mới của Nga từ cảng Latakia đã tới hồi đầu tuần này. Với sự bổ sung các xe tăng hạng nặng T-90, một đơn vị cơ giới tăng cường lớn của quân đội Syria và chiến binh Hezbollah đã tham gia trận chiến Aleppo.
Sáng 4/12, Sư đoàn cơ giới số 4 quân đội Syria phối hợp với chiến binh Hezbollah, lực lượng tự vệ quốc gia thành phố Aleppo và dân quân Iraq và dân quân Iran đã phản kích, đánh thẳng vào các nhóm phiến quân Hồi giáo, chiếm được các ngọn đồi của các làngTal Al-Baraqa, Tal Dadeen và Tal Ja’eera.
Sau khi giành được các làng này, quân đội Syria phát động một cuộc tấn công vào Tal ‘Arba’een, chiếm được đỉnh đồi sau khi giao chiến với các nhóm phiến quân Jaysh Al-Islam và Liwaa Suqour Al-Sham.
Với sự trở lại của lực lượng Hezbollah ở chiến tuyến nam Aleppo, quân đội Syria nhắm tới vây hãm cơ sở chiến lược ICARDA nằm dọc đường cao tốc Aleppo-Damascus. Nếu chiếm được khu vực này, các nhóm phiến quân Hồi giáo sẽ bị cắt đứt tuyến tiếp tế quan trọng hàng đầu của chúng.
Trong hơn hai tháng qua, dưới sự yểm trợ của các máy bay Nga, quân đội Syria đã thực hiện nhiều chiến dịch tấn công quy mô trên nhiều vùng lãnh thổ do phiến quân kiểm soát tại Syria nhưng không thu được nhiều thành công. Họ vấp phải một vũ khí lợi hại là tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất, theo Réseau International.
BGM-71 TOW (gọi tắt là TOW) là một trong những loại vũ khí chống tăng dẫn đường được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tên lửa TOW có tầm bắn tối đa khoảng 3.700 m, và phiên bản cải tiến được trang bị đầu đạn nặng 6,2 kg, đủ sức xuyên thủng lớp giáp bằng thép dày đến 900 mm, có thể vô hiệu hóa mọi xe tăng T-55 và T-72 của quân đội Syria.
VỚi ưu điểm đơn giản, gọn nhẹ, một hệ thống tên lửa TOW có thể được lắp đặt, bắn 3-4 quả tên lửa, sau đó được tháo dỡ và chuyển đến vị trí khác trong chưa đầy 5 phút, khiến các máy bay Nga không đủ thời gian để định vị và không kích tiêu diệt.
Theo ước tính của quân đội Syria, các nhóm phiến quân hiện sở hữu 6.000 tổ hợp TOW được Mỹ và Arab Saudi viện trợ. Số tên lửa này đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng xe tăng của quân đội chính phủ Syria, xóa bỏ khoảng cách về thiết giáp trên chiến trường.
Khắc tinh của tên lửa Tow
Các chuyên gia Pháp đã nhận định, tới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ viện trợ xe tăng T-90MS cho quân đội Syria để thực hiện các chiến dịch tấn công, dồn phiến quân đến sát biên giới và khóa chặt các tuyến đường buôn lậu dầu mỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ.
T-90MS là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất của quân đội Nga, được cải tiến từ xe tăng T-90, và được bắt đầu sản xuất vào năm 2012.
Quân nổi dậy ở Syria sử dụng tên lửa TOW. Ảnh: Aljazeera |
Lợi thế của T-90MS là được thiết kế tới ba lớp giáp bảo vệ dày giúp nó có khả năng chống lại sức công phá của các tổ hợp tên lửa chống tăng hiện đại, trong đó có TOW.
Lớp giáp đầu tiên là hệ thống phòng vệ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora 1. Nhiệm vụ chính của hệ thống phòng vệ này là vô hiệu hóa đầu dẫn bằng laser của các loại tên lửa chống tăng của đối phương.
Shtora 1 gồm các thiết bị dò tìm tia laser, vốn được phiến quân sử dụng để chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa TOW. Khi Shtora 1 phát hiện xe tăng đang bị thiết bị ngắm laser định vị, nó sẽ tự động phóng lựu đạn khói, tạo ra một bức tường khói rộng 20 m, cao 10 m.
Việc phóng lựu đạn khói được thực hiện trong chưa đầy ba giây và kéo dài khoảng 20 giây. Màn khói có tác dụng ngụy trang cho xe tăng trước thiết bị ngắm quang học của TOW, khiến phiến quân không thể xác định được chính xác mục tiêu.
Hệ thống Shtora 1 bắn lựu đạn khói từ một chiếc xe tăng của Nga. Ảnh: Sputnik |
Shtora 1 còn được trang bị đèn chế áp quang học, phát ra ánh sáng bức xạ có tần số và dải sóng gần giống với nguồn sáng điều khiển tên lửa. Càng đến gần xe tăng, tên lửa càng nhận được ít tín hiệu điều khiển hơn, trong khi ánh sáng bức xạ gây nhiễu càng mạnh lên, khiến hệ thống điều khiển tên lửa bị nhiễu loạn và ra lệnh tự hủy khi nó còn cách xe tăng vài mét.
Lớp giáp thứ hai là hệ thống giáp phản ứng nổ thế hệ thứ ba Relikt có khả năng hấp thụ gần như hầu hết động năng của các tên lửa chống tăng một khi chúng tiếp xúc và phát nổ trên lớp giáp này.
Lớp giáp trong cùng là lớp giáp bảo vệ thế hệ thứ ba hiện đại nhất của Nga, được làm bằng chất liệu tổng hợp gồm kim loại và gốm rất bền chắc, được đánh giá là một tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga.
Đặc biệt, khẩu pháo nòng trơn 125 mm trên T-90MS có hệ thống điều khiển bắn được trang bị ống ngắm nhiệt, thiết bị định tầm bằng laser, cùng thiết bị nạp đạn tự động cho phép T-90SM bắn 4-6 phát/phút vào vị trí mà tên lửa TOW vừa được bắn ra.
Với các xe tăng T-90, Nga dự định sẽ hỗ trợ quân đội Syria tiến công các thành phố Dayr Hafir và Rasm Al Abd, và mở rộng địa bàn ra phía bắc nằm dọc bờ sông Euphrate với mục tiêu kiểm soát các tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu chiến dịch này thành công, nhóm phiến quân IS đang kiểm soát các mỏ dầu ở phía nam Raqqa gồm khoảng 2.500 tên sẽ hoàn toàn bị cô lập với các nhóm phiến quân đang hoạt động ở vùng Allepo. IS sẽ không còn đường tiếp cận với tuyến biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại hai thành phố Jerablus và Ain al. Và như vậy, chiến dịch này cũng chấm dứt hoàn toàn việc buôn lậu dầu của IS sang Thổ Nhĩ Kỳ vốn đem lại cho phiến quân hơn hai tỷ USD trong hơn hai năm qua.
Theo QPAN/VnE