SWIFT – “vũ khí hạt nhân tài chính” phương Tây vừa sử dụng với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ, Canada và các đồng minh phương Tây đã tuyên bố sẽ ngắt kết nối một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.
Người biểu tình giơ tấm biển "Loại Nga khỏi SWIFT" trước Đại sứ quán Nga tại Vienna, Áo (Ảnh: AFP)
Người biểu tình giơ tấm biển "Loại Nga khỏi SWIFT" trước Đại sứ quán Nga tại Vienna, Áo (Ảnh: AFP)

Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.

Trước đó, việc loại Nga khỏi SWIFT đã trở thành điểm gây chia rẽ giữa các nước phương Tây về việc trừng phạt Moscow vì tấn công Ukraine như thế nào. Bộ trưởng Pháp còn gọi hành động này là một “vũ khí hạt nhân tài chính”.

SWIFT là gì?

Đây là mạng lưới tin nhắn kết nối các ngân hàng trên toàn thế giới và được xem như “xương sống” của tài chính quốc tế. Nó kết nối hơn 11.000 định chế tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò như một trung tâm để điều phối các khoản thanh toán xuyên biên giới.

Năm ngoái, hệ thống này đưa ra trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, bao gồm các lệnh mua và xác nhận thanh toán, trao đổi tiền tệ và mua bán. Và hơn 1% trong số đó được cho là có liên quan tới các khoản thanh toán của Nga.

SWIFT đóng vai trò gì trong khủng hoảng Ukraine?

Các nước Đông Âu và Pháp nằm trong số những nước ủng hộ việc trừng phạt Nga bằng cách loại nước này khỏi SWIFT. Dựa trên số lượng ngân hàng Nga mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có kế hoạch nhằm vào, động thái này có thể khiến cho các thực thể Nga khó thực hiện các giao dịch hơn, làm giảm mạnh khả năng giao dịch xuyên biên giới của nền kinh tế Nga.

Khi các nước phương Tây đe dọa sử dụng biện pháp này đối với Nga vào năm 2014 do vấn đề Crimea, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin nói rằng hành động đó có thể làm giảm GDP của họ tới 5% trong vòng 1 năm. GDP của Nga trong năm 2021 là 1,7 nghìn tỉ USD, giúp họ trở thành nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới.

“Các nhà ngoại giao của chúng tôi đã đấu tranh đầy nhiệt huyết suốt nhiều ngày liền, bởi vậy tất cả các nước châu Âu đều nhất trí với quyết định cực kỳ mạnh mẽ này, loại Nga khỏi mạng lưới liên ngân hàng quốc tế” – Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong đêm 26/2.

Có phải tất cả 27 nước EU ủng hộ biện pháp trên?

Câu trả lời là không. Một số quốc gia thậm còn kêu gọi loại Nga hoàn toàn khỏi SWIFT chứ không chỉ dừng ở một số ngân hàng. Nhưng chính phủ Đức hôm 26/2 cho rằng họ chỉ ủng hộ sử dụng biện pháp này theo cách “có mục tiêu và chức năng”. Bởi vậy mà các biện pháp được thông qua vào cuối ngày 26/2 tương đồng với hướng tiếp cận hạn chế mà chính phủ Đức ủng hộ, thay vì có quy mô lớn hơn như các nước khác yêu cầu.

Theo các kế hoạch hiện tại, Nga được cho là vẫn có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu. Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho hay, việc mở rộng lệnh cấm SWIFT đối với Nga có thể gây ra tổn thất cho các doanh nghiệp phương Tây, đặc biệt là các công ty dầu khí lớn. Nhiều ngân hàng ở Mỹ và Đức là những bên thường xuyên sử dụng SWIFT để liên lạc với các ngân hàng Nga, khiến cho 2 nước này đặc biệt dễ chịu tác động bởi biện pháp mới.

Nga có mạng lưới khác thay thế hay không?

Có. Nga đã tạo ra một mạng lưới thay thế, có tên gọi Hệ thống Tin nhắn Tài chính (SPFS), nhưng giới chuyên gia tài chính cho rằng nó chưa đủ để thay thế SWIFT. Cuối năm 2020, hệ thống này mới chỉ có 400 định chế tài chính từ 23 quốc gia tham gia.

Ngoài ra còn phải kể đến Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS). Đây là một mối quan ngại lớn hơn đối với các nước phương Tây, bởi Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, và nếu như nước này củng cố hệ thống thay thế này, nó có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu mà trong đó đồng USD thống trị bị suy yếu, từ đó làm suy yếu các siêu cường phương Tây.

Nếu Nga bị loại hoàn toàn khỏi SWIFT, họ có phải nước đầu tiên?

Không. Các định chế tài chính của Iran đã bị ngắt kết nối khỏi SWIFT vào năm 2012, sau khi EU áp lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này, do chương trình hạt nhân của họ. Hậu quả là, ngoại thương của Iran giảm 30%. Các ngân hàng của Iran chỉ được quyền kết nối lại với SWIFT sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, trong đó cam kết hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân. Iran lại bị loại khỏi SWIFT một lần nữa vào năm 2018 sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy thỏa thuận hạt nhân.