Suy thoái kinh tế toàn cầu đang gần kề nhưng cũng đừng quên 'bom nợ' ở các nước đang phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc nâng lãi suất ở các nước phát triển đang đẩy kinh tế toàn cầu tới bờ vực suy thoái. Các nước đang phát triển được cho là sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất, với nhiều quốc gia đang tiến gần đến mức vỡ nợ. 

Nhiều chuyên gia và tổ chức đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu (Ảnh: EconomicTimes)
Nhiều chuyên gia và tổ chức đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu (Ảnh: EconomicTimes)

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương ở Châu Âu và Anh đang mải mê theo đuổi các chính sách tiền tệ thắt chặt, nổi bật là việc nâng lãi suất, để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo hướng tiếp cận đó có thể đẩy thế giới vào suy thoái, với tăng trưởng kinh tế suy giảm và lạm phát dâng cao.

Báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế toàn cầu (Trade and Development report 2022) mà Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố tiếp tục lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu do các chính sách tiền tệ và tài khoá ở các quốc gia phát triển.

UNCTAD dự báo, các chính sách tiền tệ đang được các nước giàu áp dụng có thể gây nên sự suy thoái kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP được dự báo giảm từ 2,5% (2022) xuống còn 2,2% trong năm 2023.

Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, GDP toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức tiền đại dịch, tương đương với việc kinh tế thế giới mất khoảng 17 nghìn tỉ USD.

"Suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khu vực nhưng tác động nhiều nhất đến các quốc gia đang phát triển. Nhiều nước đang tiến gần tới mức vỡ nợ", UNCTAD cảnh báo.

Theo tổ chức này, thiệt hại của cuộc khủng hoảng này sẽ còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008. Các quốc gia có dấu hiệu lâm vào cảnh túng quẫn trước đại dịch - như: Sri Lanka, Suriname và Zambia - đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ bất ổn kinh tế ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia đang chìm trong nợ nần.

Báo cáo cho biết, các nước đang phát triển đã chi khoảng 379 tỉ USD dự trữ ngoại hối để giảm thiểu đà mất giá của đồng nội tệ, cao gần gấp đôi quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights) mà IMF đã cấp cho họ. Nhưng các nỗ lực này dường như là chưa đủ.

Lãi suất tăng, cùng với nỗi lo về một cuộc suy thoái gần kề, đã khiến cho đồng USD tăng mạnh so với tất các cả đồng tiền khác trong năm nay. Hệ quả là các nước đang phát triển bị đẩy vào thế khó, khi giá hàng hoá nhập khẩu tăng nhanh chóng, và các khoản nợ bằng đồng USD ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Nên biết, 'núi nợ' ở các thị trường mới nổi đã đạt những mốc kỷ lục mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Khi áp lực thanh toán lớn dần, các nền kinh tế mới nổi sẽ không có đủ nguồn vốn sẵn có để đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, giải quyết các vấn đề khí hậu hay xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác, UNCTAD cảnh báo, điều này có thể dẫn tới một giai đoạn đình trệ kinh tế kéo dài.

"Vẫn còn thời gian để chúng ta lùi lại khỏi bờ vực suy thoái", Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhấn mạnh.

Báo cáo mới cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển xem xét lại cách thức chống lạm phát của họ, không chỉ phụ thuộc vào việc nâng lãi suất.

Bà Grynspan khẳng định rằng lạm phát đang diễn ra ở mọi quốc gia hiện nay là bởi “một cuộc khủng hoảng được phân phối,” gây ra bởi các 'nút thắt' trong chuỗi cung ứng - vốn chưa được giải quyết triệt để hậu đại dịch Covid-19.

Bà khuyến khích các nước giàu đầu tư nhiều hơn cho các nước đang phát triển và tối ưu hóa các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Tổng thư ký UNCTAD cũng kêu gọi thêm nỗ lực giảm nợ và tái cấu trúc các gói cứu trợ cho các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ./.

Nguồn tham khảo: Fortune