Sửa đổi Luật Đấu giá Tài sản: Phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản. 
Việc đấu giá biển số xe đã được thí điểm với phương thức trực tuyến
Việc đấu giá biển số xe đã được thí điểm với phương thức trực tuyến

Đó là một trong các nội dung chính yếu trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp vừa hoàn thiện.

Theo Bộ Tư pháp, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục những bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, bền vững của hoạt động đấu giá.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vẫn giữ nguyên các quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá và quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá.

Đề xuất sửa đổi Luật Đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn. Trong đó, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá để tăng cường tính khách quan, minh bạch, bảo mật thông tin, tránh “thông đồng, dìm giá” như công ty mẹ, công ty con, các cá nhân, tổ chức có quyền chi phối cá nhân, tổ chức khác; cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột; việc ủy quyền khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá.

Quy định việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá do người có thẩm quyền thực hiện với thời gian hợp lý, nâng mức tiền đặt trước, có cơ chế đảm bảo cho người trúng đấu giá trong thực hiện nghĩa vụ mua tài sản cũng như chế tài xử lý nghiêm với một số loại tài sản đặc thù như đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp lý giải lựa chọn giải pháp này vì quy định hiện hành về thời gian, địa điểm nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước là chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, đồng thời, các quy định hiện hành về các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá chưa được loại trừ hoàn toàn hiện tượng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật đề xuất quy định thống nhất việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, bỏ quy định về thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình như quy định hiện hành.

“Hình thức thông báo công khai việc đấu giá trên báo in, báo hình theo quy định của Luật Đấu giá tài sản đã không còn phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi, việc tiếp cận thông tin không cao.

Thậm chí một số tổ chức còn lợi dụng quy định về báo in, báo hình để hạn chế thông tin đấu giá, như đăng trên báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ đêm hoặc 1-2 giờ sáng... gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá tài sản”, Tờ trình của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Vì vậy, việc quy định thống nhất thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hiện nay đã cho thấy tính hiệu quả và góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, Luật Đấu giá tài sản mặc dù đã có quy định về hình thức đấu giá trực tuyến nhưng chưa tạo được cơ sở pháp lý đầy đủ để áp dụng mạnh mẽ hình thức này, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc sử dụng thống nhất Trang thông tin điện tử đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giả.

Do đó, Dự thảo Luật đã bổ sung cá quy định nhằm thúc đẩy việc sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến, tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, đảm bảo kết nối thông tin, qua đó, đảm bảo lợi ích nhà nước trong đấu giá tài sản công; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Thực tiễn triển khai quy định của Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh tình trạng các tổ chức đấu giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhất là một số loại tài sản có tính chuyên môn, kỹ thuật cao như quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án...

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều vụ việc đã tổ chức đấu giá thành nhưng người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính, chấp nhận mất tiền đặt trước, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, đòi hỏi cần quy định tăng mức tiền đặt trước lên mức phủ hợp hơn, bổ sung cơ chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và chế tài xử lý đối với việc đấu giá một số loại tài sản đặc thù.