Tại Hội trường Quốc hội sáng nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của của ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về việc chậm tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số. Đại biểu Lý Văn Huấn cho rằng việc này gây lãng phí lớn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Xin nhận trách nhiệm về việc chậm trễ này".
Trả lời chất vấn của đại diện cử tri và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng thông tin, năm 2016 đã cấp dùng đủ tần số và nhà mạng chưa có nhu cầu. Từ năm 2010 đến 2016 hoàn thiện thể chế về về đấu giá tần số và quy hoạch tần số.
Năm 2016, khi doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu, Bộ Thông tin và truyền thông bắt đầu thành lập Ban chỉ đạo bộ máy để thực hiện. Tuy nhiên, sau đó có những luật mới là Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá có hiệu lực trong đó có định cách thức xác định giá và cần Nghị định của Chính phủ chứ không phải là quyết định của Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn của Quốc hội sáng 3/11 |
Bộ TT&TT đã xin phép Thủ tướng Chính phủ xây dựng nghị định và đến năm 2021 đã ban hành Nghị định 88 quy định các tiến trình đấu giá tần số. Hiện Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng là đưa tần số 2G sang làm 3G, 3G sang làm 4G và tốc độ về mạng di động đang đứng thứ 52 trên thế giới.
"Bộ TT&TT xin nhận trách nhiệm về việc chậm trễ này và nay đã đầy đủ điều kiện pháp lý, quý I/2023 sẽ đấu giá xong" - người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã nhấn mạnh rằng băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá. Ông cũng khẳng định giá trị thương mại của băng tần cao nên đấu giá có thể tạo thêm nguồn ngân sách cho nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng.
Vào ngày 21/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật nói trên, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã lý giải về việc tại sao Luật Tần số vô tuyến điện đã ra đời được 13 năm mà Việt Nam vẫn chưa thể tiến hành đấu giá băng tần. Ông Lê Quang Huy cho rằng đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chưa theo kịp quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do Bộ TT&TT chậm trễ trong việc rà soát các quy định mới có liên quan, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản pháp luật để tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện, lúng túng trong xử lý tình huống mới.
Nhìn rộng ra thế giới, từ trước năm 2012, 24 nước châu Âu đã cấp 103 giấy phép sử dụng băng tần, trong đó 58 giấy phép thông qua đấu giá, 48 thông qua thi tuyển. Từ 2016 đến nay qua khảo sát 36 nước (25 nước châu Âu và 11 nước châu Á) thì có tới 33 nước trong số này cấp giấy phép qua đấu giá.
Việt Nam là một trong số các quốc gia chậm trễ nhất thế giới trong đấu giá, cấp phép băng tần. Việc triển khai đấu giá băng tần dự kiến có thể đem về cho ngân sách nhà nước từ 6000 tỉ đến 8000 tỉ đồng (khoảng 350 triệu USD).