Không có quy định pháp luật
Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.
|
Các bạn trẻ học tiếng Anh cùng người nước ngoài.
|
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhà nước chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.
TS. Lê Viết Khuyến chỉ ra, trong Điều 48 của Luật Giáo dục 2019, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng; trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư ; trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư.
Còn trong Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, cũng không quy định về trường quốc tế mà chỉ đưa ra tiêu chuẩn của trường có vốn đầu tư nước ngoài, tên trường, diện tích lớp học…
Bên cạnh đó, các trường quốc tế đang hoạt động hiện nay đều được xếp loại là trường tư thục, được gắn thêm chữ “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài... Một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam.
Đánh vào tâm lý sính ngoại
Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít ngôi trường đã được công nhận, các yếu tố quốc tế trong nhà trường tự xưng là “trường quốc tế” hiện nay rất mập mờ.
TS. Lê Viết Khuyến cho hay, các trường đều xuất hiện với lời giới thiệu "có cánh", quảng cáo về một môi trường học tập tiên tiến, hiện đại với mức học phí cao ngất, dạy học bằng tiếng Anh… Nhưng trong đơn đăng ký thành lập trường có chữ “quốc tế” hay không, sự tham gia của các yếu tố ngoại quốc đến đâu không được chỉ rõ, cũng không có tiêu chuẩn nào để đo lường, không có hành lang pháp lý nào để thực thi.
|
TrườngTiểu học Gateway tự gắn mác trường quốc tế.
|
“Thực tế, khi ngôi trường có tên tiếng Anh hoặc có yếu tố nước ngoài, cộng đồng sẽ hiểu đó là trường quốc tế. Việc này “đánh lừa” xã hội về mặt thương hiệu, đánh vào tâm lý sính ngoại của người dân, cứ có cái chữ "quốc tế" vào là nghe oai hơn hẳn, từ đó người dân cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để con em họ theo học. Đối với người không hiểu biết, họ dễ bị đánh lừa hơn khi nghe thông tin quảng cáo” – TS. Lê Viết Khuyến chỉ ra.
Để các trường tự gắn mác, quảng cáo là “trường quốc tế” còn tồn tại hiện nay, theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) - nguyên nhân chính đến từ sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.
Ngay trong vụ việc của Trường Tiểu học Gateway, cơ quan chức năng biết các trường tự xưng là “quốc tế” tồn tại nhưng không xử lý, đó là minh chứng rõ nhất của việc buông lỏng quản lý hoạt động của trường học có yếu tố nước ngoài hiện nay.
“Việc buông lỏng quản lý đối với trường quốc tế hiện nay có phải do nước ta thiếu quy phạm pháp luật về trường quốc tế? Không phải, chúng ta đã có quy định rồi, nhưng các địa phương có thực hiện theo quy định đó hay không. Họ biết thực tế nhưng cũng không xử lý, tôi cho rằng đó là một sự thật đáng buồn cần phải được khắc phục” – TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ.