Tại sao phi công Phan Cảnh Dần ra sức giúp Lâm Bưu lên máy bay
Lúc này, tại sân bay Sơn Hải Quan, nhân vật quan trọng nhất là Phan Cảnh Dần, người lái chiếc chuyên cơ 256. Theo lời của phi công Khang Đình Từ, Phan Cảnh Dần, Sư đoàn phó Sư đoàn 34 kiêm cơ trưởng của chuyên cơ 256 (Trung đoàn 100 thuộc Sư đoàn 34 chuyên làm nhiệm vụ đặc biệt) bình thường rất ít nói và tính cách hướng nội, nhưng lại có cái đầu lạnh và lúc nguy nan không hoảng hốt. Anh ta dám độc hành giữa đêm khuya, thậm chí không cần thêm hoa tiêu hay phụ lái, chỉ mang theo ba thợ máy bất chấp mọi rủi ro cất cánh thành công, có thể nói điều này đã tạo nên một kỳ tích hiếm có của máy bay vận tải hạng trung. Hẳn ông phải có lý do riêng để làm điều này.
Tại sao Phan Cảnh Dần lại làm điều này? Với việc xuất bản hồi ký của Khang Đình Từ, bí ẩn này có thể được giải thích. May mắn là, Khang không bị Phan đánh thức cùng lên máy bay nên đã giúp chúng ta có thể giải đáp bí ẩn lớn này dựa trên phán đoán của ông. Khang Đình Từ nói ông đã nhiều lần suy nghĩ về vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Phán đoán của ông là trong một thời gian dài, Phan Cảnh Dần đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự tuyên truyền chính trị của Lâm Lập Quả. Ông coi Lâm Lập Quả như hiện thân của Lâm Bưu và tuân theo mệnh lệnh với tầm cao chính trị của “cuộc đấu tranh đường lối”.
Phi công Phan Cảnh Dần, Sư đoàn phó sư 34 kiêm cơ trưởng chuyên cơ 256 (Ảnh: Kanlishi). |
Theo hồi ức của Khang Đình Từ, ngay trước khi xảy ra "Sự kiện ngày 13 tháng 9", Lâm Lập Quả và băng nhóm của anh ta đã truyền bá "lý thuyết phức hợp đấu tranh giai cấp" trong các phi công chuyên cơ, nói rằng Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến và những người khác tại Hội nghị toàn Trung ương 2 (Hội nghị Lư Sơn) đã đối lập với Mao Chủ tịch và Phó Chủ tịch Lâm, đòi giải quyết vấn đề “người đi sau”. Trong quá trình này, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì và những người khác đã gặp gỡ các cán bộ của trung đoàn máy bay chuyên cơ tại sân bay Tây Giao và nêu lên "lý thuyết phức hợp đấu tranh giai cấp" tại cuộc họp. Trong bầu không khí chính trị của phe cực tả, Phan Cảnh Dần tin vào điều này, lúc đó ông ta không biết rằng Lâm Bưu đã bị Mao Trạch Đông phê bình tại Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9. Theo quan điểm của ông, lòng trung thành với Lâm Bưu và Lâm Lập Quả có ý nghĩa trung thành nhất với đường lối của Mao Chủ tịch và là thể hiện sự trung thành chính trị lớn nhất. Trong môi trường của Cách mạng Văn hóa, không có gì ngạc nhiên khi kiểu tư duy chính trị này xuất hiện.
Tóm lại, điều có thể khẳng định là, vào khoảng 11 giờ 30 đêm hôm đó Lâm Lập Quả và Diệp Quần quyết định bay về phía bắc đến Liên Xô ngay lập tức và sau đó khoảng 11 giờ 40 phút đêm, Lâm Lập Quả gọi điện cho Phan Cảnh Dần tại sân bay Sơn Hải Quan từ Bắc Đới Hà. Lâm Lập Quả nói với ông ta qua điện thoại rằng Lâm Bưu chuẩn bị khởi hành từ nơi ở của ông và đi Quảng Châu ngay lập tức. Vì sự an toàn và bí mật tuyệt đối của Thủ trưởng Lâm Bưu, càng ít nhân viên phi hành đoàn tham gia chuyến đi này càng tốt.
Tại sao Lâm Lập Quả lại đưa ra yêu cầu đặc biệt như vậy? Về lí mà nói, đó là để bảo vệ bí mật và an toàn cho hành động của Thủ trưởng. Thực tế là, sau khi Lâm Lập Quả cất cánh, anh ta nhất định dùng súng để buộc Phan Cảnh Dần phải lập tức đổi hướng bay và bay ra khỏi Trung Quốc từ phía nam lên phía bắc. Khi đó, nếu phi hành đoàn là một đội đủ 9 người với số lượng đông đảo, chỉ hai tay súng Lâm Lập Quả và Lưu Bái Phong sẽ không thể kiểm soát được tình hình.
Đoàn công tác hỗn hợp Trung Quốc - Mông Cổ - Liên Xô bên xác chiếc chuyên cơ 256 (Ảnh: Kanlishi). |
Vậy tại sao Phan Cảnh Dần lại đồng ý mang theo càng ít thành viên càng tốt? Mặc dù chuyên cơ số 256 là máy bay vận tải hạng trung, rất khó điều khiển, nhưng Phan Cảnh Dần cho rằng đích đến là Quảng Châu, sân bay Quảng Châu có đầy đủ thiết bị định vị mặt đất và thiết bị dẫn đường bằng ánh sáng, dựa trên trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm của mình, ông ta một mình lái máy bay tới Quảng Châu và hạ cánh an toàn, không có vấn đề gì.
Phan Cảnh Dần tin rằng thời khắc vinh quang để thử thách một đảng viên Cộng sản đã đến. Vì tôn trọng Phó Thống soái và lòng trung thành với chính nghĩa của đảng, ông phải tuân theo chỉ thị của Lâm Lập Quả và đưa Phó Thống soái đến nơi an toàn. Đối với những việc khác, là bí mật hàng đầu của đảng và ông không nên biết. Trách nhiệm của ông là hoàn thành nhiệm vụ quan trọng do Thủ trưởng giao cho.
Theo Khang Đình Từ, trong bầu không khí chính trị lúc bấy giờ, nếu Phan Cảnh Dần có bất kỳ nghi ngờ nào về tính đúng đắn của nhiệm vụ trên chuyên cơ của Lâm Bưu thì đó mới là điều bất thường và trái với logic. Bởi vì sau Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, ngoài việc đóng cửa phê phán Trần Bá Đạt trong nội bộ đảng, không có dấu hiệu nào cho thấy Lâm Bưu có bất kỳ vấn đề gì, thậm chí dù là tin đồn. Lâm Bưu có một vầng hào quang mạnh bao quanh, bất kỳ sự nghi ngờ nào đều là không thể.
Vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 13/9, Phan Cảnh Dần bước ra khỏi phòng điều độ, nhẹ nhàng đánh thức ba người thợ máy đang ngủ trong phòng thứ ba và yêu cầu họ lập tức lên máy bay để chuẩn bị trước khi cất cánh, đồng thời cố tình không gọi 5 người ở phòng khác gồm nhân viên dẫn đường, nhân viên thông tin và phụ lái... Vào lúc này, Phan Cảnh Dần đã quyết định một mình lái máy bay.
Phần buồng lái chiếc chuyên cơ 256 (Ảnh: VCG). |
trở lại phòng của Chủ nhiệm phòng điều độ và ngồi im lặng, một mình canh ba chiếc điện thoại, ông ta cũng canh chừng Chủ nhiệm phòng điều độ, sẵn sàng ngăn cản anh ta đánh thức các thành viên khác qua điện thoại. “Sự tận tâm và trách nhiệm” của Phan Cảnh Dần đã đến mức không thể nói thêm.
Lúc 0 giờ 22, chiếc xe ô tô Đại Hồng Kì màu đen của Lâm Bưu phóng nhanh đến sân bay và dừng lại ở phía sau bên trái chiếc chuyên cơ số 256 trên đường băng. Khi Phan Cảnh Dần nghe thấy tiếng ô tô vào sân đỗ, ông lập tức đứng dậy và chạy thẳng ra máy bay từ phòng điều độ.
Diệp Quần và Lâm Lập Quả đang vô cùng phấn khích, căng thẳng và hoảng sợ. Lâm Bưu vốn là một bệnh nhân không khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. Hơn hai giờ trước, sau khi Lâm Lập Quả trở về Bắc Đới Hà từ Bắc Kinh, người con trai mang đến tai họa cho ông và gia đình bất ngờ nói cho ông biết sự thật về thất bại của cuộc đảo chính ở Bắc Kinh. Sau cú sốc, Lâm Bưu cũng phải đồng ý tới Quảng Châu lánh nạn vào sáng hôm sau. Không lâu sau khi ông ngủ say, Diệp Quần lại đánh thức ông dậy, nói rằng có người đến bắt ông. Dưới ảnh hưởng của bầu không khí hoảng loạn và lo lắng tột độ của Lâm Lập Quả và Diệp Quần, khả năng phán đoán hàng ngày của ông giảm sút và ông trở nên bất lực. Lâm Bưu không đội mũ, trong gió lạnh mùa thu ở Bắc Kinh tháng chín, ông đầu trần, quàng chiếc khăn phụ nữ của Diệp Quần, thở hồng hộc. So với "Chiến thần" chinh chiến trên chiến trường khi xưa, Lâm Bưu lúc này đã là một con người khác hẳn.
Không có thời gian để đưa thang lên máy bay đến và mở rộng cửa khoang. Chỉ có một chiếc thang gấp có sẵn trên máy bay được thả xuống. Diệp Quần lên máy bay trước, Lâm Bưu lúng túng leo lên máy bay khi có người vừa kéo vừa đẩy. Lâm Lập Quả là người cuối cùng lên máy bay với một khẩu súng trên tay.
Máy bay Trident cùng kiểu với chiếc 256 (Ảnh: VCG). |
Máy bay do Phan Cảnh Dần điều khiển đã lao vào đường băng và phóng trong bóng tối mà không có sự hướng dẫn của dãy đèn. Lúc này, 5 thành viên khác biết được tin báo, lập tức dậy chạy đến máy bay nhưng không kịp. Họ đã không lên kịp chuyến bay tử thần này, điều đã trở thành may mắn cả đời của họ.
Xe của Đơn vị 8341 đuổi theo xe của Lâm Bưu, lúc này cũng tới nơi, nhìn thấy chiếc máy bay chuyên cơ số 256 đang tiến về phía đường băng, họ lúng túng, muốn ngăn lại nhưng lại không dám.
Cùng lúc đó, sân bay Sơn Hải Quan cũng nhận được điện thoại từ người phụ trách của đơn vị 8341 từ Bắc Đới Hà, mạnh mẽ yêu cầu ngăn cản máy bay cất cánh. Tuy nhiên, sân bay Sơn Hải Quan và đơn vị 8341 thuộc hai hệ thống riêng biệt và không quen thuộc nhau, có thể coi lệnh này nguồn tin không được xác định và những người nghe điện thoại cũng không thể xác minh thẩm quyền của nó và không thể thực hiện hành động có hiệu lực, dẫn đến hỗn loạn trong sân bay, với một số người đứng nhìn, một số la hét, không có sự chỉ huy thống nhất.
Một số nhân viên hải quân ở sân bay, do không biết Lâm Bưu đang ở trên chiếc máy bay sắp cất cánh, nên mới dám ra ngăn cản, nhưng không biết làm cách nào để ngăn cản.
Trong lúc do dự, các thành viên phi hành đoàn khác không đuổi kịp máy bay đã hét vào xe của các nhân viên hải quân: “Mau chạy thẳng ra phía trước đường băng!”, Nhưng vẫn chậm một bước. Chiếc máy bay 256 lúc này giống như một kẻ say rượu, lao lên vào bầu trời trong bóng tối mà không có ánh sáng mặt đất hướng dẫn. Đó là 00 giờ 32 phút ngày 13 tháng 9. Từ khi xe Lâm Bưu đến sân bay rồi cất cánh chỉ mất mười phút.
Mảnh xác máy bay có số hiệu 256 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Tại sao chuyên cơ số 256 lại rơi ở sa mạc Mông Cổ?
Sau khi chiếc 256 cất cánh, điều gì đã xảy ra trên máy bay? Vì tất cả những người trên đó đều đã vùi thây ở Onduhan, Mông Cổ, chúng ta chỉ có thể đưa ra suy đoán dựa trên những dữ liệu hiện có.
Phan Cảnh Dần cho rằng điểm đến là Quảng Châu. Sau khi máy bay lên trời, lúc đầu nó bay về phía nam, ít lâu sau, Lâm Lập Quả đuổi thợ máy khỏi buồng lái, trong cabin chỉ còn lại Lâm Lập Quả và Phan Cảnh Dần. (Có thể thêm Lưu Bái Phong để tăng áp lực cho Phan Cảnh Dần). Sau khi Lâm Lập Quả đóng cửa cabin, anh ta dùng súng ngắn uy hiếp buộc Phan Cảnh Dần thay đổi hướng bay.
Phan Cảnh Dần không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổi hướng bay và bay về phía bắc. Xem quỹ đạo bay, phải mất 20 phút để điều khiển máy bay chuyển hướng lớn theo hướng bay 325 độ.
Từ đó có thể suy ra rằng chính trong 20 phút này, Phan Cảnh Dần đã phải trải qua một cú sốc tột độ, xung đột nội tâm, lưỡng lự giữa phản kháng và tuân theo, sau khi suy nghĩ phản kháng trực tiếp sẽ dẫn đến hậu quả máy bay rơi và người chết, ông ta bất đắc dĩ phục tùng. Khi đó, quỹ đạo của chiếc chuyên cơ 256 bay trên bầu trời đen kịt giống như một dấu hỏi lớn được viết ngược.
1h55 phút sáng, 83 phút sau khi cất cánh, chiếc chuyên cơ số 256 bay qua cột mốc biên giới số 44 ở biên giới Trung-Mông thì gặp sự cố nghiêm trọng: khi máy bay cất cánh, nhiên liệu chỉ còn 12,5 tấn. Sau khoảng thời gian bay này, khi bay ra khỏi nước, máy bay chỉ còn khoảng 5 tấn nhiên liệu, ngay cả trong điều kiện bình thường, máy bay cũng chỉ bay được thêm bốn mươi phút nữa. Lượng nhiên liệu này chắc chắn sẽ không thể bay đến Irkutsk, nếu tiếp tục bay về phía bắc thì sẽ là vùng rừng núi Siberia, ở nơi hoang vu đó, không thể hạ cánh khẩn cấp ngoài sân bay thành công vào ban đêm.
Thi thể các nạn nhân bị văng ra và bị thiêu cháy (Ảnh: Kanlishi). |
Vậy, bay đến Ulaanbaatar thay vì Irkutsk thì sao? Khi bay ra khỏi mốc số 44 ở biên giới Trung Quốc, còn khoảng 510 km nữa là đến Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, nếu máy bay Trident bay ở độ cao bình thường từ 9.000 đến 10.000 mét, là độ cao kinh tế tiết kiệm nhiên liệu nhất, nó sẽ miễn cưỡng tới được Ulaanbaatar. Tuy nhiên, để tránh bị radar phát hiện, chiếc chuyên cơ số 256 luôn bay ở độ cao chỉ 3.000 mét, lượng nhiên liệu tiêu hao lớn hơn rất nhiều so với chuyến bay bình thường ở độ cao 10.000 mét, về cụ thể thì phi công không nắm được nhưng với nhiên liệu hiện có chắc chắn sẽ không đến được Ulaanbaatar.
Vì không có sự phối hợp với hoa tiêu, thông tin viên và phi công phụ, Phan Cảnh Dần thậm chí không biết phương vị chính xác của sân bay.
Tình huống mà chiếc chuyên cơ của Lâm Bưu gặp phải lúc này là vào lúc nửa đêm khuya khoắt, mức nhiên liệu đã báo động, không cách nào hạ cánh, không thể liên lạc, tiến thoái lưỡng nan, thực tế là đang ở trong tình trạng lạc đường. Cách duy nhất là sử dụng lượng nhiên liệu ít ỏi còn lại trên máy bay để tìm địa điểm hạ cánh bằng phẳng nhất có thể trong vùng hoang vu tăm tối trong một khoảng thời gian giới hạn, và tìm kiếm một cơ hội sống nhỏ nhoi trong cuộc hạ cánh bắt buộc khủng khiếp. Có vẻ như ông ta chỉ có thể tìm thấy một nơi thích hợp để hạ cánh khẩn cấp xuống thảo nguyên hoang dã Onduhan.
Khả năng thất bại khi hạ cánh bắt buộc rất cao vì cánh của máy bay Trident nằm dưới bụng máy bay. Khi hạ cánh bắt buộc, cánh gần như nằm tiếp đất trước và máy bay rất dễ bị lật. Do không có người lái phụ trợ giúp, chỉ một người điều khiển chiếc máy bay cỡ lớn lại không có đèn báo mặt đất để dẫn đường cũng như không có mặt đất bằng phẳng. Đối với phi công, tiếp tục bay nhất định sẽ chết, và khi hạ cánh bắt buộc cũng chỉ có một phần nghìn cơ hội thành công.
Đây là thực tế phũ phàng do hành động liều lĩnh và thiếu hiểu biết của Lâm Lập Quả và Diệp Quần gây ra. Lúc này, Lâm Lập Quả cũng buộc phải đồng ý hạ cánh khẩn cấp xuống vùng thảo nguyên hoang vu Onduhan. Có thể nói, khi chiếc chuyên cơ số 256 cất cánh, đã chắc chắn là tất cả những người nó chở theo sẽ chết thảm.
Nấm mồ chung chôn 9 người bị tử nạn với tấm bia ghi "Mộ những người tử nạn ngày 13 tháng 9" (Ảnh: Deutsche Welle). |
Vào lúc 2 giờ 27 phút sáng ngày 13 tháng 9 năm 1971, sau khi trượt được khoảng 200m trên mặt đất, máy bay chạm đất từ đuôi, đây là động tác cần thiết cho một cuộc hạ cánh bắt buộc, tuy nhiên, do không hiểu điều kiện mặt đất vào ban đêm, góc tiếp đất quá lớn máy bay lại bật lao lên trời. Khi máy bay tiếp đất lần thứ hai, cánh của nó chạm đất và mất thăng bằng, sau khi loạng loạng trượt trên mặt đất khoảng 200 m, nó lại bật lên và máy bay bị lật và cú va chạm mạnh khiến máy bay nổ tung. Do lượng nhiên liệu còn lại nhiều hơn dự kiến của phi công nên máy bay bốc cháy trên diện rộng, cú va chạm cực mạnh đã hất tung cả 9 người ra khỏi khoang, cả 9 người đều thiệt mạng trong vụ cháy, các thi thể nằm rải rác trên cánh đồng rộng lớn.
Toàn bộ câu chuyện thảm họa của chuyến bay này thực ra rất đơn giản, có thể tóm gọn trong ba câu, đó là: Khi Lâm Lập Quả ra lệnh cho máy bay cất cánh, anh ta không biết rằng chuyên cơ 256 không có đủ lượng xăng để bay đến Liên Xô.
Và Phan Cảnh Dần không biết Lâm Lập Quả đang có ý định trốn tới Liên Xô. Ông luôn nghĩ rằng chuyến bay này là đến Quảng Châu nên xăng trong máy bay cũng đủ, nếu thực sự không đủ, ông vẫn có thể đổ xăng ở sân bay dọc đường nên ông cứ cất cánh.
Khi lên trời, vì thiếu xăng, đành phải liều mình hạ cánh khẩn cấp xuống khu vực cồn cát ở cao nguyên Mông Cổ. Do các điều kiện khác nhau nêu trên, xác suất hạ cánh khẩn cấp thành công xuống vùng núi vào ban đêm gần như bằng không.
Kết quả là, Onduhan đã trở thành nơi kết thúc cuộc sống của gia đình, đoàn tùy tùng và phi hành đoàn vô tội của Lâm Bưu.
Trên thực tế, sau này mọi người mới biết có một sân bay quân sự nhỏ ở gần Onduhan, cách nơi chiếc máy bay rơi chỉ mười phút bay, nhưng lúc đó, trong buồng lái, Phan Cảnh Dần nhìn ra ngoài cửa sổ tối đen, làm sao anh ta có thể biết được? Cho dù có biết, hậu quả cũng sẽ không khác biệt lắm, bởi vì trên đường băng bằng đất đá của sân bay nhỏ cũng không có đèn dẫn đường. Đương nhiên đây đều là những lời nói về sau.
(Kỳ tới: Tổng kết về Sự kiện Lâm Bưu và những điều rút ra)