|
Startup Việt cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hóa Kỳ lân |
Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, một khu vực với 650 triệu người tiêu dùng năng động cùng tốc độ phát triển công nghệ nhanh “chóng mặt”. Số lượng người dùng Internet ở Đông Nam Á hiện nay còn lớn hơn dân số nước Mỹ. Đông Nam Á đã thoát khỏi cái mác “vùng nông nghiệp” khi các quốc gia thành viên đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây. Theo một báo cáo của công ty tư vấn kinh tế McKinsey&Co công bố hồi tháng 9 vừa qua, thì 8 nền kinh tế Đông Nam Á trong đó có Việt Nam nằm trong số 18 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong 50 năm qua, và có thể tăng gấp đôi GDP lên thành 5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
Kỳ lân là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 bởi Aileen Lee – một nhà đầu tư. Khi liệt kê một danh sách các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD, cô Aileen Lee đã sử dụng thuật ngữ Unicorn (Kỳ lân) để mô tả sự hiếm có của các công ty này. Từ đó về sau, Kỳ lân được sử dụng để nói đến các startup có giá trị trên 1 tỷ USD. Theo CrunchBase, công ty chuyên dữ liệu về startup, thế giới hiện có khoảng 279 startup Kỳ lân |
Cũng theo Tech in Asia, Việt Nam năm ngoái đã thu hút được 61,5 triệu USD đầu tư cho các startup. Nhưng theo báo cáo khởi nghiệp thường niên của Topica Founder Institute thì số tiền đầu tư vào startup Việt Nam đạt gần 300 triệu USD, tăng 42% so với năm 2016. Ước tính tại Việt Nam cứ 58 nghìn người dân thì có một công ty khởi nghiệp.
Những rào cản đối với các startup Việt muốn trở thành Kỳ lân
Con số 1 tỷ USD luôn là một ngưỡng cản đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào bởi đây là một trị giá rất lớn, mà trong giới khởi nghiệp, ít có công ty nào được đón sinh nhật lần thứ hai. Theo một thống kê không chính thức thì có 80% các startup phá sản ngay sau năm đầu tiên khởi nghiệp.
Malaysia là một quốc gia phát triển hơn Việt Nam, nhưng Malaysia cũng chưa có một startup kỳ lân nào. Tại Đông Nam Á, Singapore có 9 startup Kỳ lân và Indonesia có 4.
Một trong những rào cản đối với các startup Việt Nam là nguồn vốn đầu tư. Ở Việt Nam có tương đối ít quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Quỹ thì ít, mà tâm lý người Việt là muốn đầu tư cho một startup đã có sản phẩm “hòm hòm”. Ngược lại, ở phương Tây, chỉ cần có ý tưởng và trình bày tốt là họ có thể gọi vốn.
Anh Aaron Everhart, thành viên sáng lập Hatch! Program – một tổ chức phi lợi nhuận đỡ đầu các dự án khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam chia sẻ trên tờ Doanh nhân Sài Gòn rằng: “Ở Việt Nam, không hệ thống đầu tư cá nhân nào tồn tại để cung cấp vốn hạt giống (khoản tiền dưới 100.000 USD) trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp. Nếu muốn huy động vốn bên ngoài gia đình, bạn không còn chỗ nào để nhờ cậy. Bạn không thể vay vốn ngân hàng, còn những tổ chức đầu tư vốn mạo hiểm và những nhà đầu tư cá nhân không muốn những thương vụ nhỏ như thế”.
Ông Phạm Kim Hùng, nhà sáng lập Tech Elite có cùng quan điểm. Ông Hùng cho biết: “Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số”.
Còn theo cô Retno Dewati – Giám đốc chi nhánh Đông Nam Á của Quỹ đầu tư Fenox Venture Capital (Indonesia) thì một hạn chế lớn của startup Việt là trình độ ngoại ngữ. Cô Dewati đã tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Việt, nhưng họ không thể trình bày bằng tiếng Anh rằng họ đang có gì và họ muốn gì. “Nếu bạn không thể nói cho nhà đầu tư hiểu thì làm sao bạn có thể gọi vốn?”, cô Dewati nói.
|
Cô Retno Dewati, Giám đốc chi nhánh Đông Nam Á của Fenox Venture Capital
|
Hạ tầng công nghệ và chính sách cho startup ở Việt Nam cũng chưa thực sự thuận lợi, nên nhiều startup Việt đã chọn Singapore hay Silicon Valley là nơi đặt trụ sở. Chẳng hạn những startup thành công và đang tạo dựng được tên tuổi như Kyber Network của CEO Lợi Lưu hay Abivin của Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đều đặt trụ sở ở Singapore, Got It! Của Trần Việt Hùng đặt ở Silicon Valley, Mỹ.
Sự non kém về kiến thức và kinh nghiệm cũng là một rào cản không nhỏ đến sự phát triển của mỗi công ty khởi nghiệp. Ông Ngô Xuân Huy, đồng sáng lập Money Lover khuyên các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp nên dành từ 3-5 năm đi làm cho các tập đoàn để học hỏi chuyên môn, kỹ năng mềm rồi mới về gây dựng cơ nghiệp.
Hơn nữa, văn hóa của người Việt là không phản kháng lãnh đạo, mọi người coi cấp trên luôn đúng nên họ không phản biện các ý tưởng của sếp. “Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp quản lý những người chỉ biết vâng lời, đó là vấn đề lớn”, anh Everhart nhận định.
Có cơ hội nào để startup Việt biến thành Kỳ lân không?
|
Đại diện các quỹ đầu tư khởi nghiệp ở Đông Nam Á nói về triển vọng của các startup Việt Nam
|
Câu trả lời là “Có”. Đây là nhận định của một số lãnh đạo các quỹ đầu tư mạo hiểm khi tham gia thảo luận tại một sự kiện về startup do Innovatube tổ chức.
Theo cô Retno Dewati, mặc dù còn những hạn chế về ngoại ngữ, nhưng lãnh đạo các startup Việt rất năng động, ham học hỏi, nắm bắt tốt về công nghệ. Việt Nam là nước có dân số trẻ, quy mô dân số chỉ đứng sau Indonesia, nên ở Đông Nam Á “Việt Nam là nơi lý tưởng để đầu tư” – cô Dewati nói.
Cô Dewati thậm chí còn nhấn mạnh rằng Việt Nam có thể trở thành một “trung tâm công nghệ tiếp theo của Đông Nam Á”.
Vào năm 2014, World Startup Report từng định giá công ty VNG hơn 1 tỷ USD, đồng nghĩa với VNG là startup Kỳ lân duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Ông Sai Kit Ng, Giám đốc điều hành quỹ Captii Ventures (Singapore) nhận định rằng các bạn trẻ Việt Nam rất giỏi công nghệ. Đây là một lợi thế của họ. Điều mà startup Việt cần quan tâm hiện giờ không phải là công nghệ, mà là “tự tin vào chính mình”. Ông Sai Kit nói rằng nếu phải chọn một team làm việc lý tưởng thì sẽ lấy đội làm công nghệ từ Việt Nam, đội tiếp thị từ Thái Lan và đội kinh doanh từ Singapore. “Việt Nam có nhiều người giỏi đang làm việc ở nước ngoài. Các bạn cần có những chính sách để khuyến khích họ quay trở về”, ông Sai Kit Ng nói.
Ông Hajime Hotta, nhà sáng lập của Innovatube – một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Đông Nam Á – nói rằng các startup Việt Nam rất mạnh về công nghệ. Có một số startup làm về AI rất đáng chú ý. Họ đang hợp tác với đối tác Nhật Bản trong một số dự án áp dụng công nghệ cao.
Sau VNG, Việt Nam có một số startup có khả năng trở thành Kỳ lân nếu họ tiếp tục tung ra các sản phẩm và dịch vụ hữu ích. Có thể kể đến Foody – một trong những công ty khởi nghiệp thành công khi thu hút được nguồn vốn tài trợ từ SEA (tên mới của Garena), Cyberagent Ventures và Pix Vine Capital. Hay như Tiki – một công ty thương mại điện tử cũng đã hút được khá nhiều vốn ngoại từ Seedcom, Cyberagent Ventures, Sumitomo Corporation và JD.com. Là một trong bốn nhà bán lẻ thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, Tiki có nhiều lợi thế để tận dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào startup Đông Nam Á.
Ngoài ra còn có những tên tuổi tiềm năng khác như Logivan – startup kết nối xe tải, Kyber Network – nền tảng giao dịch phân cấp tài sản kỹ thuật số, Vntrip, Luxstay – dịch vụ đặt phòng trực tuyến.
Có thể nói, với những chính sách ngày một tốt hơn từ phía Chính phủ cùng cơ sở hạ tầng công nghệ ngày một tốt hơn, hy vọng sẽ có nhiều startup Việt hóa Kỳ lân trong tương lai không xa.
Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ công bố mục tiêu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp Việt Nam, từ 500 nghìn lên tới 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Chính phủ đã tài trợ sáng kiến Thung lũng Silicon Việt Nam để hỗ trợ pháp lý và tài chính cho 2.600 startup trong 10 năm tới. Việt kiều cũng được nới lỏng visa, họ có thể lấy lại quyền công dân Việt Nam theo một số điều kiện cụ thể và được miễn thuế một số dự án đầu tư. |