Trong xã hội hiện đại, ngân hàng là nơi giúp việc chuyển tiền, thanh toán và cho vay trở nên tiện lợi hơn. Khi công nghệ ngày càng ăn sâu vào đời sống con người, các tổ chức tài chính bắt buộc phải liên tục đổi mới.
Nhiều ngân hàng khu vực Đông Nam Á đã tạo ra các ứng dụng tài chính hướng tới giới trẻ, những người truy cập Internet trên thiết bị di động nhiều hơn bất kỳ ai. Cuối tháng 9.2018, DHL đã tiếp bước Grab và Go-Jek (công ty mẹ của Go Viet) cho ra mắt dịch vụ mới, cho phép những người không có tài khoản ngân hàng tại Đông Nam Á mua hàng online theo kiểu COD (thanh toán khi nhận hàng) xuyên biên giới.
Bất chấp nỗ lực nói trên, mức độ thâm nhập của ngành ngân hàng tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn thấp, với chỉ 47% dân số có tài khoản ngân hàng. Số người không dùng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam và Indonesia lần lượt là 65% và 52%. Con số này lên tới 77% ở Philippines, theo khảo sát gần đây của Bangko Sentral Pilipinas. Làm sao để xâm nhập thị phần này?
Xây dựng mạng lưới giao dịch ngoại tuyến
“Nguồn cung của các ngân hàng không thể đáp ứng nổi số lượng người dùng đang ngày một gia tăng.” Hendra Kwik, CEO của Payfazz, một nền tảng di động cung cấp các dịch vụ tài chính, nói về hệ sinh thái ngân hàng ở Indonesia.
Hầu hết người dân Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung đều ưu tiên trữ tiền mặt, tiếp cận khách hàng chỉ bằng công nghệ không chưa đủ. Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính tại Đông Nam Á cần phải tinh chỉnh sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc họ cần phải xây dựng một hệ thống quầy giao dịch ngoại tuyến (offline) vững mạnh.
Cách Payfazz đang làm chính là "số hóa" lượng tiền mặt của khách hàng bằng mạng lưới giao dịch ngoại tuyến.
Đi tìm phương pháp đo điểm số tín dụng mới
Không chỉ người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng là nhóm đối tượng thiếu thốn dịch vụ tài chính. Chỉ 33% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á có thể tiếp cận với vay vốn tín dụng. Điều này cản bước họ thực hiện các kế hoạch tăng trưởng hiệu quả hay mở rộng quy mô ngay khi nhu cầu khách hàng tăng lên.
Tuy vậy, dư địa cho tín dụng doanh nghiệp tại khu vực này còn rất lớn. “Đông Nam Á có 78 triệu doanh nghiệp nhỏ, con số này cao gấp ba lần so với Mỹ,” Andrea Baronchelli, giám đốc điều hành của Aspire, một công ty Singapore chuyên cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho hay.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không được ngân hàng duyệt vay bởi thiếu lịch sử tín dụng và tài sản thế chấp. Để giải quyết hai vấn đề này, Aspire đánh giá rủi ro dựa trên các dữ liệu phi truyền thống, bao gồm các thông tin giao dịch, dữ liệu từ phần mềm kế toán trực tuyến, đánh giá trên các website và mạng xã hội, đồng thời xem xét các hoạt động xã hội…, từ đó tính điểm số tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này có thể được thực hiện đều nhờ sự phát triển của internet. Hệ thống toàn cầu này chính là một nguồn thông tin cực kì dồi dào và đa phần đều không tốn phí để tiếp cận. Tổ chức tài chính có thể xác định tình trạng của doanh nghiệp dựa trên phản hồi, đánh giá của khách hàng cũng sức hút của tài khoản công ty trên mạng truyền thông xã hội. Những tổ chức tín dụng hoàn thiện được phương pháp khai thác dữ liệu mới này sẽ nắm được lợi thế cạnh tranh quan trọng trong tương lai.
Sự nhanh nhạy
Nhu cầu thị trường luôn thay đổi, vậy nên rất nhiều doanh nghiệp SMEs cần dòng vốn lưu chuyển gấp để đáp ứng những biến động trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình cho vay của các ngân hàng lại thường mất nhiều tuần lễ. Các giải pháp đẩy nhanh tốc độ xác minh tín dụng và xử lý tín dụng chính là chìa khóa giúp cách mạng hóa phương thức cấp vốn truyền thống, giúp các doanh nghiệp khai thác được hết tiềm lực đang có.
Patrick Lynch, giám đốc điều hành của First Circle, một công ty khởi nghiệp của Philippines chuyên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết: “Một khoản vay ngân hàng truyền thống đòi hỏi hai bên gặp mặt nhiều lần và xử lý thủ tục trong nhiều tháng trời. First Circle sử dụng kết hợp lịch sử giao dịch và dữ liệu hệ thống để tìm hiểu hoạt động cũng như cách thức tương tác với đối tác của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó cắt giảm toàn bộ quá trình cho vay xuống chỉ còn 3 ngày.”
Ngoài ra, các tổ chức tài chính có thể đổi mới nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như thực hiện tự động hóa phân tích dữ liệu, để duy trì sự nhanh nhạy. Việc kết hợp các nền tảng đám mây và đơn giản hóa các quy trình đưa ra quyết định cũng sẽ trở thành những vũ khí sắc bén trên đường đua cạnh tranh khốc liệt của ngành tài chính.
Nền kinh tế mạng tại khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm tới, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng sẽ khắt khe hơn. Chính vì thế, thích ứng nhanh chóng với nhu cầu luôn biến đổi của người tiêu dùng chính là lợi thế cạnh tranh cho các công ty và tổ chức tài chính vừa khởi nghiệp, bởi như Charles Darwin đã nói: "Kẻ sống sót không phải là kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là kẻ thích nghi tốt nhất."