|
Các thiết bị điện tử được sử dụng trên Trái Đất dễ dàng gặp trục trặc khi ở trên vũ trụ, nơi bức xạ vũ trụ và nhiệt độ khắc nghiệt có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc phức tạp bên trong vi mạch. Điều này có thể khiến các vệ tinh trên quỹ đạo không thể vận hành ổn định.
“Chúng tôi mang đến các giải pháp để bảo vệ những thiết bị điện tử này khỏi sự cố ngoài không gian", Wei Shu, tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện từ đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore, cho biết.
Sau một thập niên nghiên cứu về vi mạch bán dẫn (IC), Wei Shu đã phát triển thành công những IC có khả năng chống chịu bức xạ.
Các vi mạch bán dẫn này được tiếp xúc với nguồn bức xạ để giảm thiểu khả năng hư hỏng khi ra ngoài không gian. Năm 2019, Wei Shu tách dự án nghiên cứu ra khỏi NTU và thành lập công ty riêng, lấy tên là Zero-Error Systems (ZES).
Kể từ đó, ZES đã vươn mình trở thành cái tên mới nổi trên thị trường công nghệ tiên phong tại Singapore, kinh doanh trong lĩnh vực yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu như hàng không vũ trụ.
Startup này sản xuất những vi xử lý có độ tin cậy cao với tỷ lệ lỗi phần mềm hoặc lỗi gián đoạn tín hiệu “cực thấp”. Qua 1 tỉ giờ hoạt động, những vi xử lý này chỉ ghi nhận 10 lỗi phần mềm và được trang bị cho các hệ thống con vệ tinh, máy tự hành và các thiết bị khác.
Tháng 6/2023, ZES đã huy động thành công 7,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư, gồm Airbus Ventures và văn phòng gia đình Dart. Trước đó, vào năm 2020, startup về lĩnh vực hàng không vũ trụ đã thực hiện vòng gọi vốn trị giá 2,5 triệu USD do Airbus Ventures dẫn đầu. Như vậy, tổng số vốn công ty có trụ sở Singapore đã huy động được lên hơn 10 triệu USD.
Nhiều nước trên thế giới và các doanh nghiệp đang đổ xô vào lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ có sẵn.
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation, chi tiêu toàn cầu cho ngành công nghiệp vũ trụ trong năm 2021 đạt 469 tỉ USD và được dự báo đến năm 2026, con số này sẽ nhảy vọt lên hơn 634 tỉ USD. Phần lớn khoản tài chính này dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vũ trụ, công nghệ kết nối viễn thông, hệ thống vệ tinh quan sát trái đất và du lịch ngoài không gian.
ZES cho biết công ty có lợi thế lớn về giá thành. Các vệ tinh lớn của chính phủ có thể có giá lên tới 1 tỉ USD, trong khi các vệ tinh thương mại ở quỹ đạo thấp của Trái đất có giá chưa đến 100.000USD, theo một báo cáo của McKinsey vào tháng 11 năm ngoái.
Các công ty thường sử dụng hàng nghìn vệ tinh cùng lúc để tạo thành “siêu chòm sao”, chẳng hạn như Starlink của SpaceX và Kuiper của Amazon.
"Đối với khách hàng, chúng tôi đã cho họ niềm tin rằng công nghệ mới có thể mang lại hiệu suất tương tự như những thiết bị đắt tiền mà các tập đoàn lớn đang cung cấp cho họ,” Hwai Lin Khor, Phó chủ tịch kinh doanh cho biết phát triển của ZES, nói.
Thị trường chất bán dẫn tiêu dùng được sử dụng trong điện thoại và máy tính có tính cạnh tranh rất cao. Vào tháng 5/2023, giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất chất bán dẫn Nvidia của tỷ phú Jensen Huang lần đầu tiên chạm mốc 1 nghìn tỉ USD.
Tuy không dễ để gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, nhưng ZES kỳ vọng các sản phẩm có mức độ ổn định cao và độc đáo của mình, mang lại lợi thế cho công ty để trở thành giải pháp thay thế cho các thiết bị điện tử tại trái đất.
Trong tương lai, công ty khởi nghiệp cho biết các giải pháp quản lý năng lượng ngoài trái đất sẽ có thể được “tùy chỉnh cho các ứng dụng trên Trái đất” như điện thoại thông minh, thiết bị đeo tay thông minh và thiết bị IoT. Cho đến nay, sản phẩm IC của hãng đã được sử dụng cho robot trong các lĩnh vực tiếp xúc với bức xạ, như lò phản ứng hạt nhân. ZES đã nộp khoảng 26 bằng sáng chế ở Mỹ, Châu Âu và các thị trường mà công ty kinh doanh./.
Nguồn tham khảo: Forbes