Sống sót từ "cửa tử" sau 3 lần ngừng tim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù bị viêm cơ tim cấp, nhiều lần ngừng tim, không đáp ứng với thuốc điều trị nhưng người phụ nữ 31 tuổi đã sống sót một cách kỳ diệu nhờ nỗ lực của các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng sử dụng ECMO để cứu sống bệnh nhân H. (Ảnh - BVCC)
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng sử dụng ECMO để cứu sống bệnh nhân H. (Ảnh - BVCC)

Bệnh nhân H.B.H., 31 tuổi, sống tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng bị viêm cơ tim cấp, nhiều lần ngưng tim và kháng trị với các phương pháp hồi sức thông thường. Khi ở nhà, bệnh nhân liên tục bị mệt, khó thở và ngất nên gia đình đã đưa chị H. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng để cấp cứu.

Khi vào Khoa Cấp cứu tổng hợp của Bệnh viện, tình hình chị H. ngày càng xấu vì bị choáng nặng, ngưng tim, phải thở máy. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho chị để trái tim đập trở lại. Nhưng, một lần nữa tim chị lại ngừng đập. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu và đưa bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc.

Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, chị H. lại ngừng tim lần thứ 3. Các bác sĩ đã hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân bằng các biện pháp thông thường khoảng 15 phút nhưng không hiệu quả. Vì thế, BS. Mạch Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện - quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhân. Điều khó khăn nhất trong tình huống này chính là tim của bệnh nhân vẫn chưa đập trở lại. Do đó, các bác sĩ đã cấp cứu, ép tim song song với can thiệp ECMO.

Sức khoẻ của chị H. ổn định sau phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Sức khoẻ của chị H. ổn định sau phẫu thuật (Ảnh - BVCC)

Sau 45 phút chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống cho bệnh nhân, các bác sĩ đã vỡ oà trong hạnh phúc khi tim của bệnh nhân đập trở lại bình thường, huyết áp ổn định.

Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân được ngưng ECMO. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, sức khỏe hồi phục. Dự kiến 1 tuần sau bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Theo BS. Mạch Văn Quang, mặc dù ê kíp phẫu thuật đã làm chủ được kỹ thuật ECMO và thực hiện thành công nhiều trường hợp bệnh nặng, nhưng chị H. là một trường hợp đặc biệt khiến Bệnh viện phải huy động nhiều bác sĩ, điều dưỡng mới cứu sống được.

Sau phẫu thuật, chị H. xúc động nói: “Hiện tại, tôi đã khỏe trở lại. Khi tôi ngất xỉu, tôi không biết xung quanh như thế nào. Đến lúc tỉnh lại, thấy trên người toàn máy móc, các bác sĩ tích cực điều trị thì tôi cảm nhận được tình trạng bệnh của mình rất nặng. Nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng mà những ngày qua sức khỏe của tôi đã tốt lên. Được gặp lại gia đình, tôi không biết phải đền đáp các bác sĩ và Bệnh viện như thế nào. Tôi chỉ biết gửi lời cám ơn đến tất cả y, bác sĩ tại Bệnh viện đã cứu sống tôi”.