Đó là chị H.T.T., sống ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, sinh con thứ 3, được chẩn đoán: sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.
Mới chỉ nhìn con qua ảnh
Trao đổi với PV VietTimes, chị T. chia sẻ, buổi sáng ngày 3/4, chị có triệu chứng vỡ ối, chảy máu nên đã được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để đẻ. “Lúc đó, tôi bị bất tỉnh nên từ lúc lên bàn đẻ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đến khi vào Bệnh viện Bạch Mai thì tôi không còn nhớ gì nữa. Đến khi tỉnh dậy, thì có chồng và mẹ bên cạnh tôi để động viên.” – chị T. nói.
Chị T. nhớ lại thời điểm đối diện với tử thần. Ảnh: Minh Thúy
|
Chị T. tâm sự, câu đầu tiên chồng chị hỏi đó là: “Em có biết em vừa mới thoát chết không? Khi nghe được câu hỏi đó tôi mới biết mình vừa mới thập tử nhất sinh, vượt qua lưỡi hái của tử thần và sinh con thành công. Tôi thực sự rất vui mừng và cảm thấy nghẹn ngào vì nhờ có các bác sĩ mà tôi đã được cứu sống và sinh con khỏe mạnh.”
Với sự giúp đỡ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, bé gái (con thứ 3 của chị T.) đã chào đời khỏe mạnh. Từ hôm vào Bệnh viện đến nay, chị T. mới chỉ được nhìn con qua ảnh
BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai – người trực tiếp điều trị cho sản phụ - cho biết, khi các bác sĩ tiến hành mổ là chị T. bắt đầu tụt huyết áp, tim đập rời rạc. Nếu không nhanh chóng cấp cứu sẽ không thể cứu được cháu bé và cả mẹ và bé đều gặp nguy hiểm.
2 tiếng chiến đấu với tử thần
Theo BS. Nguyễn Văn Chi, trong điều kiện bình thường khi chưa bị cách ly thì hàng ngày chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, sản phụ T. vào khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong một tình huống vô cùng khó khăn. Đó là các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu đang bị cách ly và gặp nhiều khó khăn khi cả Bệnh viện bị phong tỏa vì COVID-19.
Khi nhận được thông tin về sản phụ T. ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tôi cùng nhóm cấp cứu đã ra vùng đệm để đón bệnh nhân. Ngay khi bệnh nhân từ trên xe xuống thì đã bị ngừng tim. Ngay lập tức, nhóm cấp cứu đã thực hiện ép tim trực tiếp trên cáng của người bệnh.
“Chúng tôi đã ép tim cho bệnh nhân trong 60 phút nhưng không thấy tim đập lại. Lúc đó, tôi cũng các bác sĩ vẫn giữ niềm tin bệnh nhân hoàn toàn có thể nỗ lực được. Bởi hình ảnh nhịp tim trên điện tim tốt, bắt mạch tốt. Thực tế, theo quy chế của bệnh viện qua 60 phút ép tim mà không có kết quả thì bệnh nhân sẽ được coi là đã tử vong.” – BS. Chi nói.
BS. Nguyễn Văn Chi thăm hỏi tình hình sức khỏe của sản phụ T. Ảnh: Minh Thúy
|
May mắn thay, trời đã không phụ lòng các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 2 tiếng ép tim liên tục, nỗ lực không ngừng nghỉ, tim của sản phụ đã dập trở lại. Đây là lần ép tim dài nhất và đạt được mức độ phục hồi tuần hoàn như một kỳ tích ngoài đời thực.
BS. Chi chia sẻ: Ê kíp cấp cứu cho sản phụ có 11 người tham gia, từ hơn 14h chiều ngày 3/4 đến sáng ngày hôm sau, các bác sĩ đã chiến đấu liên tục để giành giật sự sống cho sản phụ.
Hiện, sản phụ T. đã dần bình phục, có thể đứng dậy và đi lại bình thường. Chị T. đang được các bác sĩ tích cực điều trị tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai để ra viện gặp con trong thời gian sớm nhất.