Sóng “chậm” cổ phiếu ngân hàng

Trong các đợt lên xuống của VN-Index, cổ phiếu ngân hàng bao giờ cũng đóng vai trò chủ chốt, không chỉ bởi mức vốn hóa lớn của các ngân hàng như VCB, BID, CTG mà còn vì thị giá cổ phiếu tổ chức tín dụng phản ánh cả những chuyển động bề nổi, cũng như chuyển động phía sau của hoạt động ngân hàng.
Thị giá cổ phiếu tổ chức tín dụng phản ánh cả những chuyển động bề nổi cũng như chuyển động phía sau của hoạt động ngân hàng. Ảnh minh họa Lê Toàn.
Thị giá cổ phiếu tổ chức tín dụng phản ánh cả những chuyển động bề nổi cũng như chuyển động phía sau của hoạt động ngân hàng. Ảnh minh họa Lê Toàn.

Những tháng qua, trong khi các cổ phiếu ngân hàng khác có thời điểm lên đến đỉnh của năm, rồi sau đó điều chỉnh, riêng cổ phiếu STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank) chỉ một chiều đi xuống, giá từ 13.100 đồng ngày 4-11-2015 rớt còn 10.900 đồng/ngày 1-12-2015. Ba tháng trước, ngày 9-9, thị giá STB còn ở mức 16.800 đồng.

Nhìn lại quá khứ, người ta dễ dàng nhận ra suốt nửa đầu năm nay và ba năm 2012-2014 thị giá STB ít khi nào thấp hơn 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu. Lý do khiến STB “nhào lộn” căng thẳng như vậy phải kể đến yếu tố sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank.

Cả thị trường, không riêng giới ngân hàng, biết Phương Nam là tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng khi hợp nhất về Sacombank, một cổ phiếu Phương Nam lại được hoán đổi bằng 0,75 cổ phiếu STB - tỷ lệ hoán đổi phải nói là ngoài sự mong đợi của cổ đông Phương Nam. Kết quả là khi có cổ phiếu mới, cổ đông Phương Nam vác ra bán để thu hồi vốn. Còn cổ đông Sacombank cũng bán vì thấy tương lai của việc sáp nhập với Phương Nam xem ra khó đoán định.

Sáu phiên gần nhất, ngày nào cổ phiếu STB cũng đỏ và đã mất 11,4% giá trị, tức hàng ngày, cả tỉ đồng giá trị vốn hóa bay hơi. Có ngày cổ phiếu STB gần sàn như ngày 30-11. Ngày đó cũng là ngày mà giới ngân hàng đã nghe đâu đó thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị Vietcombank cử nhân sự tham gia Hội đồng quản trị Sacombank để đại diện cho hơn 51% vốn mà Nhà nước đang nắm quyền sở hữu tại đây.

Những bình luận hành lang mà chúng tôi nghe được vô cùng đa dạng. Đại diện một ngân hàng cổ phần nhận xét NHNN không chỉ đang “tỏ ra” mà thực sự đang “cứng rắn” và quyết liệt.

Diễn biến nhân sự ở Sacombank chắc chắn sẽ còn thu hút sự chú ý của thị trường. Liệu ngày 15-12-2015 tới đây Sacombank có tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường như yêu cầu của NHNN trong một văn bản chỉ đạo hồi tháng 10-2015? 

Cho đến giờ, chưa thấy STB có thông báo chính thức nào gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM liên quan đến đại hội cổ đông sắp đến cả. Đại hội đồng cổ đông là người quyết định cao nhất các quyết sách của doanh nghiệp, ngân hàng, trong đó có nhân sự. Liệu có sự thay đổi nhân sự cấp cao của doanh nghiệp, ngân hàng mà không cần thông qua đại hội đồng cổ đông, hay ít nhất cũng là lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản?

Giao dịch của STB đã phần nào ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên bản thân cổ phiếu các ngân hàng khác cũng có những yếu tố mà giới đầu tư không thể không quan tâm. BID vừa đưa vào giao dịch số lượng cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu phát hành để hoán đổi cho cổ đông MHB. 

Một khối lượng cổ phiếu có thể giao dịch nhiều hơn tất nhiên sẽ thúc đẩy người sở hữu mua/bán và khi nguồn cung tăng lên, mà cầu chưa tăng tương ứng, giá phải điều chỉnh. Ngoài ra, BID đang tích cực đàm phán việc bán 20% cổ phần cho đối tác nước ngoài. 

Việc “bán buôn” cả một lượng hàng lớn không  giống như “bán lẻ” và sự tăng trưởng “hơi” nhanh  của thị giá cổ phiếu BID trong vòng 52 tuần qua rõ ràng không thuận lợi cho các bên trong thương lượng. BID hiện tại là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường và khối cổ phiếu ngân hàng. Nếu BID điều chỉnh, sự tác động lên nhóm cổ phiếu ngân hàng không thể không có.

Từ trước đến nay thị trường luôn định giá thị giá cổ phiếu VCB gấp hai lần thị giá cổ phiếu BID. Ở thời điểm BID đạt đỉnh 27.000-28.000 đồng/cổ phiếu, thị giá VCB đã “chạy” tới 55.000-56.000 đồng. Nay cổ phiếu BID điều chỉnh, sự điều chỉnh diễn ra với cả cổ phiếu VCB cũng là tất yếu.

Tháng 12, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, luôn là tháng tích lũy của thị trường để chờ cơ hội cho sự “bùng nổ” trong quí 1 năm sau. VN-Index vì thế luôn giằng co, đi ngang, giao dịch chậm rãi. 

Dòng tiền thường được rút ra trong những phiên thị trường xanh và được “đẩy” vào giải ngân trong những phiên thị trường đỏ. Sự kiên nhẫn đang thử thách những tay “lướt sóng” và cả những nhà đầu tư ngắn hạn ưa thích mạo hiểm, “đánh nhanh rút gọn”. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn tồn tại, nhưng hiện nó không san sẻ đều cho mọi cổ phiếu.

Theo TBKTSG