Sớm nhất đến giữa năm 2016 mới có thể trình TPP ra Quốc hội

Sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2016 thì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới có thể được trình ra Quốc Hội xem xét, vì 12 quốc gia tham gia TPP mới chỉ hoàn tất quá trình đàm phán.
Sớm nhất đến giữa năm 2016 mới có thể trình TPP ra Quốc hội

Theo thông tin của TBKTSG, TPP chỉ có quy định là hiệp định này được các quốc gia phê chuẩn chứ không quy định cụ thể hay thống nhất hình thức phê chuẩn thế nào, trong khi thủ tục phê chuẩn mỗi nước lại không giống nhau.

Ví dụ như ở Mỹ thì Quốc hội Mỹ cho phép Chính phủ của Tổng thống Obama được đàm phán TPP sau nhiều vòng bỏ phiếu gay go tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Cũng theo quy định của Quốc hội Mỹ thì Tổng thống Obama sẽ phải báo trước 90 ngày trước khi muốn ký vào một hiệp định thương mại nào, cho dù theo chương trình trước đây, TPP được dự kiến ký kết vào tháng 1-2016.

Còn ở Việt Nam, việc ký kết và phê chuẩn TPP sẽ thực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Luật này cho phép Chính phủ ký kết các điều ước quốc tế, sau khi đã  lấy ý kiến ở các cơ quan có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục.

Chỉ những trường hợp hiệp định hay điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có những điểm trái với luật hay quy định trong nước thì mới phải mang ra xin ý kiến tại các ủy ban có liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đàm phán, ký kết. Nếu các trình tự này được thực hiện rồi thì Chính phủ có thể ký kết hiệp định.

Sau khi ký kết, Chính phủ sẽ phải trình TPP với Chủ tịch nước về việc phê chuẩn. Luật cũng quy định Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu nhà nước khác hoặc các điều ước quốc tế theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn điều ước này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình; hoặc trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Về mặt hình thức, Quốc hội vẫn phải dành thời gian thảo luận tại hội trường về hiệp định và biểu quyết thông qua việc phê chuẩn hiệp định tại kỳ họp bằng một nghị quyết.

Tuy nhiên, đến nay các quốc gia TPP, trong đó có Việt Nam, mới chỉ hoàn tất vòng đàm phán. Theo thông lệ, các bên liên quan sẽ phải dành một khoảng thời gian đáng kể để hoàn tất văn bản hiệp định cuối cùng trước khi đặt bút ký.

Như vậy, sau khi ký hiệp định, chờ Quốc hội các quốc gia phê chuẩn thì hiệp định này mới có giá trị thực thi. Nếu kế hoạch ký kết TPP vẫn diễn ra vào đầu năm tới,  mọi thủ tục phê chuẩn nhanh nhất cũng phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tháng 6-2016.

Theo TBKTSG