Không nên trì hoãn
Trong phiên họp thứ 50, Ủy ban TVQH đã quyết định lùi thời hạn công bố Luật Biểu tình đến năm 2017. Như vậy, Luật Biểu tình đã hoãn công bố rất nhiều lần. Thưa ông, vì sao Luật Biểu tình lại khó như thế và nó vướng mắc những gì mà đến bây giờ vẫn chưa ra được?
Luật Biểu tình tất nhiên là rất phức tạp. Phức tạp thì tất nhiên là cần có thêm thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, kéo dài vô tận thời gian nghiên cứu cũng không tốt. Dưới đây là những lý do cụ thể:
Thứ nhất, nhu cầu biểu tình của người dân là có thật và đang ngày càng trở nên bức bách. Sự bức bách này có thể bị lợi dụng hoặc có thể dẫn đến những diễn biến tư tưởng không thuận cho trật tự, an toàn xã hội, cũng như sự ổn định nói chung.
Hai là, hiện tại chúng ta đang điều chỉnh về hành vi biểu tình, tụ tập đông người chỉ bằng một văn bản của bộ Công an (Thông tư số 09/2005/TT-BCA Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành ngày 05/9/2005, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ, các trường hợp không cho phép tiến hành hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng-NV) và Nhà nước đang áp dụng thông tư này để quản lý hành vi biểu tình. Tuy nhiên, thực thi thông tư này trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn, bất cập vì theo Hiến pháp năm 2013, các quyền con người, trong đó có quyền biểu tình, chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Nghĩa là phải có văn bản cao hơn Nghị định mới điều chỉnh được hoạt động biểu tình, chứ chưa nói gì đến thông tư.
Về mặt pháp lý, khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, thì tất cả các văn bản dưới luật điều chỉnh quyền biểu tình của người dân đều bị Hiến pháp bãi bỏ và chấp dứt hiệu lực. Điều này có nghĩa là văn bản (Thông tư) của Bộ Công an cũng không còn hiệu lực. Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một khoảng trống pháp lý liên quan đến hoạt động biểu tình. Càng trì hoãn Luật Biểu tình, chúng ta càng lâm vào một tình cảnh khó xử. Không chỉ người dân khó thực thi quyền của mình, mà các cơ quan nhà nước cũng không có công cụ pháp lý để điều chỉnh hành vi biểu tình và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hiến pháp cho phép hạn chế quyền con người bằng luật trong bốn trường hợp, trong đó có trường hợp vì trật tự, an toàn xã hội. Tại sao lại không sử dụng những quyền năng mà Hiến pháp cho phép để điều chỉnh hoạt động biểu tình mà để bây giờ lực lượng công an bị đẩy vào tình thế khó khăn, làm việc gì cũng bị người dân nói là vi phạm?
Đấy là toàn bộ khía cạnh pháp lý của vấn đề. Theo tôi, không nên, không nên và không nên trì hoãn lâu hơn nữa.
Thứ ba, rõ ràng, nếu không có Luật Biểu tình thì người dân thực thi quyền rất khó. Hiến pháp cho quyền nhưng người dân sẽ thực thi như thế nào? Hoặc là người ta thực thi theo nguyên tắc: luật không cấm thì làm. Hiến pháp cho thì làm. Như vậy, cơ quan nhà nước có dễ quản lý không?
Lý do thứ tư, có Luật Biểu tình mới vừa bảo đảm quyền của người dân và vừa bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bởi vì như tôi nói, biểu tình thường tụ tập rất đông người. Đã tụ tập đông người thì tâm lý đám đông sẽ ngự trị. Tâm lý đám đông là rất dễ bị kích động. Điều này đã được nghiên cứu và kiểm nghiệm trên thực tế. Mà bị kích động thì dễ dẫn đến mất kiểm soát và hoảng loạn. Những cuộc giẫm đạp nhau chết trong các trận đấu bóng đá hay vụ giẫm đạp nhau trong lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia trước đây là những ví dụ mà chúng ta có thể kể ra không hết.
Như vậy, không phải chúng ta làm Luật Biểu tình là gây mất ổn định mà chính không làm Luật Biểu tình mới gây mất ổn định. Bởi vì nếu có luật, người dân sẽ hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật, trong đó gồm cả quy định đăng ký biểu tình thế nào, đi theo đường nào, thời gian là bao nhiêu… Với các quy định chặt chẽ như thế thì người dân vẫn được thực thi quyền biểu tình của mình và cơ quan nhà nước có điều kiện để giám sát, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm được cuộc sống bình yên. Còn nếu không, biểu tình bất ngờ bộc phát, mất trật tự rất dễ xảy ra, cái giá phải trả rất là lớn.
Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý biểu tình. Singapore có hẳn một quảng trường để người dân biểu tình. Nghĩa là muốn biểu tình phải đến quảng trường chứ không phải biểu tình chỗ nào cũng được. Vì biểu tình sẽ ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ, nếu người biểu tình chiếm đường lưu thông thì người khác làm gì còn chỗ để làm ăn. Quyền biểu tình là của “anh”, nhưng quyền tự do đi lại là quyền của người khác, “anh” phải tôn trọng chứ, “anh” không thể nào làm ảnh hưởng đến quyền người khác được. Thành thử, khi chúng ta có quy định pháp luật thì người biểu tình thực thi được quyền của mình. Còn người không muốn biểu tình cũng thực thi được quyền của người ta, người ta mưu cầu công việc của người ta.
Tiếp theo nữa, nên có luật biểu tình để chúng ta khỏi bị các thế lực chống đối phê phán là chúng ta mất dân chủ. Khi mọi việc đều theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và theo chuẩn mực của thế giới thì các thế lực thù định sẽ không thể phê phán được. Còn nếu không, công an giữ gìn trật tự rất dễ bị các thế lực thù địch lấy đó làm cái cớ để vu khống, chống đối.
Về vấn đề này dường như QH đang chia làm hai luồng ý kiến khác nhau: một số cho rằng Dự thảo Luật Biểu tình cần thể hiện dưới góc độ đảm bảo quyền biểu tình cho người dân. Ý kiến khác lại cho rằng nên nhìn nhận Luật Biểu tình là để quản lý việc biểu tình. Như vậy, cơ sở lý luận đã không khớp nhau, dẫn đến sự lúng túng về mặt xác định quan điểm nên rất khó để đưa ra luật. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
-Cũng có thể có hai luồng ý kiến như vậy, nhưng theo tôi, hai luồng ý kiến đó không nhất thiết xung đột với nhau. Bởi vì, muốn thực thi quyền thì phải trong khuôn khổ nào đó mới thực thi được, và khuôn khổ đó được áp đặt có nghĩa là quản lý cũng được tăng cường. Hai cái đó không nhất thiết phải xung đột với nhau. Ví dụ, người thực thi quyền biểu tình là phải đi hàng một, thì người không đi biểu tình mới có chỗ để đi lại làm ăn, nếu không, sẽ dẫn đến ách tắc giao thông và cả đời sống xã hội.
Rõ ràng, nếu có những quy định, “anh” thực thi được quyền của “anh”, người khác thực thi được quyền của người ta và trật tự xã hội được bảo đảm. Trật tự xã hội được bảo đảm thì tất cả mọi người đều thực thi được quyền của mình. Như vậy, bảo đảm cho người dân thực thi được quyền biểu tình, thì có nghĩa bảo đảm quản lý được biểu tình. Ví dụ, người biểu tình còn có thể đi biểu tình được vào những ngày hôm sau, nếu kinh tế còn phát triển, xã hội còn làm ra của cái vật chất. Nếu không thì lấy gì ăn mà đi biểu tình. Theo tôi, hai quan điểm trên không nhất thiết phải xung đột với nhau.
Hiệu lực của Sắc lệnh 13
Thưa ông, sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ít ngày, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 13 chỉ có một điều quy định “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các UBND sở tại trong thời kỳ này”. Tại sao trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, nhà nước mới thành lập, công an còn rất yếu, thù trong giặc ngoài mà chúng ta không sợ, trong khi hiện nay, chúng ta có Nhà nước mạnh, quân đội mạnh, dân trí cao, chúng ta lại ngần ngại về việc biểu tình?
-Tôi cho đấy là điều chúng ta rất cần phải suy ngẫm. Ngoài ra, xét về mặt pháp lý, Sắc lệnh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vẫn còn hiệu lực, vì chưa có văn bản hủy bỏ nó, cũng chưa có văn bản thay thế nó. Nếu Luật Biểu tình ra đời, Luật có thể thay thế sắc lệnh nói trên. Còn nếu Luật Biểu tình chưa ra đời, thì Sắc lệnh đương nhiên vẫn còn hiệu lực. Và theo Sắc lệnh đó, người dân chỉ cần đăng ký với UBND trước 24h là có thể biểu tình.
Có ý kiến sẽ cho rằng Sắc lệnh nói trên đã bị Hiến pháp năm 2013 hủy bỏ. Tuy nhiên, đây là điều không dễ chứng minh. Bởi vì rằng, khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Nghĩa là chỉ có những quy định hạn chế quyền con người của các văn bản dưới luật mới không còn hiệu lực. Thế nhưng, có vẻ như Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch không có quy định nào hạn chế quyền biểu tình cả.
Tại kỳ họp cuối cùng QH khóa trước, khi Chính phủ xin lùi luật biểu tình, Chủ tịch QH lúc ấy là ông Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết không cho lùi, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận cho lùi. Hiện nay có rất nhiều cách thức mà tại sao QH không thực thi. Có Đại biểu QH tuyên bố sẵn sàng soạn thảo luật biểu tình để trình QH. Vậy tại sao QH không cho làm theo đề nghị ấy?
-Thực chất, nếu mô hình quản trị quốc gia chuẩn, thì cơ quan có động lực để trình dự án luật không phải là QH. Chính phủ quản lý hành vi biểu tình, QH là cơ quan đại diện cho người dân. Vì thế QH luôn muốn cho người dân có quyền biểu tình. Trong trường hợp này, QH không có động lực đứng ra làm luật để quản lý, để điều chỉnh hành vi biểu tình của người dân.
Chính phủ là cơ quan quản lý hoạt động biểu tình và là cơ quan có động lực điều chỉnh hành vi của người dân ở đây. Chính phủ cần phải có đạo luật để có căn cứ pháp lý cho hoạt động quản lý của mình.
Kinh nghiệm trên thế giới, kinh nghiệm trong nước đã có nhiều rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thông qua được đạo luật biểu tình thì đó là điều rất đáng tiếc. Trên thế giới, các nước đều quản lý biểu tình rất hiệu quả. Bất kỳ ở đâu, nếu đám đông bắt đầu có dấu hiệu của mất kiểm soát, thì sẽ bị giải tán ngay lập tức. Vậy chẳng lý gì Việt Nam lại không làm được?
Xin cám ơn ông!