Trước khi các chung cư cao tầng ở tòa nhà CT4A, CT4B, CT4C thuộc khu đô thị Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) bị cháy thì tòa nhà chung cư HH4A (Linh Đàm, Hà Nội) cũng bốc cháy. Và trước đó nữa là hàng loạt các dự án chung cư cao tầng xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ.
Những vụ hỏa hoạn này như một tiếng chuông cảnh báo về hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng đang liên tiếp mọc lên trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội - nơi có mật độ dân số cao nhất nhì nước.
Phòng chống cháy nổ là công tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mô hình nhà chung cư cũng như sự phát triển bền vững của đô thị. Tuy nhiên, thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết thành phố Hà Nội hiện chỉ có 2 xe thang 36m, 2 xe thang 56m tương đương chiều cao khoảng 16 – 18 tầng.
Và xe thang chỉ nhằm mục đích đưa chiến sĩ, phương tiện chữa cháy lên trên cao giải thoát người là chính. Hiện nay, lực lượng PCCC chưa có thang đưa các chiến sĩ phòng cháy lên cao tới tòa nhà cao trên 30 tầng.
Đối với những tòa nhà trên tầm với của xe thang như vậy thì theo quy định của luật pháp, tự công trình phải thiết kế hệ thống PCCC thoát nạn để đảm bảo khi có sự cố cháy xảy ra thì có thể sử dụng các hệ thống tự dập tắt được.
Hình ảnh người dân hốt hoảng lao ra khỏi đám cháy luôn là sự ám ảnh của những ai sinh sống tại các chung cư cao tầng
Qua các sự việc cháy nổ liên tục diễn ra tại các chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội, chúng ta một lần nữa nhìn lại để thấy các vụ cháy này không phải là đầu tiên và cũng không phải vụ cháy cuối cùng. Những bất cập như: xe PCCC không tới kịp, thang chưa với lên tới tầng cao nhất của tòa nhà, chủ đầu tư chưa trang bị những vật dụng cần thiết nhất cho việc PCCC, bản thân người dân chưa có đủ bình tĩnh, kỹ năng để ứng phó với những rủi ro xảy ra xung quanh mình.
Thực tế cho thấy hậu quả rủi ro có thể nặng nề hơn, một phần là do sự hoảng loạn xảy ra khi có cháy của tất cả những người dân trong khu chung cư. Trong khi các tòa nhà ngày một cao, thì khả năng chữa cháy của các lực lượng chức năng vẫn không thể theo kịp sự phát triển của các tòa nhà.
Theo Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội Nguyễn Đức Nghi: “Hiện phương tiện xe chữa cháy chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương tầng 17. Đây là một trong những khó khăn trong công tác cứu hỏa.
Việc trang bị thang cao 73m cho xe cứu hỏa của Hà Nội là không khả thi vì xe rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình đường đông ngõ nhỏ. Vì thế, chỉ có thể trang bị thang cứu hỏa từ 53m trở xuống”
Thang máy cứu hỏa không đưa được các chiến sĩ lên tầng cao nhất của các tòa nhà chung cư cao tầng
Đối với những nhà cao tầng chủ yếu phòng ngừa và tự chữa cháy là chính, khi thiết kế nhà cao tầng phải theo quy chuẩn tự động chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng cho nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là sự bình tĩnh của người dân để tự cứu lấy chính mình.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ đều bị các chủ đầu tư coi thường, xem nhẹ, thậm chí nhiều chung cư hệ thống PCCC tại chỗ lắp đặt từ lúc xây dựng sau đó bị lãng quên và không được bảo dưỡng.
Có những công trình được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC thì chỉ mang tính hình thức, đối phó với cơ quan nhà nước. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 500 tòa nhà cao trên 10 tầng, được sử dụng làm chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... Tuy nhiên theo sự tìm hiểu của phòng viên thì nhiều hệ thống chữa cháy của tòa nhà không được bảo trì, nhiều hệ thống bị hỏng, không hoạt động được.
Thậm chí những bình bọt cứu hỏa tại từng nhà, có những bình để tới 2-3 năm chưa đụng đến. Đây là một sai sót nghiêm trọng của cả người dân lẫn chủ đầu tư. Bởi các bình chữa cháy này phải được kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng toàn bộ và nạp bọt vào thì mới có thể hoạt động được khi có đám cháy bất ngờ xảy ra.
Thậm chí, đến những vòi nước lưu động được lắp đặt quanh các tòa nhà chung cư cũng bị rỉ sét, không thể nào mở được vòi khi bất chợt có hỏa hoạn xảy ra. Thậm chí hệ thống điện phụ của các tòa nhà chung cư không hề hoạt động khi nguồn điện chính bị cắt, chính điều này khiến người dân bị kẹt lại, không thể nhìn thấy đường để chạy đến cửa thoát hiểm khi khói lan tỏa. Điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với những người dân sinh sống trên các tòa chung cư cao tầng.
Chính vì những nguyên nhân trên, theo ông Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, "Điều đầu tiên khi người dân ở các khu chung cư cao tầng phải được tập huấn kỹ năng PCCC, tâm lý phải vững vàng để đối phó tình huống bất ngờ.
Và người dân phải luôn lưu ý rằng cho dù Nhà nước đã ban hành Luật PCCC và các pháp lệnh, tuy nhiên luật vẫn chưa xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về hệ thống báo cháy, hệ thống giám sát mức nước bể chữa cháy, tình trạng thiết bị chữa cháy, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng khẩn cấp, hệ thống thoát khói tự động, điều khiển hệ thống chỉ dẫn cửa thoát hiểm, điều khiển tăng áp tự động cầu thang thoát hiểm... Chính vì vậy việc trang bị hệ thống PCCC và trợ giúp sơ tán phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền hay sư hào phóng của chủ đầu tư".
Đa số các công trình chung cư cao tầng hiện nay, kể cả một số cao ốc văn phòng hạng sang đang trong tình trạng bị lách luật hay "làm luật", điều đó dẫn đến người sử dụng hằng ngày phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến đường dây điện chi chít dày đặc tại thủ đô, mật độ dân số dày đặc cũng sẽ gây khó khăn cho công tác PCCC khi các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ.
Có thể nói, chưa bao giờ hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC được rung lên khẩn thiết như lúc này. Việc hỏa hoạn đang “thập diện mai phục” và đã xảy ra tại các chung cư, tòa nhà cao tầng khiến không ít người dân cảm thấy rùng mình, nơm nớp lo sợ và đang cố "sống chung với lũ" ngay giữa thủ đô hoa lệ và hào nhoáng.
Theo Một thế giới