"Sốc" với các mức phạt vi phạm giao thông tiền triệu

Điều khiển xe sử dụng điện thoại bị phạt từ 600.000- 800.000 đồng; phạt từ 800.000 – 1,2 triệu đồng với xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên... là những mức phạt vi phạm giao thông "gây sốc".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày vừa qua Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã có văn bản góp ý dự thảo Nghị định thay thế nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến để dự định trình Chính phủ vào tháng 10 và ban hành trong tháng 12/2015.

Đáng chú ý, tại các văn bản góp ý này, cả Bộ Tư pháp và Bộ Công an đều cho rằng các nhiều mức phạt trong dự thảo nghị định mới đưa ra đều quá cao so với nghị định cũ, không phù hợp với mức sống của người dân và đề nghị sửa đổi lại cho phù hợp.

Xin liệt kê một số mức phạt vi phạm giao thông tăng “sốc” đang được soạn thảo và lấy ý kiến:

Hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe được quy định mức phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung hành vi xử phạt xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi điều khiển xe đi trên hè phố, không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy…cũng bị đề nghị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồngđối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Đặc biệt, để ngăn chặn việc xe máy đi vào đường cao tốc đang xảy ra trên nhiều tuyến cao tốc, dự thảo nghị định tăng mức phạt hành vi đi xe máy vào đường cao tốc lên từ 2-3 triệu đồng thay cho mức phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng như hiện nay.

Đối với người điều khiển môtô, xe máy, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe cũng được tăng mức phạt từ 1-2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở. Mức phạt này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành.

Nếu người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, mức phạt sẽ tăng lên 4-6 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng thay cho mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng như hiện nay.

Với người lái ôtô, mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe cũng được tăng lên so với hiện nay.

Cụ thể lái xe sẽ bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở (mức phạt hiện nay là 7-8 triệu đồng).

Trường hợp lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng (mức phạt hiện nay 10-15 triệu đồng).

Theo Infonet