Tại buổi phát động chương trình thí điểm phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội diễn ra ngày 30/12, Sở Nông nghiệp đã cung cấp những số liệu bất ngờ.
Nhu cầu của hơn 10 triệu dân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong một ngày khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá và 3.200 tấn rau củ các loại….
Thế nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt, 70% cá, 90% trứng gia cầm, 25% sữa, 55% gạo tẻ chất lượng, 65% rau củ tươi và 17% quả tươi các loại…
Số thực phẩm còn lại do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội, chiếm 40-80% là những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn TP Hà Nội, toàn thành phố có 5.000 ha rau an toàn. Trong số 65% rau củ tươi các loại đáp ứng cho thị trường Hà Nội, đánh giá, kiểm tra, khảo sát cho thấy có tới 95-98% là rau an toàn.
Một vài phần trăm nhỏ còn lại do người dân trồng đúng quy trình nhưng do thuốc bảo vệ thực vật có vấn đề hoặc các yếu tố khách quan khác.
Ngoài rau cung ứng trồng tại địa bàn thành phố Hà Nội, 35% rau được nhân dân lấy từ các tỉnh lân cận vào. Số này chưa được chứng nhận là rau an toàn. Thế nhưng, dù rau do các hộ sản xuất không nằm trong vùng rau an toàn nhưng lại an toàn, Sở vẫn tuyên truyền cho người dân sản xuất.
Cũng theo ông Mỹ, người dân Hà Nội sản xuất thịt, cá, rau… cơ bản phải đảm bảo an toàn. "Hiện nay, chúng tôi đã đưa ra các địa chỉ cơ sở, trung tâm cung ứng, tiêu thụ thực phẩm an toàn trên trang web của Sở. Những địa chỉ này đảm bảo chất lượng sản phẩm bởi đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận chất lượng", ông Mỹ cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016, Bộ sẽ thí điểm xây dựng liên kết chuỗi rau và thịt an toàn cung cấp cho thành phố, tiêu biểu là Hà Nội và TP HCM.
Trong đó, trọng tâm năm sau là chú trọng hành động. Cụ thể, cơ quan bộ ngành sẽ tập trung thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán tiêu thụ trên địa bàn. Đơn vị nào làm ăn gian dối, sử dụng chất cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý và công khai thông tin. Những nơi làm tốt, hay, có sáng kiến cũng được tuyên dương, khen thưởng.
Ông cho biết, lần thí điểm này, cơ quan chức năng chú trọng kết nối người tiêu dùng với sản phẩm an toàn đã được kiểm tra, xác nhận của ngành nông nghiệp với các chuẩn đã đưa ra. Song quan trọng nhất là đơn vị cung ứng sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Giải pháp cho vấn đề nói trên là hình thành nên chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cũng cần phải tính sản phẩm an toàn nằm trong một chuỗi từ đầu vào đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp này sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình để tiết kiệm được nhiều thủ tục hành chính.
Theo Zing