Hai xu hướng trái ngược
MEI là chương trình được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011 (gián đoạn công bố năm 2013) nhằm có tiêu chí đánh giá thường niên hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành.
Mục đích của chương trình là để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc phát hiện những mặt được và chưa được của các cơ quan quản lý khi xây dựng khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động.
Năm 2014, MEI đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 bộ có liên quan chặt chẽ nhất với doanh nghiệp dựa trên phản hồi điều tra của 228 hiệp hội doanh nghiệp trung ương và cấp tỉnh, đại diện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc.
MEI 2014 xếp hạng 14 bộ ở năm tiêu chí: soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chất lượng VBQPPL; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; và rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.
Kết quả cho thấy MEI 2014 là một bức tranh có nhiều mảng sáng hơn những năm trước. Cụ thể, bốn trong số năm chỉ số của MEI 2014 đã tăng điểm so với MEI 2012, với mức tăng trung bình là 10%. Ba trong năm chỉ số có điểm trung bình khá, gồm chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, chất lượng VBQPPL, và hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.
Sự tiến bộ nêu trên cho thấy các bộ đã không còn chỉ thực hiện đủ nghĩa vụ đặt ra mà bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là chỉ số đo hiệu quả hoạt động soạn thảo VBQPPL là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân của các bộ giảm đi so với cách đây hai năm. Vấn đề này chưa bao giờ được đánh giá tích cực trong MEI, với việc thường xuyên đứng chót hoặc áp chót mà nay lại còn đi xuống, Nó cho thấy, trong bức tranh tổng thể về MEI đang được cải thiện thì soạn thảo VBQPPL đang là một góc tối.
Doanh nghiệp là đối tác chứ không phải đối tượng bị áp đặt
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, được mời nhận xét về hiệu quả ban hành, thực thi pháp luật về kinh doanh của 14 bộ ngành năm 2014, đã nói: “Doanh nghiệp đừng lo về đầu ra cho quả vải, quả dưa hay nông sản. Mối lo lớn nhất là môi trường kinh doanh, thể chế nếu không cải thiện thì các vấn đề khác sẽ bị ảnh hưởng hàng loạt. Đây chính là lý do vì sao phải đánh giá hiệu quả ban hành, thực thi pháp luật của các bộ ngành”.
Bà Chi Lan nhấn mạnh rằng, các bộ ngành nên hiểu rằng, doanh nghiệp là đối tác chứ không phải đối tượng phải thực thi pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ, đề nghị Chính phủ phải có thái độ đối với các bộ, ngành vì đây là bộ chỉ số mà Thủ tướng yêu cầu VCCI thực hiện bằng ngân sách nhà nước để đo hiệu quả hoạt động của các bộ. Thế nhưng, ngoài một Thứ trưởng Bộ Công thương có mặt được nửa buổi công bố, tất cả các bộ còn lại không có cấp lãnh đạo nào tới dự.
“Vậy thì tác động gì tới các bộ?” ông Đệ hỏi với thái độ bức xúc. Ông cho rằng, trong thời gian tới phải xây dựng MEI như PCI đo mức độ cạnh tranh cấp bộ, nhằm đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của các bộ và thái độ của doanh nghiệp với từng bộ.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: “Chất lượng VBQPPL chưa tốt mà yêu cầu doanh nghiệp thực hiện là áp đặt”. Ông Thanh tái khẳng định ý của bà Chi Lan rằng các bộ không coi doanh nghiệp là đối tác mà coi là đối tượng để áp đặt các VBQPPL.
Luật sư Thanh Mai, nguyên cán bộ Bộ Tư pháp và là thành viên ban tư vấn MEI, đưa ra con số: Năm 2014, các bộ ngành ban hành 111 VBQPPL thì chỉ có 18,75% số văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với các luật, pháp lệnh; 70% số văn bản chậm chưa ban hành. Số văn bản hướng dẫn phải ban hành nhưng chậm trên 6 tháng là 26%, và có tới 5% số văn bản chậm trên 2 năm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị phải công bố hoặc đưa MEI vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các vị bộ trưởng, trưởng ngành tại các kỳ lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Theo TBKTSG