So sánh khả năng chụp Selfie giữa iPhone 11, Galaxy Note 10, iPhone XR và Pixel 3: Ai là “vua chụp selfie”?

VietTimes – Chụp ảnh selfie là niềm yêu thích của nhiều người dùng điện thoại, nhất là phái nữ. Vì thế mà nhiều nhà sản xuất đã không ngừng cải tiến khả năng chụp selfie. Chỉ với một cảm biến và ống kính nhỏ đặt ở mặt trước của điện thoại, chúng có thể ghi lại từng đường nét trên khuôn mặt người chụp và lưu vào album ảnh.

Các phóng viên của trang công nghệ Phone Arena đã tiến hành so sánh khả năng chụp selfie của 4 mẫu điện thoại thuộc hàng top trên thị trường là iPhone 11, iPhone XR, Pixel 3 và Galaxy Note 10 để tìm ra ai là vua chụp selfie

 Cảnh 1 (cần ống kính góc rộng)

Ống kính rộng trên camera selfie đã là một chủ đề gây tranh cãi. Nó cho phép bạn chụp được nhiều người hơn, nhưng nó cũng có xu hướng bóp méo đầu và các đặc điểm trên khuôn mặt. Nhưng để chiều theo ý của người dùng – họ muốn chụp những bức ảnh có cảnh vật rộng hơn mà không quan tâm cái đầu bị méo – các nhà sản xuất đã trang bị ống kính góc rộng trong hầu hết các mẫu điện thoại cao cấp.

iPhone XR: 8/10 điểm

Góc nhìn hẹp của iPhone XR không cho phép phóng viên Phone Arena thoải mái lấy trọn 2 đối tượng trong khuôn hình. Ưu điểm là khuôn mặt không bị biến dạng hay hiệu ứng mũi to. Các chi tiết hơi bị mềm (không sắc nét) và ảnh hơi bị ám vàng xanh. Nhưng dải màu động có vẻ ấn tượng khi các chi tiết trong vùng sáng và vùng tối thể hiện khá tốt.

iPhone 11: 8,5/10

Do iPhone 11 được trang bị ống kính góc rộng hơn nên người chụp đã thoải mái hơn trong việc đưa họ vào khuôn hình. Tuy nhiên, màu sắc của tấm ảnh vẫn chưa chân thực lắm – nó vẫn ngả xanh. Chi tiết hiển thị sắc nét hơn so với iPhone XR và dải màu động vẫn ấn tượng. Đầu người chụp cũng không bị méo. Apple có thể đã sử dụng một số thuật toán để hiệu chỉnh.

Pixel 3: 8/10

Pixel 3 có một ống kính khá rộng, nó đã thu được 2 người chụp vào giữa khuôn hình. Nếu ai mà đứng ở rìa ảnh, chắc chắn họ sẽ có một cái đầu quả chuối.

Các chi tiết trong bức ảnh này là tuyệt vời, chỉ một vài chỗ bị làm sắc nét quá mức. Màu sắc cũng có vẻ gần với thực tế hơn, tông màu da tự nhiên và độ tương phản tốt. Dải màu động kém hơn một chút nên bóng tối ở phía sau đối tượng đã chuyển hoàn toàn sang màu đen.

Galaxy Note 10: 7/10

Tấm ảnh chụp từ Galaxy Note 10 nhìn có vẻ… nghệ thuật nhưng rất phi thực tế. Đó là vì dải màu động thì kém mà độ tương phản lại cao. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong ảnh không bị làm sắc nét quá mức, đó là ưu điểm duy nhất. Nhìn chung, ảnh bị ngả xanh và tương phản quá cao khiến cho nó không chân thực.

Cảnh 2: Chân dung xóa phông

Ngày nay, ảnh selfie không đơn thuần chỉ là một khuôn mặt nét căng. Các nhà sản xuất smartphone đã cố gắng giúp người dùng chụp được những bức ảnh chân dung xóa phông giống như máy ảnh DSRL.

Bạn hãy nhìn vào những tấm hình dưới đây:

iPhone XR: 9/10

iPhone của Apple nằm trong số những mẫu điện thoại chụp ảnh chân dung đẹp nhất nhờ được trang bị tính năng Portrait Mode. Nó sử dụng các cảm biến Face ID để phát hiện các đường nét của khuôn mặt và chiều sâu của cảnh vật.

Trong tấm ảnh chụp ở trên, iPhone đã làm rất tốt việc tách chủ thể ra khỏi hậu cảnh vốn khá lộn xộn. Tuy nhiên, một số sợi tóc đã bị mất và một số đường viền tóc nhìn không thật. Rõ ràng thuật toán xử lý ở đây chưa hoàn hảo.

Tông màu da có thể hơi xanh, nhưng nó vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Toàn bộ tấm ảnh có màu sắc, dải động và chi tiết cân bằng tốt.

iPhone 11: 9/10

iPhone 11 cho ra một tấm ảnh cũng tương tự như iPhone XR. Một vài sợi tóc bị biến mất khi xóa phông, các cạnh viền đôi chỗ còn lem nhem, nhưng nói chung đây là một tấm ảnh tốt cả về màu sắc, dải động và chi tiết.

Pixel 3: 8/10

Màu sắc của Pixel 3 gần với thực tế hơn khi tông màu da không bị ám xanh. Các chi tiết trong tấm ảnh khá ấn tượng, dải màu động và độ tương phản rất tuyệt. Tấm ảnh không bị làm quá, trái lại nó đạt đến độ ngọt ngào “vừa phải”.

Tuy nhiên, thuật toán xác định các cạnh viền hoạt động chưa tốt. Nếu bạn để ý phần vai bên trái của người mẫu, các đường viền áo đã bị hậu cảnh ăn lẹm vào. Ở phần vai phải viền áo cũng khá “mấp mô”. Ngoài ra, đầu của người mẫu cũng hơi méo – đó là do ống kính góc rộng.

Galaxy Note 10: 8/10

Ảnh của Galaxy Note 10 đã xử lý tốt hơn ở phần vai trái của người mẫu, nhưng dải màu động hơi hẹp khiến cho phần tóc của người mẫu ngả đen. Nhìn chung, màu sắc của ảnh không chân thực bằng ảnh chụp từ Pixel 3.

Cảnh 3: Chụp đêm

Chụp đêm là một thách thức đối với camera của điện thoại do các cảm biến và ống kính có kích thước nhỏ - không thu đủ ánh sáng. Các camera ở mặt lưng điện thoại đã được làm to ra để thu được nhiều ánh sáng hơn, trong khi camera selfie phải chấp nhận kích thước nhỏ để không lấn chiếm vào màn hình.

iPhone XR: 7/10

Ánh sáng trong tấm ảnh này đủ cho chúng ta nhìn được người mẫu và cảnh vật xung quanh, tuy nhiên màu sắc khá nhợt nhạt. Mặc dù tấm ảnh không có quá nhiều hạt nhiễu nhưng các chi tiết không hề sắc nét và đôi chỗ bị mất chi tiết. Nhìn chung đây là một tấm ảnh tạm chấp nhận được

iPhone 11: 8/10

iPhone 11 đã làm tốt hơn khi mang được hơi thở cuộc sống vào trong tấm ảnh nhờ độ bão hòa màu. Mặc dù các chi tiết vẫn còn khá mềm, nhưng màu sắc đã khá hơn nhiều so với ảnh chụp từ iPhone XR.

Pixel 3: 9/10

Ảnh từ Pixel lần này rất đẹp, hình ảnh tươi sáng, các chi tiết và màu sắc trung thực. Ảnh vẫn còn có nhiễu, nhưng đây là tấm ảnh ít nhiễu nhất trong số bốn tấm ảnh của cảnh 3.

Galaxy Note 10: 7/10

Galaxy Note 10 cho ra một tấm ảnh với độ phơi sáng và màu sắc tốt, nhưng độ chi tiết thì khá tệ. Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức của thuật toán khử nhiễu đã khiến cho các chi tiết không còn sắc nét, nó trở nên quá mềm – điển hình là chiếc áo của người mẫu.

Cảnh 4: Chụp đêm với ánh đèn ở hậu cảnh

Đây là khung cảnh ban đêm với một số đèn thắp sáng ở phía sau người mẫu. Liệu các camera selfie có bắt được rõ nét khuôn mặt?

iPhone XR: 6/10

Trong khung cảnh này, camera selfie của iPhone XR đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Khuôn mặt của chủ thể quá tối. May mắn là chúng ta vẫn nhìn được khuôn mặt của cô ấy trong khi đèn phía sau không bị cháy sáng. Số lượng hạt nhiễu chúng ta nhìn thấy trên ảnh khá nhiều đồng nghĩa với việc không thể dùng các trình chỉnh sửa ảnh để nâng cao chất lượng cho tấm ảnh. Màu sắc của tấm ảnh tối và nhợt nhạt.

iPhone 11: 7/10

iPhone 11 cho ra tấm ảnh sáng hơn một chút và màu sắc tươi hơn. Nhưng ảnh vẫn bị nhiều nhiễu. Phần hậu cảnh độ bão hòa màu tốt và độ phơi sáng tương đối chuẩn. Nhưng bạn đừng cố phóng to các chi tiết vì chúng khá mềm.

Pixel 3: 9/10

Tấm ảnh chụp từ Pixel 3 là đẹp nhất. Chúng ta có thể thấy rõ khuôn mặt của người mẫu. Thậm chí tấm ảnh còn thể hiện rõ một số chi tiết mà không bị quá nhiều nhiễu. Tóc, áo và thậm chí cả hậu cảnh đều sắc nét, màu sắc tươi sáng.

Galaxy Note 10: 8/10

Tấm ảnh chụp từ Note 10 không đẹp bằng Pixel 3 nhưng chắc chắn đẹp hơn iPhone. Ảnh từ máy Samsung chụp cũng bị nhiều nhiễu trên khuôn mặt người mẫu như iPhone, nhưng Samsung đã dùng thuật toán xóa khá triệt để. Kết quả là, khuôn mặt người mẫu không hề nét, nhưng ở mức khá xét trên phương diện hình ảnh. Các chi tiết tổng thể trên ảnh không bằng Pixel 3 nhưng chúng vẫn ổn. Màu sắc và phơi sáng cũng chấp nhận được.

Cảnh 5: Chụp trong nhà

Ảnh chụp trong nhà cũng thường gây ra những khó khăn đối với cảm biến camera kích thước nhỏ. Ánh sáng nhân tạo từ đèn có thể sáng sủa đối với mắt người, nhưng nó lại không đủ sáng đối với cảm biến máy ảnh. Hãy xem camera của những mẫu điện thoại nói trên xử lý ánh sáng ra sao.

iPhone XR: 7/10

Độ phơi sáng trong tấm ảnh này là khá tốt và chúng ta có thể nhìn rõ mọi thứ trong nhà. Tuy nhiên, các chi tiết bị mất nét khá nhiều. Dường như nó là nguyên nhân của việc iPhone sử dụng thuật toán khử nhiễu. Màu sắc cũng xỉn và ám vàng trên toàn tấm ảnh.

iPhone 11: 7/10

Cũng tương tự như iPhone XR, ảnh chụp trên iPhone 11 có độ phơi sáng tốt nhưng chi tiết và màu sắc chỉ ở mức khá. Ống kính của iPhone 11 có góc rộng hơn nhưng không phải lúc nào cũng tốt hơn.

Pixel 3: 9/10

Pixel 3 một lần nữa lại thể hiện sự ưu việt trong chụp selfie: tông màu da rất tuyệt, chi tiết chính xác, độ tương phản tốt khiến cho tấm ảnh nhìn rất ấn tượng. Khung cảnh xung quanh chủ thể cũng hiện lên rất rõ ràng, sắc nét.

Galaxy Note 10: 8/10

Galaxy Note 10 cũng không làm người dùng thất vọng khi chụp ảnh trong nhà. Các chi tiết của nó không sắc nét như Pixel nhưng không bị xỉn như trên iPhone. Màu sắc của nó không hoàn toàn chân thực nhưng cũng đã làm cho tấm ảnh nổi bật hơn.

Kết luận

Tổng kết lại điểm số của 5 khung cảnh ở trên, chúng ta có:

iPhone XR: 7,4 điểm

iPhone 11: 7,9 điểm

Pixel 3: 8,6 điểm

Galaxy Note 10: 7,6 điểm

Mặc dù camera selfie vẫn chưa thể cho ra những tấm ảnh hoàn hảo như camera chính ở mặt sau điện thoại nhưng chúng ta có thể thấy rằng Pixel 3 – một chiếc smartphone cũ ra đời cách đây hơn 1 năm vẫn tỏ ra xuất sắc nhờ được trang bị tính năng HDR+ của Google. Ảnh chụp từ Pixel 3 có được màu sắc và độ nét tốt trong hầu hết các tình huống. Camera selfie của Samsung rất dễ sử dụng, nhưng chất ảnh của nó chỉ ở mức khá. iPhone chụp ảnh chân dung cũng không phải hạng xoàng khi khả năng phát hiện các đường viền của đối tượng ở mức rất tốt. Nhưng ảnh selfie của iPhone hơi ám vàng và các chi tiết bắt đầu mất nét khi ánh sáng giảm xuống.