So sánh Afghanistan với Đài Loan, truyền thông Trung Quốc kích động nghi ngờ Mỹ, Washington đáp trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Mỹ rút quân để lại Afghanistan với tương lai đầy bất ổn, uy tín của Mỹ bị đặt dấu hỏi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhân đó tuyên truyền Mỹ cũng sẽ bỏ rơi Đài Loan, Mỹ lập tức lên tiếng đáp trả...
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố tại cuộc họp báo chiều 17/8: cam kết của Mỹ đối với Đài Loan vẫn mạnh mẽ như từ trước tới nay (Ảnh: AP).
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố tại cuộc họp báo chiều 17/8: cam kết của Mỹ đối với Đài Loan vẫn mạnh mẽ như từ trước tới nay (Ảnh: AP).

Chiều 15/8, Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan. Hàng nghìn người đổ xô đến sân bay với hy vọng chạy trốn khỏi Afghanistan. Khi các hình ảnh tháo chạy hỗn loạn ở sân bay Kabul lan rộng khắp thế giới, một số ý kiến phân tích về mối liên quan giữa việc rút quân của Mỹ với sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan; điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và tiếng nói của Mỹ trên trường quốc tế.

Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 16/8 đã đăng bài có tiêu đề "Afghanistan hôm nay, Đài Loan ngày mai? Sự phản bội của Mỹ khiến Đảng Dân Tiến sợ hãi". Bài báo cho rằng Mỹ ắt sẽ bỏ rơi Đài Loan khi họ rơi vào khủng hoảng, và trích lời Lý Hải Đông, Giáo sư khoa Nghiên cứu quốc tế tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc nói: “Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan là một lời cảnh báo cho những phần tử ly khai ở Đài Loan, hoặc là một sự dự báo”.

Ông chỉ ra rằng nếu Đài Loan tiếp tục đối đầu trực tiếp với Trung Quốc dưới sự dẫn dắt sai lầm của những phần tử ly khai, Mỹ sẽ gạt bỏ Đài Loan sang một bên như đã làm với chính quyền miền Nam Việt Nam trước đây và bây giờ là Afghanistan.

Hình ảnh người Afghanistan bám vào máy bay Mỹ mong chạy khỏi sân bay Kabul gây rúng động dư luận quốc tế (Ảnh: AP).

Hình ảnh người Afghanistan bám vào máy bay Mỹ mong chạy khỏi sân bay Kabul gây rúng động dư luận quốc tế (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, bài báo cũng dẫn lời Trương Cánh, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, cho rằng “Đáng lẽ phải là Việt Nam ngày trước, Đài Loan hôm qua và Afghanistan hôm nay mới đúng”. Ông Trương Cánh cho rằng: “Chẳng phải đảo Đài Loan đã bị Mỹ bỏ rơi vào năm 1979 đó sao?”.

Thời báo Hoàn cầu viết, các chuyên gia cảnh báo: “Sự thất bại của Mỹ ở Afghanistan nên coi như một lời cảnh báo đối với những kẻ ly khai trên đảo. Họ phải hiểu rằng họ không thể trông chờ vào Washington vì Afghanistan không phải là đồng minh đầu tiên bị Mỹ vứt bỏ và cũng không phải là cuối cùng”.

Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Ba (17/8) cũng đăng trên Twitter cảnh báo Đảng Dân Tiến (DPP) đừng nên kỳ vọng Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan.

Lính Taliban canh gác phía trước sân bay Kabul (Ảnh: AP).

Lính Taliban canh gác phía trước sân bay Kabul (Ảnh: AP).

Tờ Thời báo Đài Bắc của Đài Loan ngày 17/8 cho rằng Afghanistan hoàn toàn không thể so sánh với Đài Loan, và trích lời ông Liêu Hồng Tường, cựu giảng viên thỉnh giảng Đại học Quốc phòng Đài Loan, nói "Đài Loan không phải là Afghanistan" bởi vì “chính phủ Afghanistan cực kỳ tham nhũng hủ bại còn Đài Loan có nền dân chủ ổn định”.

Ông Liêu phân tích trên tờ Thời báo Đài Bắc, từ góc độ quân sự, chiến lược phòng thủ của Đài Loan dựa trên tiêu chuẩn phòng thủ quân sự đảo, không phải tranh chấp nội bộ và chiến tranh du kích như ở Afghanistan và Nam Việt Nam trước đây. Ông cho rằng Đài Loan với hai nơi đó "hoàn toàn khác nhau”.

Ông Srikanth Kondapalli, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ, cũng cho rằng tình hình ở Đài Loan và Afghanistan hoàn toàn khác nhau. Ông nói: “Mỹ từ bỏ Afghanistan vì không có tiến triển ở đó. Mỹ đã chi 2 ngàn tỷ USD rồi phải quay trở lại điểm ban đầu sau 20 năm. Nhưng Đài Loan là một nền dân chủ thịnh vượng với nền kinh tế công nghệ cao, có những người dân tài năng và trách nhiệm”.

Quân đội Mỹ ngăn cản những người Afghanistan tìm cách tràn vào đường băng sân bay Kabul (Ảnh: AP).

Quân đội Mỹ ngăn cản những người Afghanistan tìm cách tràn vào đường băng sân bay Kabul (Ảnh: AP).

Giáo sư Srikanth Kondapalli nhấn mạnh rằng " không thể so sánh hai bên với nhau" và giải thích: "Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và họ rất có lợi; còn đối với Afghanistan, đó chỉ là những món quà tặng". Ông nói: "Ngay cả sau nhiều năm được Mỹ đào tạo, người Afghanistan vẫn yếu ớt không có sức, còn người Đài Loan sẽ chống trả Trung Quốc và bắt Trung Quốc phải trả giá đắt nếu họ tiến công".

Thuyết "Afghanistan hôm nay, Đài Loan ngày mai" cũng làm dấy lên các cuộc thảo luận trên chính trường Đài Loan. Cựu ủy viên lập pháp (nghị sĩ) của Quốc Dân Đảng Triệu Thiếu Khang trong hai ngày liên tiếp đã nêu vấn đề chính quyền của bà Thái Anh Văn, vốn dựa vào Mỹ, "không nhận thức được mối nguy hiểm sắp xảy ra" và cho rằng “tình hình ở Afghanistan là một tấm gương cho Đài Loan”.

Nhóm nghị sĩ của Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan ngày 17/8 đã tuyên bố cho rằng, đem Afghanistan so sánh với Đài Loan là “rất không phù hợp và thiếu khách quan”. Họ chỉ ra rằng “Afghanistan đã đi ngược lại sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giống như thất bại của Quốc Dân Đảng thua chạy ra Đài Loan năm 1949. Họ đã bị người dân và cộng đồng quốc tế phỉ nhổ, Mỹ quyết định bỏ rơi vì chính quyền tham nhũng hủ bại”. Họ cho rằng, tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân, đó là cơ sở cho sự tồn vong của chế độ.

Ông Tô Trinh Xương, Viện trưởng Hành chính Đài Loan (Ảnh: UDN).

Ông Tô Trinh Xương, Viện trưởng Hành chính Đài Loan (Ảnh: UDN).

Ông Lưu Thế Phương, Tổng thư ký nhóm nghị sĩ DPP, kêu gọi một số người “không nên sử dụng tâm lý đường cùng chạy ra Đài Loan trước đây của Quốc Dân Đảng để so sánh với Đài Loan bây giờ” và đừng “tự hạ thấp mình” theo cách này.

Viện trưởng Hành chính Đài Loan Tô Trinh Xương ngày 16/8 cho rằng “tình hình ở Afghanistan rất hỗn loạn, chính là do nội bộ hỗn loạn, lục đục; chỉ cần nội bộ Đài Loan không loạn thì có thể chống trả được mọi cuộc tiến công từ bên ngoài”.

Báo Mỹ New York Times cách đây vài ngày đã viết rằng tình hình ở Afghanistan có thể một lần nữa làm suy giảm uy tín của Mỹ và khiến các đồng minh của Mỹ nghi ngờ sự hỗ trợ của Washington đối với các quốc gia thân thiện có thể có giới hạn. Bài báo nêu tên Đài Loan, Ukraine, Philippines, Indonesia là các nơi chịu tác động mạnh, đồng thời cho rằng điều này sẽ có lợi cho Trung Quốc và Nga, những nước đang muốn bành trướng thế lực.

Tuy nhiên, Jean Marie Guehenno, một cựu quan chức ngoại giao của Pháp và Liên Hợp Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Columbia, Mỹ, cho rằng điều mà các đồng minh của Mỹ và các nước khác quan tâm là khả năng của Washington trong việc thực hiện các cam kết của mình. Ông nói: "Rất ít người sẽ đổ lỗi cho Mỹ vì đã dừng lại trong một tình huống thất bại", nhưng về lâu dài, "tình hình ở Afghanistan sẽ làm sâu sắc thêm ý nghĩ rằng các nước khác không còn có thể trông cậy vào Mỹ nữa".

Tiến sĩ Srikanth Kondapalli, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ (Ảnh: PTI).

Tiến sĩ Srikanth Kondapalli, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ (Ảnh: PTI).

Tiến sĩ Srikanth Kondapalli, người có nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc, đã chỉ ra rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là điều đã được dự báo trước, nhưng cách mà Taliban chiếm được Kabul mới là điều đáng ngạc nhiên.

Ông giải thích: "Mỹ và các đồng minh đã mệt mỏi sau khi đóng quân ở Afghanistan trong 20 năm, nhưng điều này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến liên minh của họ". Trong phân tích của mình, ông nói rằng ông đồng ý với quan điểm cho rằng "Mỹ rút khỏi Afghanistan để tập trung nguồn lực cho vùng biển xung quanh Đài Loan để bảo vệ Đài Loan". Ông nói, bởi vì số tiền Mỹ bơm vào Afghanistan đã bị lãng phí, còn Đài Loan là một nền kinh tế đang bùng nổ, điều này có lợi cho Mỹ.

Srikanth Kondapalli nói thêm: "Một đặc điểm khác (của việc Mỹ rút khỏi Afghanistan) là trong khi bắt Trung Quốc và Nga giải quyết tình trạng hỗn loạn ở khu vực đất liền như Afghanistan, Mỹ có thể giành lại quyền chủ đạo trên biển".

Trực thăng AH-64 Apache của quân đội Đài Loan tập trận (Ảnh: UDN).

Trực thăng AH-64 Apache của quân đội Đài Loan tập trận (Ảnh: UDN).

Ông Stephen Walt, Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Harvard ngày 16/8 đã viết tweet cho rằng kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ cần được xử lý tốt hơn, nhưng ông không đồng ý với một số ý kiến cho rằng bi kịch ở Afghanistan đã hủy hoại uy tín của Mỹ. Ông viết: "Một quốc gia sẽ không chiến đấu vì những lợi ích không phải là sống còn với mình, nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ không chiến đấu vì những lợi ích lớn lao”.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban giành lại quyền lực khiến ở Trung Quốc và Đài Loan có ý kiến cho rằng Đài Loan e cũng chịu cảnh ngộ giống như Afghanistan bị Mỹ bỏ rơi. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã bác bỏ giả thuyết trên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào thứ Ba (17/8), nhấn mạnh rằng hai tình huống hoàn toàn khác nhau và cam kết của Mỹ đối với Đài Loan vẫn mạnh mẽ như từ trước tới nay.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, khi được hỏi tại cuộc họp báo rằng các đồng minh như Đài Loan và Israel lo lắng về việc bị Mỹ bỏ rơi, ông Sullivan nói rằng: “Mỹ đã mất 20 năm ở Afghanistan bằng máu, nước mắt và tài nguyên, đồng thời cung cấp tất cả các nhu cầu đào tạo và trang thiết bị cần thiết để Afghanistan có thể chiến đấu cho chính mình. Đến một lúc nào đó, Mỹ phải nói với người dân Afghanistan rằng họ phải đứng lên vì chính họ”.

Cảnh tượng người Afghanistan dẫm đạp lên nhau để leo lên máy bay chạy khỏi Kabul gây rúng động quốc tế (Video: Deutsche Welle).

Ông Sullivan cho biết, ngay từ năm 2011, Mỹ đã tuyên bố sẽ rút quân (khỏi Afghanistan) vào năm 2014, nhưng đã kéo dài thêm 7 năm, vượt xa lời hứa đưa ra hơn 10 năm trước. Ông nhấn mạnh rằng “Afghanistan và Đài Loan là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác của mình là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Từ trước đến nay Mỹ luôn tin tưởng rằng cam kết của mình với Đài Loan và Israel sẽ bền vững mãi mãi”.