Thứ trưởng Công thương phản pháo, Hiệp hội mía đường "cầu cứu" Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT
Ngày 13.3, Hiệp hội Mía đường VN đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đích thân Chủ tịch Nguyễn Thành Long ký để trình bày quan điểm của Hiệp hội về các vấn đề dư luận, báo chí đăng tải liên quan đến ngành mía đường trong thời gian gần đây.
Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Long cho rằng, nếu Hiệp hội không trình bày thì Bộ trưởng và lãnh đạo các cấp sẽ không thể thấu hiểu hết hoàn cảnh và nguyện vọng đích thực của Hiệp hội, trong khi dư luận bàn tán nhiều vấn đề liên quan tới sự sống còn của ngành.
Với trách nhiệm là Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, được thay mặt Hội viên đấu tranh bảo vệ quyền lợi của Hội viên trong đó có quyền lợi về chính trị, ông Long đã trình bày 6 vấn đề lớn:
Thứ nhất, ông Long cho rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam không hề phản đối việc nhập đường, mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không bị làm trái với các quy định hiện hành. Hiệp hội này đề xuất chỉ nhập 50.000 tấn đường từ Lào theo các nguyên tắc như: nhập 100% đường thô về nước luyện lại thành đường RS (đường trắng) hoặc RE (đường tinh luyện); đường nhập từ Lào được tính và khấu trừ trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO; không miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu...
Thứ hai, về giá đường, giá mía và việc chống buôn lậu – ai hưởng lợi? Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho rằng, cả doanh nghiệp, người nông dân trồng mía và người tiêu dùng đều hưởng lợi.
Thứ ba, ông Long cho rằng, giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước khác là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu.
Thứ tư, Chủ tịch Hiệp hội mía đường khẳng định, trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực.
Thứ năm, mặc dù về kỹ thuật công nghệ Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau nên doanh nghiệp không thể làm khác được. "Cho nên Hoàng Anh Gia Lai không xây dựng nhà máy đường tại Việt Nam mà phải sang Lào đầu tư chính là bởi điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam", ông Long viện dẫn.
Thứ sáu, Chủ tịch Nguyễn Thành Long khẳng định, Hiệp hội Mía đường luôn bảo vệ quyền lợi cho các nhà máy đường và người trồng mía. Việc bảo vệ của Hiệp hội Mía đường đối với thành viên là bảo vệ môi trường chung, không nhằm bảo hộ để tồn tại những nhà máy đường yếu kém cá biệt nào.
"Hiệp hội Mía đường là đại diện cho các doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chung chính đáng cho Hội viên.
Hiệp hội không ngại va chạm hoặc sợ hãi vì xã hội chúng ta đang sống là xã hội có luật pháp và việc thực thi pháp luật ngày càng nghiêm minh, xã hội ngày càng văn minh", ông Long nhấn mạnh.
Thực sự ai hưởng lợi?
"Tâm thư" dài 5 trang do đích thân Chủ tịch Hiệp hội mía đường trình bày gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp không phải là văn bản duy nhất thể hiện quan điểm của Hiệp hội này.
Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Nguyễn Hải cũng đã từng có văn bản để phản pháo lại bài viết “Ngành mía đường cần khẩn trương đổi mới” của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú.
Và cũng không ít lần, Hiệp hội mía đường đã khẳng định chất lượng, năng suất cũng như sự tiến bộ trong công nghệ của mình.
Tuy nhiên, đứng trên góc độ của người nông dân trồng mía, góc độ của người tiêu dùng và cả những nhận định của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách thì đều chung một quan điểm: "Doanh nghiệp mía đường đang hút máu người dân".
"Làm ăn với nhà máy đường hồi hộp như chơi với cọp. Bao nhiêu năm trồng mía, cứ vào vụ thu hoạch là dân thấp thỏm không yên...”, ông Võ Ngọc Dữ (ấp Phương An, xã Phương Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) chua chát nói.
"Bao năm qua nông dân luôn rơi vào tình trạng khốn đốn, còn lợi ích thì về tay các doanh nghiệp mía đường trong nước. Bảo hộ cho doanh nghiệp mía đường hưởng lợi mà không chia sẻ cho nông dân, người tiêu dùng, gây bất lợi cho nền kinh tế thì không nên bảo hộ làm gì...", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
“Làm gì cũng phải vì lợi ích của người dân. Các doanh nghiệp mía đường nên ăn ít thôi, phải chú trọng đến người dân nữa...", ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ.
Tại sao trong cuộc tranh luận: tiếp tục bảo hộ hay xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường thì chỉ Hiệp hội mía đường Việt Nam đứng riêng một chiến tuyến? Tại sao từ trước đến nay chỉ có Hiệp hội này lên tiếng phản bác mà không có được sự đồng thuận của đại diện người nông dân, đại diện người tiêu dùng hay một vài chuyên gia kinh tế?
Nếu ngành mía đường Việt Nam không tụt hậu, không kém phát triển, năng suất vẫn cao, giá vẫn rẻ như đúng lời Tổng thư ký Hiệp hội mía đường VN Nguyễn Hải đã nói thì tại sao lại không dám từ bỏ việc bảo hộ để cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp mía đường khác như Hoàng Anh Gia Lai?
Và cuối cùng, thực sự ai sẽ là người được hưởng lợi từ chế độ bảo hộ ngành mía đường nếu không phải là bản thân các doanh nghiệp?
Theo Motthegioi