Trao đổi với Đất Việt, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Bầu Đức) đã nói như vậy. Theo đó ông cho rằng, phản biện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam là không phù hợp vì nhiều lý do.
Vì sao nông dân trồng mía lỗ, nhà máy đường vẫn lãi?
Trước ý kiến cho rằng: nhà máy của HAGL đầu tư ở Lào có nhiều thuận lợi, từ việc vay vốn cũng như ưu thế về nguyên liệu, ông Đức cho rằng ý kiến này không phù hợp.
Theo đó, ông Đức nói: "Phải thấy đầu tư bên Lào khó khăn hơn rất nhiều. Nếu các vị nói chúng tôi được vay vốn ưu đãi là không đúng. Không có ai được ưu đãi về vốn, không có chính quyền nào ưu đãi việc này. Ngành nông nghiệp đầu tư bên Lào cũng không có ưu đãi nào".
"Chúng tôi khai hoang những cánh rừng, lập nghiệp từ đầu chứ không phải có nền sẵn như ở Việt Nam nên rất khó khăn. Nói trắng ra Hiệp hội đường VN có sang Lào thì cũng chào thua chứ không thể làm được", ông Đức nhấn mạnh.
Từ đó ông Đức cho rằng, những ý kiến của Hiệp hội mía đường VN chỉ mang tính chất bảo vệ quyền lợi của các DN thuộc Hiệp hội.
"Bản chất ở đây là họ đang bảo vệ chính mình vì họ là những người buôn bán đường lớn nhất Việt Nam. Khi bàn tới việc nhập khẩu đường thì ảnh hưởng đến nồi cơm của họ và họ lên tiếng là đúng thôi.
Chẳng qua họ lấy bình phong là bảo vệ ngành và nông dân nhưng thực ra họ đang bảo vệ chính nồi cơm của họ. Những người làm trong Hiệp hội mía đường Việt Nam không phải là những quan chức, hay người vô tư giúp nông dân làm mà là những ông chủ buôn đường.
Cho nên nếu đưa đường ngoại vào sẽ ảnh hưởng đến chính những người đang buôn bán và họ buộc phải la to lên. Ở đây không có người nông dân nào lên tiếng", ông Đức bức xúc.
Chỉ thêm thực tế, ông Đức cho rằng không có ông nông dân nào ở Việt Nam trồng mía mà giàu lên.
"Tại vì Hiệp hội mía đường Việt Nam thời gian qua ép họ. Trong khi đó không có ông doanh nghiệp nào bị lỗ cả.
Thời gian qua tất cả các báo cáo tài chính của các nhà máy đường đều lãi 40-50 tỉ đồng/năm, trong khi nông dân lỗ rất nhiều. Rõ ràng các nhà máy đường đang bóc lột nông dân Việt Nam.
Đó là câu chuyện minh chứng rõ nhất, nông dân lỗ, nhà máy đường thì lãi thử hỏi lãi đó ở đâu ra. Người nông dân đang không được giúp đỡ thực sự", ông Đức khẳng định.
Xóa đi làm lại
Theo ông Đức, để thay đổi và muốn ngành mía đường phát triển, việc đầu tiên là phải dẹp hết nhà máy đường Việt Nam.
"Hãy để các doanh nghiệp yếu kém tự chết đi, khi đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ lực đầu tư vào và tái cấu trúc lại. Khi đó họ hỗ trợ cho nông dân từ giống, vốn và mọi thứ thì đời sống người nông dân mới tốt lên được.
Tức là phải đẩy ra thị trường và những người yếu kém sẽ bị thanh lọc. Khi đó người nông dân sẽ sống được bằng cây mía", ông Đức nói.
Theo vị 'nông dân cao cấp' này thì hiện tất cả các ngành khác (lúa gạo, café, tiêu, điều…) đều không được bảo hộ nhưng đã xuất hiện nhiều nông dân rất giàu. Lý do là vì họ bứt lên và sống được. Chỉ riêng ngành mía đường được bảo hộ nhưng lại kêu than rất nhiều và không có người nông dân giàu lên nhờ cây mía.
Nếu nhà nước mạnh dạn để thị trường tự đào thải, khi doanh nghiệp yếu chết đi sẽ có DN khác đầu tư vào ngành mía đường. Họ sẽ là người mạnh hơn cả về vốn, thị trường và công nghệ thì họ sẽ có điều kiện giúp được nông dân.
“Trong số đó Hoàng Anh Gia Lai sẵn sàng mua lại nhiều nhà máy đường để về tái cấu trúc lại”, ông Đức khẳng định.
Bầu Đức cũng chỉ thêm, thực tế việc bảo hộ là cơ chế xin - cho và chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm DN. Trong số này nhiều DN thuộc Hiệp hội mía đường Việt Nam.
Việc tái cấu trúc lại, với những người trồng mía sẽ được tính toán với những cây có giá trị cao hơn (trồng cỏ nuôi bò, hay trồng mì…) đều có thể mang lại lợi ích cho người nông dân.
“Tôi muốn khẳng định đóng cửa nhà máy đường không người nông dân nào chết mà chỉ có khỏe lên thôi”, ông Đức khẳng định.
Một lần nữa ông Đức cho rằng, Nhà nước hãy để tự do hóa thị trường, nông dân sẽ bớt khổ.
"Nếu làm như vậy tôi tin những ai núp dưới bóng bảo hộ sẽ chết và sẽ có những nhà đầu tư đủ mạnh để tái cấu trúc lại ngành đường", ông Đức nói thêm.
Theo Đất Việt