Số lượng kỷ lục các công ty chip Trung Quốc ngừng kinh doanh

VietTimes – Theo dữ liệu mới nhất từ ​nền tảng cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha, một lượng lớn công ty sản xuất và nghiên cứu chip tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo số liệu thống kê từ nền tảng cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha cho thấy có tới 3.470 công ty, bao gồm cả các công ty có từ “chip” (tiếng Trung) trong tên đăng ký, thương hiệu hoặc hoạt động của họ, đã hủy đăng ký kinh doanh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8.2022. Con số đó vượt qua 3.420 công ty đóng cửa trong năm 2021 và 1.397 công ty không còn tồn tại vào năm 2020.

Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Học viện Tài chính Thâm Quyến thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực sử dụng nhiều vốn”. Ông chỉ ra rằng một số công ty chip mới đăng ký có thể gặp khó khăn trong việc kinh doanh trước sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường hiện nay.

Làn sóng đóng cửa xuất hiện sau khi khu vực công và tư nhân của Trung Quốc điên cuồng đầu tư trong hai năm qua để giúp thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp chất bán dẫn của Bắc Kinh. Quốc gia này đã có thêm 47.400 doanh nghiệp liên quan đến chip mới vào năm 2021 sau khi ghi nhận 23.100 vào năm 2020.

Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các “điểm nghẽn” chiến lược của đất nước, đặc biệt là các vi mạch tích hợp (IC), việc các hãng chip đóng cửa gần đây cho thấy nền kinh tế trong nước đang chững lại, tâm lý người tiêu dùng suy yếu do phong tỏa Covid-19. Các biện pháp kiểm soát và sự căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington đang đè nặng lên lĩnh vực bán dẫn.

Trong một bài đăng ngày 6.9 trên tài khoản WeChat “Semiconductor Industry Observations”, Zhong Lin, người sáng lập công ty thiết kế chip GSR Electronics, viết rằng làn sóng khởi nghiệp chip Trung Quốc đã “kết thúc”. Ông Zhong dự đoán nhiều công ty khởi nghiệp chip sẽ bị phá sản khi nguồn vốn đầu tư cạn kiệt do thiếu triển vọng lợi nhuận. Ví dụ, công ty khởi nghiệp thiết kế chip Nurlink gần đây gây xôn xao dư luận đại lục về việc không trả lương cho nhân viên vào tháng 5 và tháng 6.2022. Điều này xảy ra chưa đầy một năm sau khi công ty hoàn thành vòng tài trợ 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 28,73 triệu USD).

Phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, nơi có nhiều nhà sản xuất công nghệ đa quốc gia và trong nước, cũng làm mờ đi triển vọng của nhiều hãng chip. Mặc dù vẫn có không ít công ty được phép hoạt động, nhưng họ phải sản xuất với công suất rất thấp trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị phá vỡ và hậu cần bị gián đoạn. Thời gian hai tháng phong tỏa đó cũng khiến nhu cầu đối với hàng điện tử tiêu dùng lao dốc, kìm hãm sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Theo dữ liệu hải quan chính thức, khối lượng nhập khẩu IC của Trung Quốc giảm hơn 12% trong 8 tháng đầu năm 2022 do nhu cầu suy yếu và sản xuất bị gián đoạn.

Trong khi đó, Washington đang thực hiện một lệnh hành pháp cho phép chính phủ Mỹ xem xét và ngăn chặn một số khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, vì lý do an ninh quốc gia.

Vào tháng 8, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với công nghệ sản xuất chip tiên tiến đã được Mỹ triển khai. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký ban hành Luật Đạo luật Khoa học và Chip, hỗ trợ gần 53 tỉ USD nhằm khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ.

Theo SCMP