Có ý kiến cho rằng, không ít đợt IPO của DNNN khó thu hút NĐT ngoại tham gia đầu tư là do giá trị DN được xác định quá cao, kém minh bạch. Ông có cùng quan điểm này?
Đúng là trong cái nhìn của NĐT nước ngoài, một trong những lý do khiến họ chưa mặn mà tham gia các đợt IPO của các DN lớn mà Việt Nam tiến hành dồn dập từ năm 2014 nay, là do giá trị DN được định giá cao, thiếu tin cậy, thông tin không minh bạch.
Theo tôi, DN không nên đưa ra các con số thiếu cơ sở vững chắc về giá trị DN, doanh thu, lợi nhuận…, để rồi hy vọng NĐT sẽ tin, sẽ tham gia mua cổ phiếu trong các đợt IPO.
Cơ sở nào để NĐT ngoại cho rằng việc định giá nhiều DN quá cao?
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi NĐT nước ngoài tiếp cận các bản cáo bạch, báo cáo tài chính của các DNNN chuẩn bị IPO, họ phát hiện ra những con số không logic, không hợp lý xét cả về đặc thù ngành nghề mà DN đó hoạt động, lẫn nghiệp vụ tài chính DN. Bấy nhiêu thôi đã khiến họ ngờ vực, thiếu niềm tin. Khi người mua nghi ngờ người bán, không tin sản phẩm mà anh ta sẽ mua, thì thông thường họ nói “không” với sản phẩm đó.
Thế giới có công thức chuẩn về xác định giá trị DN, nên tạm bỏ qua yếu tố sai số của các chỉ tiêu đầu vào xác định giá trị DN, NĐT ngoại có thể ước tính được giá trị DN. Kết quả này họ sẽ đem so sánh với giá trị DN mà các đơn vị IPO công bố, để tìm ra độ “vênh” của giá trị DN. Với những DN có độ “vênh” lớn, bất thường, hoặc là họ sẽ không tin cậy để đầu tư, hoặc sẽ tìm lời giải thích từ phía DN để tìm kiếm cơ hội. Một khi họ khó khăn trong tiếp cận DN để tìm lời giải thích, hoặc lời giải thích không thỏa đáng, hợp lý, họ cũng sẽ không mặn mà nữa.
Ngoài than phiền giá trị DN bị định giá cao, còn lý do nào khác khiến khối ngoại chưa mặn mà với việc cổ phiếu IPO của các DNNN CPH hay không, thưa ông?
Tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài trong các đợt IPO của nhiều DN quá thấp, chẳng hạn như Vietnam Airlines chỉ 3,5%, cũng là lý do khiến phương án IPO của nhiều DN không hấp dẫn dòng vốn ngoại. Tỷ lệ này cần nâng lên khoảng 20%, lý tưởng là 30-40% hoặc cao hơn, thì sẽ tạo động lực để thu hút NĐT ngoại tham gia các đợt IPO. Với tỷ lệ này, tuy chưa có tiếng nói quyết định tại DN hậu CPH, nhưng họ mới có cơ hội tranh thủ được một, hai ghế trong HĐQT, hoặc ban giám đốc, để một mặt kiểm soát chặt đồng vốn mà họ đầu tư vào DN, mặt khác phát huy những lợi thế, tiềm năng của DN. Qua đó, cải thiện hiệu quả kinh doanh của DN, làm cho đồng vốn họ đầu tư sinh lời tốt.
Khâu marketing cho cổ phiếu trước các đợt IPO chưa được các DN coi trọng cũng là yếu tố khiến NĐT ngoại ít biết, hoặc ít quan tâm tham gia mua cổ phiếu IPO. Hãy hình dung, một mặt hàng lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, nhưng ưu, nhược điểm của nó không hề được giới thiệu tới người mua cặn kẽ, bài bản, mà kỳ vọng họ mua ngay sản phẩm này là điều khó xảy ra. Đáng tiếc là điều này đang diễn ra phổ biến với cổ phiếu của các DNNN chuẩn bị IPO. Nhiều DN chỉ tổ chức roadshow giới thiệu về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu DN trước IPO ở Hà Nội, mà không tổ chức ở TP. HCM, trong khi đây mới là “cửa ngõ” trọng điểm tiếp cận với đông đảo NĐT ngoại, bởi quy tụ nhiều CTCK, quỹ đầu tư lớn… đang có mối quan hệ rộng rãi với NĐT quốc tế.
Thông tin, tài liệu giới thiệu về DN trước thềm IPO chỉ được cung cấp cho NĐT bằng tiếng Việt, mà không có tiếng Anh, nên đang tạo rào cản đối với NĐT nước ngoài khi muốn tìm hiểu thông tin về DN trước khi xem xét khả năng mua cổ phiếu trong các đợt IPO. Trong khi đó, NĐT ngoại tiếp cận với DN để tìm hiểu thông tin là điều khá khó khăn.
Một điểm quan ngại nữa của NĐT ngoại là báo cáo tài chính của các DN IPO, trong đó có nhiều DN lớn có mục tiêu thu hút NĐT ngoại tham gia các đợt IPO, nhưng chưa được kiểm toán bởi các hãng kiểm toán lớn trên thế giới. Điều này khiến cho NĐT không có được sự tin cậy cần thiết, để tiến tới xem xét khả năng tham gia mua cổ phiếu trong các đợt IPO.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước lẫn ban lãnh đạo DN sớm khắc phục những bất ổn trên, thì sẽ có khả năng thu hút vốn ngoại tham gia quá trình CPH, IPO, vốn đang vào giai đoạn tăng tốc.
Theo ĐTCK