Trong các bài báo trước (tại đây và tại đây), VietTimes đã thông tin tới bạn đọc chỉ đạo khó hiểu của Phó giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn. Theo đó, khi đang còn là Trưởng phòng Chính sách Bảo hiểm Y tế, thuộc BHXH Việt Nam, ông Sơn đã chỉ đạo "bí mật" các BHXH địa phương phải loại một số sản phẩm thuốc nội ra khỏi danh mục thuốc đấu thầu cấp vào bệnh viện.
Sau khi vụ việc bị...lộ, trả lời báo chí, ông Sơn cho rằng: "Tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ riêng năm 2015, tổng giá trị nước cất dạng ống nhựa trúng thầu cao gấp 2 lần so với năm 2014, chênh lệch giữa 2 loại vỏ (nhựa và thủy tinh - PV) này lên đến 15 tỷ đồng”. Số 15 tỷ đồng này cũng "được" ông Sơn lấy để chứng minh Quỹ BHYT đang bị "lạm dụng".
Tuy nhiên, cũng theo chính số liệu của BHXH Việt Nam cung cấp, năm 2014 chỉ 8 tỉnh có sản phẩm nước cất chứa trong ống nhựa trúng thầu cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh. Năm 2015, đã có 22 tỉnh chấp nhận cho sản phẩm nước cất chứa trong ống nhựa trúng thầu cấp vào bệnh viện.
Như vậy, số địa phương sử dụng nước cất dạng chứa ống nhựa tăng gấp 3 lần, nhưng tổng giá trị sản phẩm này trúng thầu chỉ tăng gấp 2 lần. Điều đó cho thấy "phong trào" sử dụng nước cất dạng chứa ống nhựa có vẻ đang chậm lại vì nhiều lý do, chứ không phải đang bị lạm dụng như quan điểm của ông Sơn.
Mặt khác, nước cất là sản phẩm được sử dụng phổ thông, thường xuyên trong điều trị đối với gần như mọi loại bệnh. Các bác sĩ thường cân nhắc cấp thuốc giá cao trong điều trị cho bệnh nhân, chứ không mấy khi hẹp hòi tới cả ống nước cất. Do thế mà lý do ông Sơn - trong tư cách đại diện cho BHXH - đưa ra, rằng chi phí nước cất đang "bị lạm dụng", khó có thể là ý kiến khách quan, trách nhiệm.
Đã thế, ông Sơn cũng không cho biết số 15 tỷ chi phí chênh lệch do sử dụng nước cất chứa trong hai loại vỏ (nhựa và thủy tinh) này là được tính bằng "công thức" nào, hay là chia cho bao nhiêu lượt điều trị bệnh nhân. Đồng thời cũng lờ đi thực tế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới "mon men" thâm nhập thị trường thuốc điều trị chứa trong bao bì nhựa. Có nghĩa nếu được tạo điều kiện để vào bệnh viện nhiều hơn, thì giá thành sản phẩm nước cất dạng chứa ống nhựa sản xuất trong nước chắc chắn sẽ còn giảm nữa.
Ngược lại, việc "chặn cửa" nước cất dạng chứa ống nhựa sản xuất trong nước do ông Sơn bí mật chỉ đạo BHYT các địa phương thực hiện, hóa ra lại chỉ làm lợi cho loại nước cất tương tự cũng chứa trong ống nhựa, nhưng là nhập khẩu từ Ấn Độ. Loại sản phẩm này tiếp tục có điều kiện độc quyền "vào" bệnh viện, như đã độc quyền trong suốt nhiều năm qua.
Lưu ý, hiện lựa chọn đưa thuốc nào vào danh mục đấu thầu cung cấp là việc của các bệnh viện, chấm cho trúng thầu hay không là việc của hội đồng, với các thành viên gồm cả đại diện của Bộ Y tế và BHXH. Trong đó, quy định chất lượng thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc nào trong điều trị là thuộc chuyên môn của Bộ Y tế và do Bộ Y tế cấp phép. Còn giá thuốc như thế nào, thì do BHXH "mặc cả" với nhà cung cấp.
Từ đây sẽ thấy, ông Sơn - trong tư cách đại diện cho BHXH - lại đã làm thay chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế, đó là chỉ đạo BHXH địa phương loại thẳng cánh sản phẩm thuốc đã được Bộ Y tế chấp nhận cho sử dụng trong điều trị tại bệnh viện.
Cuối cùng, cần nhắc lại là, các lý do bỏ, hay chọn một sản phẩm thuốc chữa bệnh nào đều phải căn cứ trên các số liệu rõ ràng, minh bạch, do hội đồng của mỗi cơ quan thẩm định, quyết định. Tức là việc chọn, hay bỏ sản phẩm thuốc chữa bệnh trong đấu thầu cấp vào bệnh viện chắc chắn không thể căn cứ trên chỉ đạo của một cá nhân, nhất là khi chỉ đạo ấy lại là "bí mật", qua email công cộng.