Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) vừa công bố nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chấm dứt trước thời hạn thoả thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Nghị quyết của HĐQT Eximbank cũng thể hiện, đề nghị chấm dứt trước hạn thoả thuận liên minh chiến lược được đưa ra từ phía SMBC - trong một văn bản đề ngày 5/1/2022.
Thành viên của Sumitomo Mitsui Financial Group Inc (SMFG) trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ năm 2008.
'Cuộc đua tam mã' của các 'megabank' đến từ Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam cũng được hình thành ít năm sau đó, khi Mizuho Financial Group Inc (Mizuho) và Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG) lần lượt trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank và VietinBank.
Xuất phát trước so với các đối thủ đồng hương, song, việc sa lầy trong cuộc chiến vương quyền dai dẳng và bế tắc giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank khiến những toan tính của SMBC (thực chất là SMFG) chệch hướng.
Năm ngoái, Eximbank đạt 1.205 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 10% so với năm 2020 và chỉ hoàn thành 92,7% kế hoạch năm (dù kế hoạch này đã được điều chỉnh giảm so với kế hoạch công bố hồi đầu năm 2021). Trong khi đó, Vietcombank và VietinBank - những nhà băng do Mizuho và MUFG làm cổ đông chiến lược - đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19.
Hai năm qua, SMBC cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình thống nhất giữa các nhóm cổ đông để ổn định thượng tầng của Eximbank và tập trung vào hoạt động kinh doanh. SMBC cũng nhiều lần đề nghị thanh lọc HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, song các nỗ lực này đều bất thành.
Việc chấm dứt trước hạn thoả thuận liên minh chiến lược cho thấy cổ đông Nhật Bản đã hết kiên nhẫn với khoản đầu tư tại Eximbank. Nhưng tham vọng của định chế tài chính đến từ Nhật Bản ở thị trường Việt Nam vẫn còn đó.
Trong những tháng cuối cùng của năm 2021, SMBC đã hoàn tất thương vụ 1,4 tỉ USD mua 49% vốn FE Credit từ VPBank. Thương vụ tỉ USD tại FE Credit, như VietTimes từng đề cập, được tin rằng sẽ là bước đệm mở đường cho SMBC trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng mẹ VPBank.
Nên biết, trước khi ‘tìm hiểu’ VPBank, cách đây ít năm, SMBC đã từng bày tỏ với NHNN Việt Nam về nguyện vọng mua lại một ngân hàng ‘0 đồng’, mà cụ thể ở đây là GPBank. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thương vụ này không có tiến triển.
Về phần VPBank, sau cuộc thoái lui của OCBC vào cuối năm 2013, nhà băng này chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài nào thế chỗ. Hơn một thập kỷ qua, VPBank được chi phối bởi một nhóm cổ đông trở về từ Đông Âu - những người rút vốn tại một số nhà băng khác để tập trung vào đây kể từ năm 2010. Dưới tài thao lược của ông Ngô Chí Dũng và các đồng sự, VPBank hiện đã trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam và thống lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng.
Lãnh đạo VPBank, trong các lần tiếp xúc gần đây, không giấu diếm về kế hoạch bán vốn ngoại. Dù họ không công khai nêu rõ về cái tên được nhắm đến nhưng thị trường đều ngầm định, đó là SMBC.
Theo kế hoạch, ngày 15/2/2022, Eximbank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2 với nội dung quan trọng là bầu HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Danh sách các ứng viên đề cử, ứng cử đã được gửi đến Eximbank trước ngày 14/1 để nhà băng này xin phê duyệt của NHNN./.