ĐHĐCĐ Eximbank, G3 và G6

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 97 cổ đông “check-in” (bao gồm cả trực tiếp và ủy quyền), đại diện cho hơn 1,16 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank đã thể hiện rõ sự chia phe khi biểu quyết thông qua quy chế tiến hành đại hội.

ĐHĐCĐ của Eximbank liên tiếp "vỡ" vì sự bất đồng sâu sắc giữa G3 và G6.
ĐHĐCĐ của Eximbank liên tiếp "vỡ" vì sự bất đồng sâu sắc giữa G3 và G6.

Một ngày sau phiên đại hội bất thành của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (AGM 2020) lần 3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; mã chứng khoán: EIB) lại tiếp tục tổ chức AGM 2021.

Hai ngày trước AGM 2021 và ngay liền trước AGM 2020 lần 3, ngày 25/4/2021, Eximbank công bố một thông tin đáng chú ý về kiến nghị của hai nhóm cổ đông lớn về việc miễn nhiệm các thành viên HĐQT.

Theo đó, ngày 19/4/2021, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của bà Kiều Vũ Thuỵ Uyên, đại diện theo uỷ quyền của nhóm cổ đông gồm: (1) Công ty CP Rồng Ngọc; (2) Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios (3) Công ty CP Thắng Phương (4) Thái Thị Mỹ Sang (5) Lưu Như Trân. Nhóm cổ đông này sở hữu 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.

Cũng ngày 19/4/2021, HĐQT Eximbank tiếp tục nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm (1) ông Nguyễn Tiến Dũng (2) ông Trần Công Cận, (3) Lafelle Limited (4) Education Management Holdings Limited. Nhóm cổ đông này sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị Eximbank miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm: ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.

Mỗi nhóm sở hữu hơn 10% cổ phần có quyền biểu quyết – tỷ lệ vừa đủ để đưa ra kiến nghị bổ sung chương trình nghị sự cho AGM, theo Điều lệ - song có thể xem họ như đại diện của hai phe cổ đông đối nghịch nhau và “chiến đấu” không khoan nhượng với nhau suốt những năm qua. Những thành viên HĐQT mà họ mong muốn loại bỏ cũng chính là những người mà phe còn lại muốn ủng hộ.

Nó cũng cho thấy sự chia phe trong HĐQT Eximbank hiện thời. Như VietTimes đã đề cập, tương quan bất tương xứng giữa số đại diện trong HĐQT với lượng cổ phần nắm giữ giữa các phe càng khiến cuộc chiến trở nên khốc liệt và bế tắc.

G3 và G6

Phiên AGM 2020 lần 3 vừa kết thúc trong thất bại ghi nhận tỷ lệ tham dự cao nhất trong lịch sử đại hội cổ đông Eximbank nhiều năm qua, với 94,51% cổ phần có quyền biểu quyết, bất chấp địa điểm tổ chức ở Hà Nội, chứ không phải Tp. HCM – nơi EIB đặt đại bản doanh và khu vực có nhiều cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng này cư trú.

97 cổ đông “check-in” (bao gồm cả trực tiếp và ủy quyền), đại diện cho hơn 1,16 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank đã thể hiện rõ sự chia phe khi biểu quyết thông qua quy chế tiến hành đại hội: 44,92% đồng ý; 54,69% không đồng ý.

Vì tỷ lệ biểu quyết này tính trên số cổ đông tham dự AGM 2020 lần 3 nên có thể tính ra, liên minh G3 (nhóm các cổ đông ủng hộ 3 thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải) đã sở hữu và tranh thủ được sự ủng hộ của lượng cổ phần hơn 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank. Cổ đông chiến lược SMBC khả năng nằm trong liên minh này, bởi cần có tỷ lệ biểu quyết 15% của họ thì G3 mới có thể chi phối quá bán.

Với tỷ lệ này, liên minh G3 giữ ưu thế vượt trội so với nhóm đối nghịch (tạm gọi là G6) về quyền làm chủ Eximbank. Tuy nhiên, đó mới là lý thuyết, vì họ lại chỉ chiếm thiểu số trong HĐQT – cấu trúc quyền lực thường trực cao nhất, giữ quyền quản trị ngân hàng và quyền lên chương trình cho các kỳ đại hội.

Thực tế ghi nhận, từ tháng 5/2019, sau khi HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT, nhóm 3 thành viên HĐQT của phe G3 hầu như không tham dự tất cả các cuộc họp hay trả lời tờ trình của HĐQT. Lý do, theo họ, bắt nguồn từ việc họ không thừa nhận hiệu lực pháp lý của Nghị quyết 231 và các Nghị quyết phái sinh số 237, 238,239 liên quan bầu/bãi/miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Nhóm G3 cho rằng chiếc ghế Chủ tịch của ông Yasuhiro Saitoh là không hợp pháp. Trong khi ông Saitoh khẳng định NHNN đã kết luận việc bầu ông là hợp lệ!
Nhóm G3 cho rằng chiếc ghế Chủ tịch của ông Yasuhiro Saitoh là không hợp pháp.

Trong khi ông Saitoh khẳng định NHNN đã kết luận việc bầu ông là hợp lệ!

“Do Chủ tịch HĐQT được bầu không hợp pháp nên không có quyền triệu tập và ký các Nghị quyết HĐQT. Các Nghị quyết ký bởi Chủ tịch HĐQT được bầu không hợp pháp dẫn đến rủi ro pháp lý và các tổn thất không lường cho ngân hàng, cổ đông và khách hàng. Với nhận thức này, tôi không tham dự các cuộc họp như vậy để tránh tiếp tay cho việc ban hành những Nghị quyết trái luật gây rủi ro cho nhân hàng, cổ đông và khách hàng” – một vị trong G3 cho biết.

Liên minh G3, nên biết, chưa gửi danh sách đề cử nhân sự tham gia HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (ngoại trừ SMBC), cũng bởi nhận thức trên. Họ, cùng với SMBC, muốn Eximbank phải thanh lọc HĐQT trước. Nhu cầu này giờ đây lại được nhóm đối nghịch (G6) chia sẻ, dù mục tiêu để thanh lọc là khác nhau.

Sau đề xuất của 2 nhóm này vào ngày 19/4, đến ngày 22/4, Ban tổ chức đại hội đã đưa vào chương trình nghị sự của AGM 2020 lần 3 và cả AGM 2021 nội dung “Trình bày Kiến nghị của 02 nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm các thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015 - 2020)”. Nhưng vấn đề là trong trình tự đại hội, nội dung này lại được bố trí sau nội dung bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Mà nếu đã kiện toàn được nhiệm kỳ VII, thì về mặt nguyên tắc, HĐQT và BKS nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) đương nhiên đã mãn nhiệm.

Cách bố trí như vậy, dĩ nhiên, khó nhận được phiếu của liên minh G3. Mà liên minh này, như đã phân tích, lại nắm quyền biểu quyết quá bán. Nếu họ phủ quyết, AGM 2021 sẽ lại vỡ như AGM 2020, thậm chí là ngay từ giai đoạn “check-in”, bởi lý do túc số.

Nên nhớ, là nhiệm kỳ VI của HĐQT và Ban Kiểm soát Eximbank đã mãn và đang chỉ tồn tại trong trạng thái “bù giờ”. Sớm muộn Eximbank cũng phải kiện toàn ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ VII.

Cả phe G3 và G6 đều muốn nắm quyền quyết đáp ở HĐQT để giữ quyền lên chương trình Đại hội và làm chủ cuộc chơi tại nhiệm kỳ VII. Đích nhắm quan trọng nhất là chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, rồi sau đó là bố trí nhân sự cho Ban điều hành./.