Smartphone bùng nổ ở quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á

Nếu 6 năm trước số lượng điện thoại di động ở Myanmar là không đáng kể và chỉ được coi là thứ xa xỉ dành riêng cho những người giàu có, thì giờ đây hầu hết người dân ở đất nước Đông Nam Á này đều đã có smartphone.
Nhân viên đang kiểm kê phụ kiện điện thoại di động tại một cửa hàng ở Yangon
ẢNH: BLOOMBERG
Nhân viên đang kiểm kê phụ kiện điện thoại di động tại một cửa hàng ở Yangon ẢNH: BLOOMBERG
Trong khi bên ngoài văn phòng của một công ty khởi nghiệp công nghệ Nexlabs là âm thanh gầm gừ phát ra từ những chiếc xe tải đậu bên cạnh các tòa nhà đổ nát, thì cảnh tượng bên trong lại có thể khiến cho người ta ngỡ như mình đang ở Thung lũng Silicon, khi trước mắt là một hàng nhân viên lập trình đang chờ để sẵn sàng giới thiệu, chào bán máy tính xách tay và điện thoại thông minh được đặt bên cạnh những tấm áp phích đầy sáng tạo. Nhu cầu địa phương cho các ứng dụng điện thoại thông minh của công ty đang bùng nổ, và trong 12 tháng qua công ty đã ký những hợp đồng tiếp thị với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung Electronics.
“Hôm qua khi đang ngồi trong quán cà phê, tôi đã tình cờ nghe được những người ngồi gần mình đang nói về việc xây dựng một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh chóng”, Ye Myat Min, Giám đốc điều hành 25 tuổi của Nexlabs, nói.
Câu chuyện của Ye Myat Min có lẽ sẽ không có gì đáng để chú ý nếu như nó không xảy ra ở Myanmar, một đất nước mà phần lớn mọi người đều là nông dân, nhiều con đường chưa được trải nhựa và nguồn điện năng ổn định vẫn còn là một thứ xa xỉ.
Myanmar chứng kiến sự bùng nổ điện thoại thông minh chưa từng thấy1
Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, hầu hết người Myanmar đều đã có điện thoại thông minh         ẢNH: BLOOMBERG
Chỉ 6 năm trước, khi Myanmar mới nổi lên sau hàng thập niên bị cô lập do chế độ độc tài của chính quyền quân đội, điện thoại là một sự lãng phí vốn chỉ dành cho những người giàu có. Tuy nhiên, kể từ khi đất nước mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chịu một phần chi phí xây dựng một mạng không dây rộng lớn, thì gần như tất cả người dân của quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á giờ đây đều đã được kết nối.
“Thật tuyệt vời. Tôi không thể nghĩ ra được một thị trường nào khác nơi mọi thứ có khả năng chuyển đổi nhanh chóng hơn ngoài Myanmar”, Marc Einstein, nhà phân tích của công ty tư vấn IRT tại Tokyo, người đã tư vấn cho một số doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào Myanmar, nói.
Theo Bloomberg, sự thay đổi mạnh mẽ bắt đầu diễn ra kể từ khi cựu Tổng thống Myanmar Thein Sein quyết định chấm dứt sự độc quyền nhà nước về dịch vụ điện thoại. Một kế hoạch đề xuất chào thầu thông minh vào lúc đó đã được đưa ra để đảm bảo các nhà đầu tư phải cam kết độ bao phủ rộng lớn đến cả những khu vực xa nhất của đất nước, chứ không riêng chỉ trong các thành phố lớn.
Chưa đến một năm sau đó, Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo Q.S.C của Qatar đã bắt đầu chi hàng tỉ USD để phủ sóng cả một vùng đất rộng lớn trải dài trên những ngọn núi dốc và những vùng đồng bằng thấp trũng. Hãng vận tải Nhật Bản KDDI và công ty thương mại Sumitomo cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu chính Viễn thông Myanmar để đầu tư thêm 2 tỉ USD vào lĩnh vực này.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, Myanmar có thêm số lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại di động nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới vào năm 2015, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vào tháng 6.2017, có khoảng 90% trong số 54 triệu dân Myanmar có điện thoại di động kết nối internet. Khoảng 60% trong số đó sử dụng Facebook hoặc các mạng xã hội khác để cập nhật tin tức. Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, bây giờ người ta cũng có thể gọi xe bằng cách sử dụng các ứng dụng trực tuyến của Uber hoặc Grab.
Trở lại thời kỳ trước khi thị trường di động còn chưa được mở cửa, một thẻ SIM điện thoại di động được bán ở chợ đen có thể có giá hơn 2.000 USD. Trong khi đó, hiện tại một thẻ nhớ dữ liệu được bán bởi Ooredoo có giá chỉ 1,5 USD, điện thoại thông minh có loại dưới 20 USD, và các cuộc gọi trong nước chỉ còn khoảng 2 cent/phút.
Naing Win, một người đàn ông 30 tuổi bán bánh quế tại Yangon, cho biết trong nhiều năm anh không có cách nào để liên lạc với gia đình ở quê ngoại trừ gửi thư bằng bưu điện. Nhưng bây giờ “mọi thứ đã dễ dàng hơn nhiều vì mọi người đều có một chiếc điện thoại thông minh”, Naing Win nói.
Thiri Thant Mon, chủ một ngân hàng đầu tư nhỏ tại Yangon, chia sẻ rằng bà vẫn còn nhớ những lúc phải chờ đợi đến cuối tuần mới được đọc tạp chí để biết được những thông tin bên ngoài. "Nhưng đột nhiên bây giờ chúng tôi đang ở trên internet, phần còn lại của thế giới đã không còn là điều gì đó bí ẩn nữa. Mọi người trên phố giờ đây đang nói về Tổng thống Trump trong khi một vài năm trước thậm chí còn không ai biết chuyện gì đang xảy ra ở thị trấn kế bên”, bà Thiri Thant Mon cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc, phần lớn người Myanmar vẫn trữ tiền mặt và sợ hãi các ngân hàng. Chỉ có 5% dân số có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh phát triển có thể giải quyết vấn đề này. Cụ thể, có một ứng dụng gọi là Wave Money do Telenor phối hợp với một đối tác địa phương để xây dựng cho phép mọi người thanh toán hoặc chuyển tiền ngay trên điện thoại của họ. Telenor cho biết có khoảng 450.000 người đã sử dụng dịch vụ kể từ khi ứng dụng này ra mắt vào tháng 8 năm ngoái.
Song, mặc dù Myanmar là một trường hợp điển hình của thế giới về cách internet có thể biến đổi một số thành phần cơ sở hạ tầng vật lý lỗi thời, nhưng dường như vẫn có những thứ mà internet không thể thay thế, đó là nguồn điện. Tại Nexlabs, ngay khi Ye Myat Min ngồi xuống để bắt đầu nói chuyện về cơn sốt điện thoại di động ở Myanmar thì cũng là lúc văn phòng của anh mất điện. Câu chuyện bị gián đoạn vì nhà doanh nghiệp trẻ đã không ngần ngại lao vào bóng tối để khởi động các máy phát điện dự phòng.
Theo Thanh Niên
http://thanhnien.vn/cong-nghe/smartphone-bung-no-o-quoc-gia-ngheo-nhat-dong-nam-a-855026.html