|
FIT có hai khoản đầu tư lớn nhất là DCL và TSC, chiếm gần 72% tổng tài sản hợp nhất. |
Sim rác dồn dập kích mua
Ông Huỳnh T, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, ông nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ, kêu gọi mua vào cổ phiếu FIT. Gọi, nhắn tin hỏi lại nhưng không ai trả lời. Dự cảm cổ phiếu FIT sẽ được “đánh lên”, ông theo dõi diễn biến giao dịch cổ phiếu này vài phiên để xem “phong cách của đội lái”, sau đó quyết định mua vào 50.000 cổ phiếu tại mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, ông đã bán ra với giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
“Tôi thấy mã đó không có yếu tố cơ bản gì, nhưng nhìn cách giao dịch thấy bắt đầu được đánh lên nên mua. Trong ngân sách của tôi luôn có khoản dành cho hàng nóng”, ông T nói.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng nhận được tin nhắn kêu gọi, kích động mua cổ phiếu FIT. Nhà đầu tư Nguyên Thu tại TP.HCM cho hay, chị liên tiếp nhận được tin nhắn về FIT từ các số điện thoại khác nhau với nội dung: “Cổ phiếu FIT: Bứt phá về mục tiêu 3x”, “FIT phá vỡ ngưỡng 12k thành siêu cổ phiếu không có đỉnh”, “FIT: Cổ phiếu tích lũy tích cực, hướng về vùng giá 15-17k”...
Ngày 24/12/2020, khi chỉ số VN-Index giảm điểm khá mạnh, thị trường rung lắc, nhưng cổ phiếu FIT vượt mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu thì tin nhắn được gửi đến có nội dung: “Cổ phiếu FIT: Cơ hội tích lũy khi thị trường rung lắc”. Đến cuối tháng, tin nhắn có nội dung: “FIT vào rổ chỉ số VNFin Select và VN50. Game thoái vốn quỹ tây”, “FIT: Các tổ chức, quỹ tây bắt đầu mua. Giá mục tiêu 35-40k trong quý I/2021”.
Chính hàng loạt tin nhắn dồn dập này, hiệu ứng đám đông được tạo ra đã góp phần đưa cổ phiếu FIT tăng giá từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, FIT thiết lập chuỗi tăng giá kéo dài mà không gắn với bất kỳ thông tin đặc biệt nào được công bố chính thức từ phía Công ty.
Chưa hết, ngày 6/1/2021, tin nhắn được gửi đi với nội dung: “Cổ phiếu FIT bùng nổ, ngắn hạn hướng đến mốc 2x, trung hạn 4x”. Đến thứ Sáu, ngày 11/1/2021, FIT vượt mốc 22.000 đồng/cổ phiếu, tin nhắn tiếp tục kích động mua: “Mã cổ phiếu FIT: Hướng tới vùng giá 5x sau khi vượt đỉnh mọi thời đại”.
|
Liên tiếp các số lạ nhắn đến để kích mua cổ phiếu FIT. |
Câu hỏi đặt ra là những tin nhắn kích động nhà đầu tư mua vào cổ phiếu FIT như vậy có hợp pháp hay không? Sự việc này dường như lần đầu xuất hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ bởi dòng tiền rẻ và làn sóng nhà đầu tư mới (F0) tham gia đầu tư.
Nếu tình trạng tin nhắn kích động mua cổ phiếu tái diễn, với FIT và các mã khác, rất có thể nhiều nhà đầu F0 sẽ bị cuốn vào những cuộc làm giá nặc danh như vậy. Câu hỏi này xin gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý, giám sát thị trường.
Thị giá FIT có ảo?
Giá cổ phiếu FIT đã tăng gần 2,5 lần chỉ trong 2 tháng và định giá theo chỉ số P/E 4 quý gần nhất đến quý III/2020 là gần 51 lần, cao hơn khoảng 78% so với giá trị sổ sách. Thanh khoản bình quân 30 phiên gần nhất là 8,1 triệu cổ phiếu, đột biến so với giai đoạn trước đó.
Giá cổ phiếu FIT ngày 21/1/2021 đạt 21.750 đồng, cao hơn 78% giá trị sổ sách và tương đương định giá theo P/E lên tới 51 lần.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, FIT đạt doanh thu thuần 853 tỷ đồng, tăng 0,3%, nhưng biên lợi nhuận gộp được cải thiện cùng các chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính đều được kéo giảm, trong khi doanh thu tài chính tăng đã giúp Công ty thu về 76,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, so với kế hoạch lãi 171,3 tỷ đồng cả năm 2020, kết thúc 9 tháng, FIT mới thực hiện được 44,7%.
So với quy mô 5.189 tỷ đồng tổng tài sản và 4.023 tỷ đồng vốn chủ sở hữu đến cuối quý III/2020, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và nguồn vốn của FIT vẫn còn khá nhỏ, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đầu năm 2020 chỉ là 165 đồng.
Mới đây, FIT công bố thông tin về dự án Mũi Dinh Ecopark, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trên quy mô gần 800 ha ở Ninh Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIT, dự kiến dự án sẽ triển khai giai đoạn 1 trong quý II/2021, với khu resort bao gồm biệt thự biển và biệt thự trên núi nhìn biển; khách sạn 5 sao 500 phòng, tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Các sản phẩm này sẽ được bán và/hoặc cho thuê vận hành. Mức lợi nhuận dự kiến của dự án giai đoạn 1 là 2.500 tỷ đồng.
Quy mô tài sản lớn, nhưng hiệu quả hoạt động thấp
Thành lập năm 2007 với lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư và dịch vụ tài chính, đến cuối năm 2013, FIT là doanh nghiệp có quy mô trung bình với 232 tỷ đồng tổng tài sản, vốn điều lệ 197 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2014 - 2015, quy mô tài sản, nguồn vốn của FIT tăng nhanh sau một loạt động thái chào bán cổ phần huy động vốn. Đến cuối năm 2015, tổng tài sản đạt 4.400 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 2.077 tỷ đồng.
FIT đã mua vào 16,13% cổ phiếu DCL của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long từ tháng 1/2015 và đến tháng 6/2018 tăng tỷ lệ sở hữu lên 74,61%.
Đối với Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), FIT trở thành cổ đông lớn vào tháng 8/2014 và đến tháng 5/2016 nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%. Đây là hai khoản chiếm gần 72% tổng tài sản hợp nhất của FIT.
Sau nhiều năm đầu tư vào TSC và DCL, kết quả mang lại cho FIT chưa đạt kỳ vọng.
Cụ thể, sau khi FIT tăng tỷ lệ sở hữu tại TSC lên 56,7% vào tháng 6/2016, TSC thua lỗ trong năm 2017 - 2018, góp phần khiến lợi nhuận của FIT giảm mạnh, thậm chí âm trong năm 2018.
Trong 2 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của TSC vẫn ở mức khá thấp, lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 750 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm, TSC lãi ròng 15,5 tỷ đồng, nhưng so với quy mô tổng tài sản 1.972 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.832 tỷ đồng, kết quả này cũng chỉ mang lại thu nhập trên mỗi cổ phần 106 đồng.
Tương tự, với DCL, lợi nhuận năm 2018 là 12,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 74,8 tỷ đồng năm 2017, góp phần khiến FIT báo lỗ trong năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của DCL tăng vọt, đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm 2019, đóng góp chủ yếu vào kết quả tăng trưởng lợi nhuận của FIT.
Tuy vậy, doanh thu trong kỳ của DCL giảm, biên lợi nhuận gộp được cải thiện, giúp lãi gộp tăng trưởng, nhưng cũng chỉ đủ bù đắp các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính. Phần lợi nhuận trước thuế thu được (54,17 tỷ đồng) có đóng góp đáng kể nhờ phần doanh thu tài chính (54,6 tỷ đồng).
So với quy mô tài sản 1.761 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 945 tỷ đồng, con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 của DCL vẫn còn khá nhỏ, EPS là 723 đồng.
Ngoài TSC và DCL, FIT còn đầu tư vào FIT Comestic, Nước khoáng Khánh Hòa, Westfood Hậu Giang, FIT Land.
Với cấu trúc của mô hình tập đoàn, trong đó công ty mẹ FIT chủ yếu nắm vai trò đầu tư sở hữu cổ phần của các công ty con/công ty liên kết, nên kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của FIT sẽ phụ thuộc vào hoạt động của các công ty này.
Mô hình công ty đầu tư cũng khiến trong số lợi nhuận của FIT trên báo cáo tài chính hợp nhất có một phần không nhỏ là lợi ích của cổ đông thiểu số, tức không thuộc cổ đông công ty mẹ (nhà đầu tư cần lưu ý loại trừ khoản này khi định giá cổ phiếu).
Chẳng hạn, trong 60,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất thu được sau 9 tháng đầu năm 2020 có 18,3 tỷ đồng thuộc về cổ đông thiểu số, tương ứng gần 1/3 lợi nhuận hợp nhất.
Đa dạng các hoạt động kinh doanh giúp FIT phân tán rủi ro, tuy vậy, khi một mảng kinh doanh gặp khó khăn cũng có thể triệt tiêu sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các mảng hoạt động kinh doanh khác.
Trong đó, TSC và DCL là 2 khoản đầu tư lớn nhất nhưng chưa đem lại hiệu quả cao đã và đang là nguyên nhân kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của FIT.
Với nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FIT, tỷ lệ sở hữu thực tế đang ở dưới mức chi phối như 25,33% tại FIT Comestic, 31,6% tại Nước khoáng Khánh Hòa, 49,84% tại Mũi Dinh Ecopark, 24,89% tại Chứng khoán Đại Nam và hạch toán dưới dạng liên doanh, liên kết.
Không ít giao dịch, hợp tác mua bán hàng hóa và thu hồi, thanh toán, nhận, trả tiền hợp tác đầu tư vốn có giá trị khá đáng kể trong lưu chuyển tài chính, dòng tiền của FIT với các bên liên quan (Mũi Dinh Ecopark, Nước khoáng Khánh Hòa, FIT Comestic) đang khiến một số nhà đầu tư băn khoăn về tính minh bạch.
Theo Đầu tư Chứng khoán